Ở bậc tiểu học hiện nay, đa số giáo viên đều đã đạt trình độ đại học trở lên. Vậy mà thu nhập của họ còn thua cả người giúp việc thì nhiều người không tin cũng là điều dễ hiểu. Nhưng bất cập đó vẫn đang diễn ra không chỉ ở TP.HCM mà ở nhiều tỉnh thành khác bởi đây là quy định chung của Bộ GD-ĐT.
Câu chuyện lương thấp, giảng dạy vất vả, nhiều giáo viên tiếng Anh giỏi xin giã từ bục giảng, chuyển ngành, chuyển nghề không phải bây giờ mới xuất hiện. Vấn đề này đã được nêu lên ở khá nhiều hội nghị, hội thảo các cấp trong ngành GD-ĐT từ nhiều năm nay.
Ngoài việc các trường không "giữ chân" được người giỏi, thực trạng trên còn khiến nhiều bạn trẻ chùn chân, ngại ngần, không tham gia ứng tuyển làm giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học. Do đó, nhiều trường tiểu học ở TP.HCM lâm vào cảnh thiếu giáo viên tiếng Anh triền miên.
Còn nhớ trước đây, những ngày Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức thi tuyển giáo viên tiếng Anh tiểu học được xem như những ngày hội bởi số lượng ứng viên rất đông. Sở tổ chức thi tuyển một cách bài bản với ba giai đoạn như bài thi kiến thức tổng hợp dành cho nhà giáo; thi vấn đáp với người bản ngữ; giảng bài bằng tiếng Anh một đoạn ngắn để ghi âm, ghi hình nhằm giúp ban tuyển dụng chấm điểm về phong cách giảng dạy, khẩu hình...
Giai đoạn này được xem là thời kỳ "hoàng kim" của công tác dạy - học tiếng Anh tiểu học ở TP.HCM với đặc điểm thu nhập của giáo viên ở mức lý tưởng nhưng chỉ dạy 16 tiết/tuần nên thu hút được nhiều người giỏi, toàn tâm toàn ý với nghề.
Giáo viên giỏi luôn đi đôi với chất lượng giảng dạy nên phụ huynh đổ xô nhau cho con học lớp tiếng Anh tăng cường. Thậm chí, có người phải "chạy" mới xin cho con em mình được vào lớp tiếng Anh tăng cường.
Cũng xin nói thêm, chương trình tiếng Anh tăng cường được TP.HCM thực hiện từ năm học 1997 - 1998, bắt đầu từ học sinh lớp 1 sau khi nhận thấy tầm quan trọng của môn ngoại ngữ. Lúc ấy, chương trình chung của Bộ GD-ĐT dành cho học sinh cả nước thì học sinh lớp 6 mới bắt đầu được học tiếng Anh. Học phí học lớp tiếng Anh tăng cường ở TP.HCM thời kỳ đó chỉ 50.000 đồng/tháng/học sinh - bằng 1/10 đến 1/15 học phí ở các trung tâm ngoại ngữ.
Đến nay, Bộ GD-ĐT cũng nhận ra tầm quan trọng của môn ngoại ngữ và đưa môn tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3 đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên học sinh lớp 3 học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với 2 tiết tiếng Anh/tuần.
Vậy, nếu thực hiện theo đúng nghĩa vụ 23 tiết/tuần thì giáo viên phải dạy hơn 10 lớp. Mà đặc thù của môn tiếng Anh không như những môn học khác bởi việc luyện nghe - nói cho học sinh là một quá trình vất vả và mất rất nhiều thời gian, chưa kể họ phải làm sổ sách, hoàn thành các phong trào thi đua... Nếu giáo viên không giỏi, phát âm không chuẩn thì người chịu hậu quả chính là học sinh bởi với môn tiếng Anh đã phát âm sai thì rất khó sửa.
Câu hỏi đặt ra là tại sao ngày xưa chương trình tiếng Anh tăng cường là chương trình riêng của TP.HCM mà lương giáo viên tiếng Anh được xem là lý tưởng, thu hút được người giỏi vào làm việc? Thì nay, tiếng Anh đã được cấp quốc gia xem là quan trọng mà giáo viên tiếng Anh lại không được xem trọng? Vì cơ chế, vì cách làm hay còn vì điều gì khác nữa? Đó là những câu hỏi cần câu trả lời.
TTO - Liên quan báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM về việc giáo viên tiếng Anh tiểu học dạy 23 tiết/tuần với mức lương 3 triệu đồng, nhiều ý kiến cho rằng đây là điều bất hợp lý, cần thay đổi.
Xem thêm: mth.33990927003802202-ion-nen-uad-iv-hna-gneit-neiv-oaig/nv.ertiout