Ngành dược Việt Nam vừa có thông tin Tập đoàn lớn Hàn Quốc SK có thể rót khoảng 100 triệu USD vốn đầu tư vào chuỗi bán lẻ dược phẩm Pharmacity. Động thái rót vốn diễn ra trong bối cảnh tiềm năng của thị trường Dược được "đánh thức" sau đại dịch, minh chứng là loạt đơn vị lên kế hoạch lớn, rục rịch cho một cuộc chiến mới.
Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép
Ghi nhận tại báo cáo tiềm năng mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), xu hướng nhân khẩu học đang tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dược phẩm trong dài hạn. Trong đó, với người cao tuổi, các vấn đề về sức khỏe sẽ xuất hiện nhiều và nhu cầu sử dụng các sản phẩm thuốc sẽ cao hơn đối với người ở độ tuổi lao động.
Theo Tổng cục thống kê, số người trên 60 tuổi khoảng 13,86 triệu người tương đương với 13% tổng dân số Việt Nam. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 23,34 triệu người, chiếm 21% tổng dân số Việt Nam vào năm 2040.
Đánh giá của Merck Healthcare - công ty dược phẩm của Mỹ, Việt Nam là một trong những thị trường trọng yếu trong định hướng phát triển của Tập đoàn tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Bởi lẽ, Việt Nam là một trong số quốc gia có tỷ lệ bệnh nhân khá cao trong khu vực.
Báo cáo gần đây tại cuộc họp của Bộ Y tế vào tháng 4/2022 cho thấy, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép, trong khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thì gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm chủ yếu gồm bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mãn tính đang gia tăng nhanh.
Merck theo đó chính thức lập Công ty TNHH Merck Healthcare Việt Nam, trước đây chỉ là văn phòng đại diện Merck Export GmbH. Thâm nhập sâu vào thị trường Việt trong năm 2022, Merck Healthcare cũng ký kết chiến lược với các chuỗi nhà thuốc lớn gồm Pharmacity, An Khang (của Thế giới Di động – MWG), Trung Sơn Pharma, nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ dược sĩ trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
Doanh thu toàn ngành được kỳ vọng sẽ tăng trưởng giai đoạn 2022-2026
Với những lý do trên, doanh thu toàn ngành được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong trong ngắn hạn. Ghi nhận bởi VDSC, doanh thu TTM (Trailing 12 Months - 12 tháng liên tiếp) tính đến quý 1/2022 của kênh ETC và OTC lần lượt đạt 3,9 tỷ USD và 2,7 tỷ USD (tăng 14% so với cùng kỳ).
Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng doanh thu TTM của kênh OTC duy trì ổn định ở mức 10% trong năm 2021 và vẫn tiếp tục cải thiện đến hết quý 1/2022. OTC (Over The Counter) được hiểu là kênh bán lẻ của các nhà thuốc, quầy thuốc. Thông qua đây, các loại thuốc có thể bán mà không cần kê đơn, chỉ cần hướng dẫn sử dụng thuốc của các dược sĩ ngay tại điểm bán.
VDSC cũng dự báp kết quả kinh doanh nửa cuối năm của ngành dược sẽ tương đối khởi sắc, tăng trưởng tích cực từ mức nền thấp của nửa đầu năm qua.
Bên cạnh nhu cầu gia tăng hậu Covid-19, tiềm năng của ngành còn được hỗ trợ bởi Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5% trong năm 2022. Đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi và dự báo sẽ vượt kế hoạch, đạt tăng trưởng 7,3%; qua đó thu nhập bình quân đầu người được cải thiện, tăng trưởng kép 5 năm từ 2022-2026 đạt 6%, hỗ trợ chi tiêu cho sức khoẻ tăng.
Theo Fitch Solutions, chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm năm 2021 là 1,5 triệu đồng và dự báo vào năm 2026F sẽ đạt 2,1 triệu đồng, mức tăng trưởng kép 7,7% trong vòng 5 năm tới.
Về yếu tố chủ quan, cuộc đua thị phần của các doanh nghiệp bán lẻ đang góp phần mở rộng kênh phân phối qua nhà thuốc. Nửa đầu năm 2022, các chuỗi nhà thuốc có thương thiệu tại Việt Nam là Pharmacity, Long Châu, An Khang mở mới tổng số gần 1.000 cửa hàng thuốc.
Thói quen lựa chọn mua thuốc ở các cửa hàng thuốc truyền thống sẽ giúp kênh này là đầu ra lý tưởng cho các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm khi có khoảng 56.000 cửa hàng tại Việt Nam.
Cùng với đó, số lượng bệnh viện cải thiện dần qua từng năm. Giai đoạn 2016 – 2020 đã có thêm tổng số 121 bệnh viện được xây dựng mới, trong đó có 46 bệnh viện công và 75 bệnh viện tư nhân.
Do đó, Fitch Solutions dự báo doanh thu dược phẩm kênh ETC/OTC năm 2022 và 2026 đạt lần lượt 118 nghìn tỷ đồng/36,7 nghìn tỷ đồng và 166 nghìn tỷ đồng/50 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kép bốn năm là 9%/7%.
Dù vậy, tồn đọng và thử thách của thị trường vẫn xoay quanh câu chuyện ngành dược Việt Nam chưa có khả năng sản xuất nguyên liệu, chủ yếu sẽ nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Cụ thể, nguyên liệu hoạt tính (API) chiếm khoảng 51% trong cơ cấu giá vốn của các doanh nghiệp sản xuất dược.
Hệ quả, lo ngại biên lợi nhuận gộp các công ty sản xuất dược sẽ bị tác động tiêu cực trong ngắn hạn, bởi hai yếu tố:
Thứ nhất, trong nửa đầu năm, Trung Quốc đóng cửa do Covid-19 làm cho đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu toàn cầu, các doanh nghiệp dược Việt Nam đã chuyển hướng nhập khẩu nhiều hơn từ Ấn Độ. VDSC lo ngại trước những diễn biến phức tạp từ dịch bệnh tại Trung Quốc tiếp tục kéo dài, tác động làm tăng chi phí nhập khẩu dược liệu trong khi giá bán chịu sự kiểm soát của nhà nước.
Thứ hai, FED có những động thái tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm nay để kiểm soát lạm phát gây biến động về tỷ giá VND/USD.
Xem thêm: mth.32143253192802202-iaogn-ut-uad-ahn-taol-gnah-nad-pah-ed-ig-oc-gnad-teiv-coud-hnagn/nv.ahos