vĐồng tin tức tài chính 365

Đêm trước ngày hoàng đạo: Đã biết rằng sai sao không thể sửa?

2022-08-29 11:22
Đêm trước ngày hoàng đạo: Đã biết rằng sai sao không thể sửa? - Ảnh 1.

Cảnh trong vở Đêm trước ngày hoàng đạo. Từ trái qua: nghệ sĩ Tiến Phước (vai Tạ Thanh), NSƯT Thoại Mỹ (vai thần phi Nguyễn Thị Anh) và Thanh Đông (vai Trịnh Khả) - Ảnh: LINH ĐOAN

Vở cải lương lịch sử này từng được đạo diễn Lê Trung Thảo dàn dựng trên sân khấu năm 2013, Đài truyền hình TP.HCM và Đài truyền hình Việt Nam cũng đã dàn dựng và phát sóng trên HTV và VTV.

Vụ án chấn động triều đình

Vở lấy bối cảnh đêm trước khi Lê Tư Thành chuẩn bị lên ngôi, trở thành vua Lê Thánh Tông.

Là con trai của bà Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ con Lê Tư Thành có thời gian phải lưu lạc chốn thường dân và nhận được sự bảo bọc giúp đỡ của Nguyễn Trãi - một bậc khai quốc công thần vì dân vì nước mà cuối đời bị khép vào tội giết vua và mưu phản, gánh thảm án tru di tam tộc.

Vụ án Lệ chi viên đã trôi qua 20 năm nhưng vị vua trẻ vẫn đau đáu, và trước giờ bước lên ngôi cao chín bệ ông muốn giải oan cho con người mà ông kính trọng.

Nhưng Lê Tư Thành sắp kế nhiệm triều Lê và ông phải có trách nhiệm bảo vệ uy tín, thanh danh cho triều đại.

Quyết định phủi lớp bụi mờ của vụ án 20 năm trước có nghĩa là ông phải xác nhận sai lầm của tiền triều, mà chủ mưu là thần phi Nguyễn Thị Anh, người đã rước ông từ chốn dân dã về cung và yêu thương, dạy dỗ ông. Và tất nhiên sẽ dính líu đến rất nhiều vị quan.

Chỉ một đêm như một đêm trắng, mỗi nhân vật xuất hiện trong vở diễn đều bạc đầu với những trăn trở, giằng xé. Từ Lê Tư Thành, sử thần Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Thị Anh, Nguyễn Trãi... đều có những tâm tư.

Những cơn sóng ngầm đau đớn

Đêm trước giờ hoàng đạo không có nhiều hành động mà chủ yếu khai thác sâu vào nội tâm mỗi nhân vật. Đây là bản dựng sang, sáng và có chiều sâu.

Các nhân vật không gào thét để bày tỏ tâm tư mà tĩnh lặng như màn đêm, chỉ có những ngọn gió ký ức cứ thế len lỏi khiến người ta đau nhói. Những cơn sóng ngầm đau đớn khiến mỗi người phải tự chọn để vượt qua hay bị nhấn chìm.

Có thể nói, lâu lắm rồi NSƯT Thoại Mỹ mới trở lại với một vai chính nặng ký trong vở diễn lịch sử Việt Nam. Thoại Mỹ đã không làm người xem thất vọng với một Nguyễn Thị Anh đầy mưu mô nhưng cũng lắm nỗi niềm.

Một người đàn bà khi bị xoáy vào mê cung quyền lực thì có khi phải đánh mất chính mình, đánh mất lòng nhân. Rốt cuộc khi giành được ngôi cao chỉ còn lại ta với nỗi cô đơn...

Nguyễn Thị Anh khiến người ta căm ghét nhưng cũng có những khoảnh khắc bà yếu lòng khiến người xem chùng xuống. Đó là khi Lê Tư Thành hỏi bà: "Đạt được tất cả người có được vui không?".

Bà quay mặt đi, không nói gì, một dòng lệ rơi xuống. Hay ở đoạn Nguyễn Trãi bày tỏ: "Ta cảm thương phận má hồng phải long đong giữa vòng danh lợi", bà xuống tay hạ lệnh giết ông và toàn gia mà lòng đau như cắt vì không thể khuất phục được con người kiêu hãnh, thanh cao của ông.

Mặt Nguyễn Thị Anh sắc lạnh, nhưng đôi mắt bà đầy nước, cứ như một bể đau khổ và tuyệt nhiên không để lệ rơi xuống...

Thoại Mỹ cho biết do hậu COVID-19 nên sức khỏe chị cũng kém đi nhưng khi đọc vai Nguyễn Thị Anh chị quá thích bởi nhân vật hay và lời thoại sâu sắc, ý nghĩa.

Chị chia sẻ: "Trước giờ tôi đóng khá nhiều vai độc lẳng nhưng với vai diễn này tôi trăn trở nhiều để chọn cách diễn có chiều sâu. Tôi phải tiết chế từ lời nói đến hành động. Cứ rảnh là cầm kịch bản, đọc một câu thoại thì nói ba tông rồi chọn tông nào cho hợp lý, từng ánh mắt, từng hành động đều quay lại rồi xem nếu thấy không hợp lý bỏ liền.

Tôi chọn cách thể hiện nhân vật độc theo kiểu lạnh. Vì bà là người hoàng tộc thì diễn độc phải sao cho sang chứ không thể ào ào. Lâu lâu có được vai diễn hay dù tập cực nhưng tôi thích lắm. Tôi mời má Ngọc Giàu, cô Lê Thiện... đi xem để góp ý giúp tôi hoàn thiện hơn".

Không chỉ vai diễn của Thoại Mỹ, kịch bản cũng dành nhiều đất diễn cho các nghệ sĩ khác phát huy nội lực. Đó là Võ Minh Lâm với vị vua trẻ Lê Tư Thành cứ phải chênh vênh giữa việc giữ thanh danh vương triều với việc vén bức màn sự thật.

Giữa ông và nhà chép sử Ngô Sĩ Liên luôn giằng co, tranh đấu với những câu hỏi: Đã biết rằng sai, vì sao không thể sửa? Nếu mỗi chữ viết ra bằng máu thì người chép sử có dám xem thường những điều mình viết?

Đó còn là tâm sự của Nguyễn Trãi (Nguyễn Minh Trường đóng) với nỗi đau thấu trời của sao khuê bị cuộc tranh đoạt quyền lực, ganh ghét tị hiềm dìm xuống bùn nhơ...

Sau đêm công diễn, Đêm trước ngày hoàng đạo sẽ được đưa đi tham dự Liên hoan sân khấu thủ đô lần thứ 5 năm 2022 tại Hà Nội, dự kiến vào tháng 9.

Nỗ lực tìm lực lượng trẻ cho cải lươngNỗ lực tìm lực lượng trẻ cho cải lương

TTO - Sân khấu Tài năng trẻ và sân khấu Tài năng thiếu nhi là kế hoạch nhà hát ấp ủ từ rất lâu, nay chúng tôi quyết liệt thực hiện để mong muốn tìm những nhân tố tốt cho sân khấu cải lương trong tương lai.

Xem thêm: mth.48921100192802202-aus-eht-gnohk-oas-ias-gnar-teib-ad-oad-gnaoh-yagn-court-med/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đêm trước ngày hoàng đạo: Đã biết rằng sai sao không thể sửa?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools