"Bán giấy lấy tiền"
Ngày 29-3-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC), để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán. Ngày 18-01-2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã quyết định xử phạt hành chính ông Quyết 1,5 tỉ đồng, mức cao nhất theo quy định.
Đến ngày 25-8, ông Quyết bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an - ra quyết định khởi tố bổ sung, để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vì đã nâng khống vốn điều lệ của Công ty CP Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS) từ 1,5 tỉ đồng lên đến 4.300 tỉ đồng trong năm 2014-2016, rồi đưa công ty lên sàn chứng khoán, "bán giấy lấy tiền", thu về hơn 6.400 tỉ đồng.
Cuối năm 2017, ROS tăng giá đến 214.000 đồng/cổ phiếu, Quyết trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán, thành tỷ phú với khối tài sản trên dưới 2 tỉ USD. Tuy nhiên, ở thời điểm đó Forbes không đưa Quyết vào danh sách tỷ phú Việt Nam bởi tạp chí này định giá tài sản của các tỷ phú dựa trên giá trị cổ phiếu của họ trên các sàn chứng khoán, bất động sản, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của họ.
Một câu hỏi đặt ra: Không thể một mình Trịnh Văn Quyết lừa đảo dễ dàng trên sàn chứng khoán như vậy. Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM - HOSE làm gì và ở đâu? Vì sao ông chủ Tập đoàn FLC lừa đảo có tổ chức, có hệ thống, trong một thời gian dài mới bị phát hiện? Trung tâm lưu ký Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm.
Còn nhớ, khi ROS lên sàn, Tổng giám đốc HOSE là ông Trần Văn Dũng được bổ nhiệm từ 01-3-2016; đến năm 2017 ông Dũng giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ngày 19-5-2022, ông Dũng bị kỷ luật cách chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ngoài ra còn có trách nhiệm của ông Lê Hải Trà, người điều hành HOSE từ năm 2016 và chuyển sang phụ trách HĐQT từ tháng 7-2017, sau đó được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc HOSE từ tháng 2-2021. Hiện ông Trà đã bị khai trừ ra khỏi Đảng, buộc thôi việc Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc HOSE.
FLC Faros đã tăng vốn điều lệ gấp hơn 2.800 lần trước khi lên sàn, nhưng cơ quan quản lý không giám sát được. Khi đó, Công ty kiểm toán ASC thông tin về việc 18 lần chuyển tiền đến và đi trong ngày 08-01-2016 để tăng vốn điều lệ trong quý I/2016 do 3 cổ đông góp vốn với số tiền là 462,5 tỉ đồng, các nhà đầu tư nghi ngờ Faros tăng vốn "ảo". Dù vậy, HOSE vẫn chấp thuận cho FLC Faros lên sàn từ ngày 01-9-2016, với vốn điều lệ 4.300 tỉ đồng. Chỉ cần 2 năm sau, Faros đã tăng vốn gấp 2.866 lần.
Nhiều dự án vướng sai phạm
Cuối tháng 7-2022, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố hàng loạt sai phạm tại các dự án bất động sản nghỉ dưỡng của FLC, trong đó có FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa) và FLC Quy Nhơn (Bình Định). Theo đó, dự án khu du lịch sinh thái Quảng Cư (FLC Sầm Sơn) tại tỉnh Thanh Hóa có nhiều sai phạm sai phạm. Dự án này có tổng diện tích 2.001.485m2, vốn đầu tư lên đến 12.088 tỉ đồng, gồm nhiều hạng mục chính như sân golf 18 hố dạng links; khu nghỉ dưỡng 5 sao cao cấp FLC Luxury Resort Samson; bể bơi nước mặn lớn nhất Việt Nam rộng 5.100m2; khách sạn 5 sao FLC Luxury Hotel Samson...
Những sai phạm của FLC Sầm Sơn được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra: Chủ đầu tư không có hồ sơ lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, hồ sơ năng lực tổ chức tư vấn lập điều chỉnh quy hoạch... FLC có lập điều chỉnh quy hoạch bổ sung hạng mục có quy mô lớn hơn 10ha nhưng không có hồ sơ lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường. Công trình khách sạn 7 tầng FLC Grand Hotel được đưa vào sử dụng khi chưa có giấy phép xây dựng, hoàn thiện công trình. Ngay cả khu resort, hạ tầng kỹ thuật và dự án FLC Sầm Sơn Golf Links cũng được tổ chức thi công khi chưa có giấy phép... Ngoài ra, Dự án khu nhà ở sinh thái xanh FLC Thanh Hóa có diện tích hơn 11.000m2, Sở Kế hoạch và Đầu tư còn sai phạm "tham mưu cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà ở thương mại khi chủ đầu tư chưa đủ điều kiện...".
Bình Định khát vọng vươn lên với ngành du lịch cũng phải ngậm trái đắng với FLC Quy Nhơn. Dự án FLC Quy Nhơn có diện tích lên đến 1.300ha, vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, gồm các hạng mục chính như: FLC Quynhon Golf links (36 hố); FLC Luxury Resort Quy Nhơn; FLC Luxury Hotel Quy Nhơn; Trung tâm hội nghị quốc tế: 1.500 chỗ; khu tâm linh, khu du lịch sinh thái biển...
Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, dự án FLC Quy Nhơn có các sai phạm như xây dựng lớn như chủ đầu tư không có hồ sơ lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, hồ sơ tổ chức cắm mốc giới theo đồ án quy hoạch đã được duyệt... Nhiều hạng mục như sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp, khu thương mại quảng trường... đi vào hoạt động khi chưa có giấy phép.
Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng còn chỉ rõ nhiều sai phạm của 2 tỉnh Thanh Hóa và Bình Định. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch sân golf Quảng Cư trước thời điểm được Thủ tướng đồng ý bổ sung vào danh mục quy hoạch đến 11 tháng. Thanh Hóa cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 11ha đất rừng phòng hộ làm sân golf, là vi phạm các quy định của Thủ tướng, Luật bảo vệ phát triển rừng. Sở Xây dựng Thanh Hóa chạy theo dự án, cấp phép xây dựng cho nhiều hạng mục tại dự án FLC Sầm Sơn khi đã xây dựng hoàn thành
Với dự án FLC Quy Nhơn, việc phê duyệt tỷ lệ 1/500 đồ án quy hoạch chi tiết không phù hợp với đồ án 1/2000 và không phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 1/500 là vi phạm Luật Xây dựng năm 2014. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định đã cấp phép cho 7 công trình thi công hoàn thành, 5 công trình khác đã hoàn thành nhưng chưa có giấy phép xây dựng.
Thiệt hại nghiêm trọng, tổn hại uy tín nhất là Gia Lai trong dự án Sân golf Đak Đoa, do Công ty cổ phần tập đoàn FLC làm chủ đầu tư với quy mô 174,01ha, trong đó chuyển mục đích sử dụng 155,93ha rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện dự án. Sai phạm này khiến chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành bị Ban Bí thư kỷ luật cách chức vụ trong Đảng. Ngoài ra, 3 Phó chủ tịch UBND tỉnh này, cùng hàng loạt cán bộ cấp tỉnh cũng bị kỷ luật.
Kết luận Thanh tra của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra nhiều sai phạm ở dự án tổ hợp thương mại, vui chơi giải trí và nhà phố rộng hơn 180.000m2, do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư tại tỉnh Kon Tum. 10 dự án của FLC tại Quảng Bình lọt tầm ngắm Bộ Công an; dự án đầu tư của FLC Quảng Ngãi cũng bị tương tự.
Chưa hết, cái kết của việc lừa đảo của ông chủ FLC buộc nhiều tỉnh thành phải thu hồi, chấm dứt nhiều dự án liên quan đến FLC như Quảng Ninh thu hồi, chấm dứt, hủy bỏ 13 dự án do Tập đoàn FLC triển khai trên địa bàn tỉnh. Bình Phước hủy chủ trương cho FLC lập quy hoạch dự án Khu đô thị mới, kết hợp khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Suối Cam rộng 1.775ha ở TP.Đồng Xoài. Bình Định đã có văn bản chấm dứt hoạt động 2 dự án của FLC, gồm Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways và Khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái cao cấp Eo Gió...
FLC còn làm ăn thất tín từ nhiều năm trước. Điển hình, 2 dự án của FLC tại Quảng Bình và Quy Nhơn, dù chưa đủ hồ sơ pháp lý vẫn mở bán tràn lan, làm nhiều khách hàng trót đầu tư hàng tỉ đồng mà không thể thanh lý văn bản thỏa thuận...
Gây hậu quả nặng nề
Hiện nay, giá cổ phiếu các công ty thuộc hệ sinh thái FLC (FLC, GAB, ROS, HAI, KLF - trong đó ROS chính thức bị hủy giao dịch từ 05-9) đã liên tục bị bán tháo, giảm sâu. Các nhà đầu tư liên quan đến các mã chứng khoán của FLC đang ngồi trên đống lửa. Cho đến nay, đã có hơn 600 nhà đầu tư gửi đơn tố cáo hành vi thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm và khả năng mất tài sản hiển hiện trước mắt.
Tình trạng của ROS là rất trầm trọng, vì hiện tại chưa có đại diện pháp luật và chưa có đơn vị kiểm toán chấp thuận, chưa tổ chức đại hội cổ đông và chưa công bố báo cáo tài chính. Theo quy chế giao dịch của sàn Upcom, ROS vẫn thuộc dạng đình chỉ giao dịch, vì đã lên sàn và bị đình chỉ giao dịch.
Các chuyên gia chứng khoán cho rằng, đến thời điểm này khi nhận quyết định hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 05-9 gần như các cổ đông của ROS không có biện pháp nào khác để bảo vệ tài sản của mình. Đó chỉ là 1 mã chứng khoán của hệ sinh thái FLC, trong thời gian tới có thể một số mã khác của hệ FLC cũng có khả năng bị đình chỉ giao dịch do vi phạm quy định công bố thông tin, để lại hậu quả là rất lớn.
Bên cạnh đó, những dự án mờ mờ ảo ảo, đầu tư nửa vời trên khắp cả nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội lẫn cá nhân mà cho đến nay tác động của nó vẫn chưa lường hết được, khi hàng ngàn héc-ta đất, rừng, nhiều dự án "dát vàng", kể cả đất an ninh quốc phòng cũng bị FLC thâu tóm, làm dở dang rồi bỏ đó.
Chỉ trong thời gian ngắn, FLC đã làm rối loạn không chỉ với thị trường chứng khoán mà còn làm nhiều địa phương lao đao với hàng trăm dự án rất lớn còn dang dở và có nguy cơ không thể tiếp tục. Câu hỏi "ai chống lưng để FLC tay không bắt giặc, bán giấy lấy tiền" vẫn phải tiếp tục được đặt ra, bởi một mình Trịnh Văn Quyết không thể lừa đảo ngoạn mục như vậy!
Xem thêm: lmth.232631_oad-aul-teyuq-nav-hnirt-ohc-yat-peit-ia/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc