Ngày 29/8, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Duy Quyền (SN 1977 ở xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng bằng hình thức vay tín dụng thông qua Công ty VietCredit.
Khác với những hình thức lừa đảo truyền thống, Quyền dùng chiêu trò mở hội thảo, mời khách tham dự, rồi lấy thông tin của khách hàng để lập khoản vay tín dụng. Theo điều tra, khoảng tháng 11/2020, Phạm Duy Quyền sử dụng mạng xã hội đăng lên các nhóm với nội dung: tuyển người nghe hội thảo về tín dụng.
Quyền có mục đích lấy thông tin cá nhân của những người nghe, từ đó làm hồ sơ vay tiền qua Công ty VietCredit. Để thu hút sự chú ý, Quyền thông báo: “Ai đến dự sẽ được nhận 80.000 đồng”. Khi khách đến dự hội thảo, Quyền yêu cầu chụp lại chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, gửi qua số điện thoại của Quyền.
Trong thời gian từ năm 2020 đến năm 2021, Quyền đã mượn danh nghĩa của một số tổ chức, cá nhân để mở hội thảo tại 2 địa điểm 229 Tây Sơn, phường Quang Trung và số 131 Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông (Hà Nội). Đối tượng mời được hàng trăm người đến tham dự, chủ yếu là sinh viên.
Những người đến dự hội thảo đều được Quyền thông báo “phải ngồi nghe từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ, và trước mắt chỉ cần điểm danh bằng cách cầm chứng minh nhân dân và căn cước công dân chụp ảnh” và hướng dẫn 3 bước như sau: Chụp ảnh chứng minh nhân dân/căn cước công dân hai mặt với thẻ nhân viên của VietCredit; Chụp ảnh với nhân viên của VietCredit; Chụp ảnh cầm 1 thẻ ATM in logo VietCredit.
Kết thúc hội thảo, Quyền tìm cách mua nhiều sim điện thoại, sử dụng các thông tin cá nhân có được rồi tự viết hợp đồng, tự ký tên của các khách hàng để làm hồ sơ vay tín dụng của Công ty VietCredit.
Công an xác định cho đến khi hành vi phạm tội bị lộ, Phạm Duy Quyền đã sử dụng thông tin của 139 người, chủ yếu là sinh viên, để làm hồ sơ vay tín dụng của Công ty VietCredit, qua đó chiếm đoạt số tiền gần 1,9 tỷ đồng.
Một vấn đề mà công an chỉ rõ là sự lỏng lẻo trong việc xét duyệt hồ sơ, chấp thuận cho vay tiền của doanh nghiệp trong vụ án này. Bình quân mỗi hồ sơ vay tiền ít nhất 13 triệu đồng. Vậy nhưng chỉ một đối tượng, chỉ với thông tin căn cước và ảnh của người khác lại dễ dàng làm thủ tục vay tiền rồi chiếm đoạt. Tội phạm lừa đảo bao giờ cũng tinh vi và tinh vi nhất chính là chúng lại nắm được sơ hở của tổ chức, cá nhân, để thực hiện hành vi phạm tội.
Tuệ Minh (tổng hợp theo Công lý, VOV, Zing)