Rút ngắn thời gian giao dịch, thị trường chứng khoán tăng mạnh
Hôm nay (29/8), quy định rút ngắn thời gian giao dịch trên thị trường chứng khoán chính thức có hiệu lực. Trước đây, nếu mua, bán cổ phiếu thì 3 ngày sau (T+3) tiền và cổ phiếu mới về tài khoản nay thời gian chỉ còn 2 ngày (T+2), tức nhà đầu tư có thể bán cổ phiếu sớm hơn hoặc có tiền để sẵn sàng giải ngân sớm hơn khi thấy có cơ hội thay vì phải vay ứng trước từ công ty chứng khoán.
Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với thị trường chứng khoán và cho thấy những kết quả bước đầu khi khuôn khổ pháp lý thị trường vốn, thị trường tiền tệ thường xuyên được hoàn thiện và cập nhật để phù hợp với sự phát triển của thị trường và tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Đó cũng là một trong những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cách đây không lâu với quyết tâm cao làm lành mạnh thị trường, bảo vệ nhà đầu tư chân chính. Trong ngày đầu tiên việc rút ngắn thời gian giao dịch 1 ngày, T+2 có hiệu lực, phiên giao dịch tỷ USD đã lại xuất hiện.
Theo ghi nhận, 20.000 tỷ đồng là giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh, còn tính thêm cả sàn Hà Nội và UPCOM và giao dịch thoả thuận thì tổng giá trị giao dịch đạt hơn 26.000 tỷ đồng. Như vậy, đã hơn 5 tháng phiên giao dịch hơn 1 tỷ USD đã xuất hiện trở lại trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Giá trị giao dịch hôm nay được kích hoạt bởi lượng hàng cộng dồn hơn 1,4 tỷ cổ phiếu từ phiên thứ 4, thứ 5 tuần trước đồng loạt về tài khoản của nhà đầu tư. Việc tiền và hàng về sớm một ngày khiến nhà đầu tư hành động nhanh hơn.
"Đối với một người theo xu hướng giao dịch ngắn hạn như tôi, tôi hoàn toàn có thể xử lý một cách linh hoạt. Với phiên chiều nay tôi hoàn toàn có thể giải ngân một phần rất nhỏ để thăm dò trước", anh Lê Thanh Tùng - nhà đầu tư nói.
Hôm nay (29/8), quy định rút ngắn thời gian giao dịch trên thị trường chứng khoán chính thức có hiệu lực. Ảnh minh họa.
Việc rút ngắn chu kỳ giao dịch được kỳ vọng sẽ giúp thanh khoản thị trường chứng khoán tăng khoảng 20 - 25%. Tuy nhiên nhưng theo các chuyên gia, nhà đầu tư cũng cần cẩn tăng cường quản trị rủi ro.
"Nhà đầu tư cá nhân khi được giao dịch ngắn ngày hơn họ sẽ bị lạm dụng vào việc giao dịch, dẫn đến việc sa đà mua bán quá nhiều. Nhà đầu tư cá nhân nên có chuẩn bị thận trọng để có thể đưa ra quyết định giao dịch kỷ luật và ổn định, an toàn hơn", ông Nguyễn Duy Khánh - Phó Giám đốc đầu tư, công ty cổ phần Take Profit Việt Nam cho hay.
Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết, trong thời gian tới, khi hệ thống giao dịch mới đi vào hoạt động, thậm chí, thời gian giao dịch còn có thể về T+0, tức là giao dịch trong ngày.
"T+0 về mặt hệ thống công nghệ có thể áp dụng được nhưng phụ thuộc vào bối cảnh và điều kiện cho phép của thị trường chúng ta. Làm một sản phẩm mới đòi hỏi phải có một bước đi thận trọng và đảm bảo tính an toàn của thị trường", ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho hay.
Ngoài ra, việc HoSE cho phép giao dịch lô lẻ theo phương thức mới vào tháng 9 cũng sẽ góp phần giúp thị trường giao dịch sôi động hơn.
Xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm
Ngoài việc tăng hiệu quả trong giao dịch thì minh bạch thị trường chứng khoán cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tháng 7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86 về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Ngân hàng Thế giới ước tính khi nâng cấp thành thị trường mới nổi có thể đem lại thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp cho Việt Nam, riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2 - 5 tỷ USD. Nhưng trước tiên là xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm để thanh lọc thị trường.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh tuần qua vừa quyết định hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng FLC Faros. Toàn bộ hơn 567 triệu cổ phiếu ROS sẽ không còn giá trị trên sàn giao dịch từ ngày 5/9. Đây là lần đầu tiên 1 cổ phiếu từng nằm trong danh mục VN30 có ảnh hưởng lớn tới chỉ số trên thị trường bị hủy niêm yết bắt buộc.
Công ty đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định và nhất là chưa có Người đại diện theo pháp luật.
"Dấu hiệu tích cực cho thấy việc xử lý nghiêm ngặt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, qua đây cũng cho thấy bài học rất lớn cho các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm thông tin trên thị trường,lọc thông tin", chị Nguyễn Mỹ Na - nhà đầu tư chứng khoán cho hay.
Ngoài việc tăng hiệu quả trong giao dịch thì minh bạch thị trường chứng khoán cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh minh họa.
Khi thị trường được thanh lọc, cũng là lúc niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài được củng cố. Minh chứng là trong 8 tháng từ đầu năm đến nay thì có đến 5 tháng khối ngoại mua ròng và tiếp tục giữ kỳ vọng trong dài hạn.
"Về kinh tế vĩ mô, hiện Việt Nam có sự ổn định rất tốt. Thứ hai về định giá thì thị trường Việt Nam đang định giá ở mức rẻ nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Thứ 3, về tiềm năng tăng trưởng của thị trường có thể tăng trưởng đâu đấy tầm 20% - mức tăng trưởng khá tốt so với các thị trường trong khu vực", bà Đặng Nguyệt Minh - Phụ trách khối Nghiên cứu, Dragon Capital cho hay.
Các nước tổ chức giám sát thị trường chứng khoán
Mục tiêu nâng cấp lên thị trường mới nổi được đưa vào nghị quyết của Chính phủ cho thấy quyết tâm cải thiện mạnh mẽ chất lượng thị trường chứng khoán Việt Nam minh bạch, hiệu quả, bền vững. Đây cũng là việc các quốc gia trong khu vực và thế giới đã làm để tăng quy mô thị trường tăng mạnh gấp 9, 10 lần. Giải pháp chính các nước áp dụng là tổ chức quản lý, giám sát thị trường chứng khoán theo mô hình nhiều cấp.
Tại Singapore, Malaysia, luật pháp yêu cầu các tổ chức chuyên nghiệp tham gia vào quá trình chuẩn bị niêm yết của một công ty; Yêu cầu phải có các hoạt động soát xét và cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin. Trong trường hợp vi phạm sẽ phải đối mặt với trách nhiệm dân sự, thậm chí hình sự.
Hàn Quốc thực hiện hoạt động giám sát thị trường chứng khoán theo mô hình 3 cấp. Giám sát cấp 1 là hoạt động của các công ty chứng khoán. Giám sát cấp 2 là hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán và Ban Giám sát thị trường. Giám sát cấp 3 là hoạt động giám sát của Ủy ban dịch vụ tài chính - cơ quan thuộc Chính phủ.
Còn tại Nhật Bản, Ủy ban chứng khoán giám sát hàng ngày trên toàn thị trường, theo các đối tương rõ ràng. Chức năng giám sát trực tiếp đối với các giao dịch hàng ngày và giám sát công bố thông tin trên thị trường thứ cấp của công ty có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban chứng khoán và tổ chức tự quản.
Cách làm từ các quốc gia có thị trường chứng khoán lâu đời hơn Việt Nam có thể khác nhau nhưng cho thấy, giám sát tăng tính minh bạch là một khâu then chốt để thị trường phát triển lành mạnh.
Với Việt Nam, Chính phủ đã đánh giá thẳng thắn, khách quan những tồn tại nội tại của thị trường vốn, thậm chí là những giải pháp mạnh để lành mạnh hóa thị trường. Từ đó có giải pháp phát triển ổn định, căn cơ trước mắt cũng như lâu dài bởi đây là một kênh quan trọng trong việc huy động nguồn lực phục vụ phát triển của đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.82873230292802202-naohk-gnuhc-gnourt-iht-hcab-hnim/et-hnik/nv.vtv