Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - HoSE: VPB) mới đây thông báo triển khai phương án phát hành 2,23 tỷ cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành 2,23 tỷ cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị phát hành là 22.377 tỷ đồng với tỉ lệ phát hành 50%. Tỉ lệ thực hiện quyền là 2:1, tức cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu phổ thông được hưởng quyền sẽ được nhận thêm một cổ phiếu mới.
Nguồn vốn bao gồm nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 21.002 tỷ đồng và nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ là 1.374 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến là tháng 8-9-10/2022, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông qua và đảm bảo phù hợp theo quy định pháp luật.
Đối tượng được mua cổ phiếu lần này là cổ đông hiện hữu của VPBank, có tên trong danh sách cổ đông. Đây là cổ phiếu không hạn chế chuyển nhượng.
Sau khi triển khai phương án, vốn điều lệ của ngân sẽ tăng từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của ngân hàng trước đó đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thành 2 đợt, từ 45.056 tỷ đồng lên 79.334 tỷ đồng, mức vốn điều lệ cao nhất hệ thống hiện này.
Đợt 1 là từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng, tương đương tỉ lệ 50%, từ các nguồn như lợi nhuận chưa chia, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, số cổ phần phát hành dự kiến là hơn 2,24 tỷ cổ phiếu như vừa cập nhật trong thông báo mới nhất.
Đợt 2, ngân hàng dự kiến phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng tổng tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ. Với phương án này số lượng cổ phiếu phát hành tối đa là 1,19 tỷ cổ phiếu.
Hiện nay, để thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, ngân hàng cũng đã thông qua việc nâng tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên 17,642%.
Hồi giữa tháng 7, VPBank đã thông qua Nghị quyết của HĐQT về việc triển khai việc mua vốn Bảo hiểm OPES. Ngân hàng sẽ nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc phần lớn (trên 90%) vốn cổ phần của công ty này với giá dự kiến không quá 1,5 lần giá trị sổ sách. HĐQT ngân hàng cũng xin cổ đông uỷ quyền được toàn quyền quyết định, tổ chức thực hiện, tìm kiếm các doanh nghiệp phù hợp để VPBank tham gia phương án này.
VPBank đã chốt kế hoạch thực hiện. Theo thông tin, VPBank sẽ nhận chuyển nhượng 47,85 triệu cổ phần OPES từ cổ đông hiện hữu, tương đương 87% vốn OPES. Giá mua một cổ phần là 12.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền VPBank bỏ ra cho thương vụ là 585 tỷ đồng. Sau giao dịch, tỉ lệ sở hữu của VPBank tại OPES sẽ nâng lên 98% vốn.
Đầu năm nay, VPBank cũng đã mua lại 97,42% vốn Công ty Chứng khoán ASC và đổi tên thành Công ty Chứng khoán VPBank (VPBank Securities). Sau khi mua lại, ngân hàng đã thống nhất tăng vốn công ty chứng khoán này từ 269 tỷ lên 8.920 tỷ đồng, đưa VPBank Securities từ một đơn vị ít được biết đến trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn trong các công ty ngành chứng khoán. Hiện vốn điều lệ của VPBank Securities chỉ đứng sau SSI, VNDirect, TCBS.
Về hoạt động kinh doanh, kết thúc nửa đầu năm 2022, VPBank ghi nhận thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 31.600 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Nhờ tăng trưởng mạnh về doanh thu và kiểm soát tốt chi phí, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã có tốc độ tăng ấn tượng 70% so với cùng kỳ, đạt hơn 15.300 tỷ đồng, tương đương thực hiện được 52% kế hoạch năm đặt ra.