vĐồng tin tức tài chính 365

Đề nghị 2 án tử hình vụ "bay lắc" trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương I

2022-08-31 11:28

Ngày 30/8, TAND Tp.Hà Nội mở phiên tòa xét xử 10 bị cáo vụ tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần trung ương I.

Kết thúc phần thẩm vấn, đại diện VKSND Tp.Hà Nội đã đề nghị hội đồng xét xử TAND Tp.Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Quý (38 tuổi, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) tổng hợp mức án tử hình về 3 tội "Mua bán trái phép chất ma túy", "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy", "Tàng trữ trái phép chất ma túy".

Bị cáo Nguyễn Văn Ngọc (48 tuổi, trú ở quận Đống Đa, Hà Nội) bị đề nghị mức án tổng hợp là tử hình với hai tội "Mua bán trái phép chất ma túy" và "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy".

Cùng hai tội danh này, bị cáo Nguyễn Công Thường (36 tuổi, trú ở huyện Thanh Trì) bị đề nghị chung thân; Nguyễn Trung Nguyên (39 tuổi, trú ở huyện Thường Tín, Hà Nội) bị đề nghị phạt 25 năm tù.

Trong khi đó, viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Đỗ Thị Lưu (53 tuổi, Trưởng khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần trung ương I) mức án 2 - 3 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

5 bị cáo còn lại trong vụ án này bị viện kiểm sát đề nghị mức án từ 5 năm 6 tháng đến 7 năm 6 tháng tù về các tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" và "Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy".

Theo cáo trạng thể hiện, Nguyễn Xuân Quý tự nhận mình là người bình thường, không bị tâm thần. Việc thừa nhận giả tâm thần là để trốn tránh việc chấp hành bản án của TAND huyện Thanh Trì.

Tuy nhiên, tháng 11/2018, bằng cách nào đó, Quý được xác định là đối tượng bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.

Là bệnh nhân tại đây, nhưng Quý được điều trị 1 mình 1 phòng và còn đánh chìa khoá riêng để tự do đưa người lạ vào khu vực điều trị.

Quý tự do ra vào bệnh viện, có đàn em lái xe đưa đón. Quá trình này, Quý nhập về số lượng lớn ma túy, thuốc lắc, ketamine… rồi mang vào phòng điều trị của Bệnh viện, chia nhỏ để bán.

Những người đến mua ma túy tại Bệnh viện thường giả danh người nhà chăm sóc bệnh nhân. Quý không trực tiếp đưa "hàng", mà sai đàn em mang giao cho khách hoặc hẹn ở khu vực sân tennis, bãi đỗ xe phía sau khu điều trị trong bệnh viện rồi ném ma túy qua cửa sổ phòng bệnh từ tầng 2 xuống.

Để tránh bị phát hiện, Quý bố trí đàn em ngụy trang thành lái xe taxi, xe ôm công nghệ túc trực tại cổng bệnh viện làm nhiệm vụ cảnh giới và đi giao ma túy.

Quý còn ngang nhiên cải tạo căn buồng điều trị bệnh thành một phòng có cách âm, lắp dàn loa lớn, đèn laser, cất giấu và sử dụng trái phép chất ma túy.

Không chỉ cùng đàn em mời bạn bè, trong đó có cả cán bộ bệnh viện như Nguyễn Anh Vũ sử dụng ma túy ngay tại chỗ, Quý còn đưa cả những cô gái làm "dịch vụ" đến đây để cùng bay lắc ma túy.

Hàng tháng, Quý nộp cho Đỗ Thị Lưu từ 6-10 triệu đồng tiền buồng bệnh để được tự do đưa người lạ và bạn bè vào buồng bệnh sử dụng ma túy mà không bị nhắc nhở.

Tại phiên xét xử, ông trùm Nguyễn Xuân Quý có nhiều hành động bất thường, lúc im lặng không trả lời, khi giãy giụa, kêu gào, bất kể HĐXX đã nhiều lần nhắc nhở.

HĐXX cho biết theo kết luận giám định trước và trong khi gây án, Quý mắc bệnh rối loạn cảm xúc thực tổn. Tuy nhiên, bệnh ở giai đoạn ổn định, bị cáo đủ nhận thức điều khiển hành vi và phải chịu trách nhiệm hình sự.

Về phía các cựu nhân viên Bệnh viện Tâm thần trung ương I, bị cáo Đỗ Thị Lưu khai đầu năm 2021, khi được cấp dưới báo cáo, bà đã lên ngay để kiểm tra việc Quý tự ý cải tạo phòng điều trị. Bà có nhắc nhở nhưng Quý không tháo dỡ.

HĐXX truy vấn “nhắc nhở rồi mà không tháo dỡ, bị cáo có báo cáo ban giám đốc?”. Nữ bị cáo trình bày “nhiều việc lắm”, “có báo cáo ban giám đốc cũng không làm gì, vì báo cáo rất nhiều lần rồi và trả bệnh nhân này nhiều lần rồi nhưng BV không xử lý”. “Tôi không báo cáo, bởi chả giải quyết cái gì”, bị cáo trình bày.

Bà Lưu cũng cho rằng bản thân chỉ có chức năng quản lý bệnh nhân chứ không có trách nhiệm quản lý người ra vào hay bảo vệ an ninh trật tự, đây là trách nhiệm của bảo vệ. Bị cáo thừa nhận lơ là với Quý nhưng tiếp tục khẳng định không nhận tiền “lót tay” như cáo buộc của viện kiểm sát.

Trong khi đó, hai bị cáo Huệ và Hạt ban đầu phủ nhận quy kết của cơ quan công tố, cho rằng chỉ vào phòng Quý để ăn uống, nghe nhạc, uống nước ngọt, không biết cũng không liên quan đến việc tổ chức chơi ma túy. Thế nhưng sau khi HĐXX công bố một số bút lục thể hiện sự liên quan của hai người, Huệ và Hạt dần thừa nhận có dùng ma túy do Quý cung cấp.

Người còn lại là Nguyễn Anh Vũ. Bị cáo này cho hay biết những người như Quý đều là “thành phần cộm cán”, có nhiều tiền án, tiền sự nên bản thân Vũ và các bác sĩ, nhân viên bệnh viện đều có “sự nể sợ nhất định”. Cũng vì lẽ này, bị cáo không dám báo cáo lãnh đạo BV về những sai phạm của “ông trùm” ma túy…

Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Văn Ngọc khai nhận, bị cáo thường xuyên đến phòng điều trị của Quý để dọn dẹp mà không cần xin ai phép ai. Thậm chí, có người mở cửa cho vào.

Ngoài ra, bị cáo Ngọc cũng thừa nhận việc cùng Quý đóng gói ma tuý vào các túi trà xanh để bán cho khách cho nhu cầu.

Theo trình bày của bị cáo Ngọc, Ngọc từng được Quý đưa thuốc lắc để cho điều dưỡng Nguyễn Minh Huệ.

Giống như bị cáo Ngọc, bị cáo Nguyễn Công Thường trình bày, khi ra vào Bệnh viện Tân thần Trung ương I thì không cần phải xuất trình giấy tờ.

Riêng bị cáo Nguyễn Trung Nguyên không nhận tội, cho rằng mình bị ép cung.

Tuệ Minh (tổng hợp theo Pháp luật Tp.HCM, Giao thông, Dân trí)

Xem thêm: lmth.343765a-i-gnou-gnurt-naht-mat-neiv-hneb-gnort-cal-yab-uv-ut-na-2-ihgn-ed/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đề nghị 2 án tử hình vụ "bay lắc" trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương I”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools