vĐồng tin tức tài chính 365

Nhiều cây xăng lại treo biển hết hàng, nghỉ bán

2022-08-30 16:49

Theo ghi nhận của VnExpress tại huyện Tịnh Biên, An Giang, 6 cây xăng của chuỗi ĐĐO Oil treo biển hết xăng từ hôm qua đến nay. Chuỗi cửa hàng này thuộc 24 cửa hàng ở miền Tây do Công ty cổ phần dầu khí Đại Đông Dương phân phối nhiên liệu (mỗi tháng cung ứng một triệu lít).

Đại diện Đại Đông Dương cho biết, đã 5 ngày qua không mua được hàng từ thương nhân đầu mối. Do đó, từ cuối tuần trước, doanh nghiệp này bắt đầu hết hàng nên không thể phân phối cho các cây xăng.

Theo ông, nguồn cung khan hiếm một phần do 7 đầu mối xăng dầu vừa bị Bộ Công Thương tước giấy phép nhập khẩu từ giữa tháng 8. Mặt khác, các thương nhân đầu mối ưu tiên bán hàng cho hệ thống, đại lý của họ vì nắm bắt giá thị trường đang có hướng tăng.

Ông cho biết thêm, ngoài việc khan hàng, các thương nhân phân phối như Đại Đông Dương còn đang gồng lỗ, trung bình mỗi lít lỗ hơn 1.500 đồng đến 2.000 đồng. "Càng bán càng lỗ làm sao chúng tôi duy trì nỗi", ông nói.

Một cửa hàng ở An Giang hết xăng hôm 29/8. Ảnh: Nguyễn Khánh

Một cửa hàng ở An Giang hết xăng hôm 29/8. Ảnh: Nguyễn Khánh

Ông Huỳnh Văn Thạnh, chủ cây xăng Thạnh Lợi, huyện Chợ Mới, cho biết cửa hàng cũng hết dầu từ hai hôm trước nhưng khi đặt hàng, đại lý thông báo phải đến 6/9 mới cấp hàng. Riêng mặt hàng xăng, cửa hàng phải mua theo "tiến độ" dẫn đến mua không đủ bán.

Ông này cho biết, hiện mức chiết khấu mỗi lít xăng là 210 đồng, mua được nhiều nhất 3.000 lít một lần tức chỉ lãi 630.000 đồng trong khi chi phí thuê xe bồn là 900.000 đồng, tức chưa bán đã lỗ 270.000 đồng."Nếu tính thêm chi phí điện, nhân viên, mỗi ngày cây xăng lỗ 1,5 đến 2 triệu đồng. Lỗ từ Tết đến giờ nên các cửa hàng chịu không nỗi", ông Thạnh nói.

Ngành chức năng kiểm tra hầm chứa xăng của một cửa hàng treo biển hết hàng. Ảnh: Nguyễn Khánh

Ngành chức năng kiểm tra hầm chứa xăng của một cửa hàng treo biển hết hàng. Ảnh: Nguyễn Khánh

Theo số liệu của Cục quản lý thị trường An Giang, tính đến hôm qua, có 19 cửa hàng xăng dầu đóng cửa, 36 cửa hàng hết hàng chiếm gần 10% đơn vị kinh doanh toàn tỉnh. Báo cáo cũng nêu khi kiểm tra thực tế có ghi nhận việc các cửa hàng hết nhiên liệu do khó mua hàng từ thương nhân phân phối.

Tại Đồng Tháp, một cửa hàng ở huyện Tháp Mười treo biển ngưng bán một ngày nhưng đã gần một tuần trôi qua, cây xăng này vẫn chưa hoạt động lại. Tương tự, tại Hồng Ngự, tình trạng nhiều cửa hàng ngưng bán hoặc bán nhỏ giọt cũng diễn ra khá nhiều.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, cho biết tuần rồi khoảng 10 cửa hàng xăng dầu xin tạm đóng cửa vì lý do cá nhân, song không loại trừ việc họ muốn ngưng bán để cắt lỗ.

"Hôm qua, sở nhận được một đơn xin nghỉ bán ba tháng vì mỗi lít xăng họ bị lỗ 350 đồng. Chiều nay, sở sẽ họp bàn với cục quản lý thị trường để nắm bắt tình hình", ông nói.

Một cây xăng ở Đồng Tháp treo biển tạm nghỉ một ngày song đã gần một tuần chưa thấy mở cửa trở lại. Ảnh: Ngọc Tài

Một cây xăng ở Đồng Tháp treo biển tạm nghỉ một ngày song đã gần một tuần chưa thấy mở cửa trở lại. Ảnh: Ngọc Tài

Với TP HCM và Đồng Nai, nhiều đại lý cũng cho biết lượng xăng nhập về hụt nhẹ so với trước. Đặc biệt với dầu thành phẩm, giá nhiên liệu này tăng cao khiến các đầu mối nhập khẩu thua lỗ nên họ phân phối cầm chừng.

Theo giám đốc chuỗi 8 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở Đồng Nai, lượng dầu nhập vào chỉ đạt một phần ba so với cách đây hai tháng. "Nếu treo biển ngưng bán sẽ bị tước giấy phép nên đành có bao nhiêu bán bấy nhiêu", ông này cho hay.

Tương tự, lãnh đạo chuỗi 11 cửa hàng xăng dầu ở quận 12 (TP HCM), nhìn nhận lượng hàng nhập vào đang rất hạn chế, nhất là dầu.

Tại Tiền Giang, theo Cục Quản lý thị trường Tiền Giang, kiểm soát tại 132 cửa hàng thì có 2 điểm tại huyện Chợ Gạo và Gò Công Tây tạm ngưng kinh doanh, có văn bản chấp thuận của Sở Công Thương. Hai cửa hàng tại huyện Tân Phước và thị xã Cai Lậy hết xăng, dầu diesel bán bình thường. Đại diện các đại lý bán lẻ này cho biết, trong ngày 30/8 mới nhập thêm được hàng từ thương nhân phân phối về bán.

Đại diện Công ty TNHH TMDV xăng dầu Châu Thành (Tiền Giang) cho biết, doanh nghiệp đủ xăng dầu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của 114 điểm, cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối trong 3 ngày. Hiện nguồn dự trữ của doanh nghiệp này sắp hết và việc cấp thêm hàng từ doanh nghiệp đầu mối - Công ty Xăng dầu Quân đội Khu vực 4 cho công ty bị thiếu hụt, không cung ứng đủ như thời điểm bình thường theo hợp đồng đã ký.

Trong khi đó, Công ty TNHH Xăng dầu Hồng Đức cũng khẳng định đảm bảo giao hàng theo hợp đồng đã ký với các đại lý. Trường hợp đại lý mua số lượng xăng dầu cao hơn, công ty sẽ xem xét cung cấp mức phù hợp. Ngoài ra, một số đại lý chưa thanh toán tiền nợ nên doanh nghiệp này chưa giao hàng.

Hôm qua, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu vào ngày 1/9, thay vì tới ngày 5/9 mới điều chỉnh do giá thành phẩm thế giới biến động mạnh, như dầu diesel tăng trên 16%, dẫn tới nhiều hệ luỵ trên thị trường.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, cho rằng điều hành giá xăng từ 15 ngày giảm xuống còn 10 ngày một lần vẫn không theo kịp biến động giá trên thị trường quốc tế. Điều này dẫn đến tình trạng trước mỗi đợt điều chỉnh giá, các cửa hàng xăng dầu lại hết hàng, đóng cửa...

Để tránh tình trạng này, theo ông, điều hành giá xăng dầu nên theo cơ chế điều hành mức giá trung bình, tương tự việc điều hành tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước.

Ông phân tích, việc không quy định cứng một mức giá mà theo giá trung tâm sẽ cho phép doanh nghiệp tăng, giảm trong biên độ vài phần trăm, phù hợp biến động giá thế giới. Nghiên cứu giảm thời gian điều hành giá từ 10 ngày xuống còn 1 ngày một lần, thậm chí ngắn hơn. "Nếu tần suất điều chỉnh giá tăng lên ở mức mỗi ngày một lần hoặc nhiều lần, các nhà cung cấp sẽ rất khó đoán được giá thế giới cho lần điều chỉnh tiếp theo, nên tình trạng găm hàng sẽ không còn", ông nêu quan điểm.

Về lâu dài, theo ông cần tiến tới tự do hoá xăng dầu, tức doanh nghiệp tự quyết toàn bộ giá.

Để ngăn tình trạng găm hàng không bán của một số cây xăng, ngày 30/8, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên lập 3 đoàn công tác, giám sát tình hình kinh doanh xăng dầu tại 3 miền Bắc - Trung - Nam. Trong đó, tổ công tắc đặc biệt kiểm tra những cơ sở đóng cửa, ngừng bán không có lý do chính đáng, có dấu hiệu "găm hàng" khi thị trường đang biến động.

Ông Diên yêu cầu các thành viên đoàn công tác không được gây khó dễ cho doanh nghiệp và không phải doanh nghiệp nào cũng kiểm tra.

Cùng ngày, Tổng cục Quản lý thị trường vừa yêu cầu các Cục quản lý thị trường địa phương "phải phát hiện cửa hàng nào đóng cửa trước khi người dân phản ánh". Tại các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nếu hết hàng khi kiểm tra, giám sát phải đo bồn và đối chiếu hóa đơn mua bán hàng để xác định lượng hàng tồn kho.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã qua 22 kỳ điều chỉnh, trong đó 12 lần tăng, 8 lần giảm và 1 lần giữ nguyên giá bán. So với cuối tháng 6, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn khoảng 8.210 đồng; E5 RON 92 hạ 7.580 đồng; dầu diesel giảm hơn 6.200 đồng.

Theo số liệu đến ngày 26/8, giá thành phẩm xăng RON 95 trên thị trường Singapore đã vượt 111 USD một thùng, RON 92 (loại dùng để pha chế xăng E5 RON 92) trên 108 USD một thùng; dầu diesel cũng xấp xỉ 150 USD mỗi thùng... Với mức giá này, nếu nhà điều hành không dùng tới Quỹ bình ổn, giá xăng sắp tới có thể tăng 400 đồng một lít, dầu diesel gần 2.500 đồng.

Ngọc Tài - Anh Minh - Thi Hà

Xem thêm: lmth.5655054-nab-ihgn-gnah-teh-neib-oert-ial-gnax-yac-ueihn/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhiều cây xăng lại treo biển hết hàng, nghỉ bán”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools