Đường vành đai 3 trên cao đoạn qua nút giao Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã xuất hiện tình trạng ùn ứ kéo dài từ khoảng 15h30 chiều 31-8 - Ảnh: GIA ĐOÀN
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online chiều 31-8, nhiều tuyến đường như Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Giải Phóng... xảy ra kẹt xe tại một số đoạn giao cắt. Đến 18h cùng ngày, lượng xe vẫn tiếp tục đổ dồn về trục đường Nguyễn Xiển, ngã ba Xa La - Nguyễn Xiển, đặc biệt là vành đai 3 trên cao.
Khoảng 17h30, nút giao Giải Phóng - Ngọc Hồi - Hoàng Liệt không có tình trạng tắc đường kéo dài do lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra có mặt từ sớm để điều tiết, phân luồng từ sớm, từ xa.
Đường Giải Phóng (đoạn qua Bệnh viện Bạch Mai, quận Đống Đa) lúc 17h chiều, lượng phương tiện hướng về các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm ở phía nam thủ đô tăng đột biến - Ảnh: HÀ QUÂN
Cầu vượt qua nút giao Giải Phóng - Trường Chinh đông nghẹt xe do hiện tại khu vực này đang thi công đường vành đai 2 trên cao, tập trung nhiều công ty, bệnh viện - Ảnh: HÀ QUÂN
Còn tại bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai), đơn vị đã chuẩn bị các phương án tăng cường, dự phòng phương tiện vận chuyển hành khách và đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực bến.
Bến xe Giáp Bát cũng yêu cầu các nhà xe, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe thực hiện đúng các quy định về thời gian, số lượng hành khách, niêm yết giá vé, đặc biệt là không sử dụng rượu bia trước và trong khi lái xe. Dịp này, ước tính số lượt xe xuất bến tăng đến 25% so với ngày thường. Số lượng hành khách tăng khoảng 4.000 - 5.000 khách/ngày.
Từ 15h ngày 31-8, Tuổi Trẻ Online ghi nhận có hiện tượng hành khách phải xếp hàng chờ mua vé tại bến xe Giáp Bát. Một số tuyến xe từ Hà Nội đi các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa kín chỗ trước khi xuất bến.
Chị Nguyễn Trang (23 tuổi, quê Nam Định) chia sẻ: "Kỳ nghỉ Quốc khánh 2-9 năm nay khá dài, lại trùng với cuối tuần nên tôi tranh thủ về sớm. Để tránh tắc đường, tôi chủ động xin nghỉ sớm để bắt xe. Nếu mà để tới chiều tối mới ra bến thì phải tối muộn mới về đến nhà".
Còn anh Văn Sơn (28 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết đã đặt nhà xe quen trước một tuần để tránh phải xếp hàng mua vé.
"Năm ngoái, do dịch COVID-19, mình không về quê dịp 2-9. Năm nay, mình với vợ tranh thủ về quê chơi với ông bà. Nhưng chỉ về 2-3 ngày thôi. Sáng chủ nhật phải ra Hà Nội sớm, nếu không thì kiểu gì cũng gặp cảnh tắc đường", anh Sơn chia sẻ.
Bến xe Giáp Bát bắt đầu đông hành khách từ lúc chiều tối, nhiều người chủ động mua vé trước khi ra bến nên không có tình trạng lộn xộn. Lực lượng thanh tra và bảo vệ túc trực liên tục nhắc nhở nhà xe không được bán vé vượt quá khung niêm yết - Ảnh: HÀ QUÂN
Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 dài ngày nên nhiều người mang cả va li, hành lý lớn - Ảnh: GIA ĐOÀN
Ghi nhận tại khu vực bến xe Mỹ Đình, từ 17h30 cùng ngày, các tuyến đường dẫn vào bến xe như đường Phạm Hùng, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Hoàng, dòng phương tiện bắt đầu di chuyển nhích từng chút một. Nhiều người leo lên vỉa hè để tránh ùn tắc khiến tình hình giao thông trở nên lộn xộn.
Theo ông Lý Trường Sơn - giám đốc bến xe Mỹ Đình, kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm nay dài 4 ngày, rơi vào cuối tuần nên nhu cầu đi lại của người dân sẽ tăng đột biến. Dự kiến, lượng hành khách tăng 2,5 lần so với trung bình, từ 10.000 - 15.000 lượt người/ngày. Do vậy, lượng xe phục vụ bà con cũng tăng khoảng 35% so với ngày thường (hơn 800 xe/ngày) tập trung các tuyến Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Yên Bái…
Bến xe Mỹ Đình cũng tăng cường kiểm tra xe trước khi xuất bến, đảm bảo không nhồi nhét khách, thu giá vé vượt quá mức quy định và xử phạt nghiêm hành vi vi phạm. Giám đốc bến xe Mỹ Đình khuyến cáo hành khách nên vào bến mua vé để đảm bảo an toàn giao thông, tránh tình huống mua phải vé xe vượt quy định.
Xe máy leo lên vỉa hè đi chung cùng người đi bộ trên đường Phạm Hùng - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Nhiều người mang theo nhiều đồ đạc về quê do đợt nghỉ lễ dài ngày - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Giao thông ách tắc, nhiều người dân rời Hà Nội về quê buộc phải "chôn chân" hàng chục phút để đi chuyển qua đoạn đường Nguyễn Hoàng chỉ dài khoảng 500m - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Đến 18h30, ngã tư Trần Duy Hưng - Phạm Hùng - đại lộ Thăng Long - Khuất Duy Tiến, tình trạng giao thông tê cứng. Các xe di chuyển chậm, khoảng 10 phút mới đi qua được nút giao này. Phía trên, đường vành đai 3 hướng về Pháp Vân các phương tiện cũng nhích từng chút một.
Phương tiện di chuyển qua nút giao ngã tư Trần Duy Hưng - Phạm Hùng - đại lộ Thăng Long - Khuất Duy Tiến bị khóa chặt hàng chục phút - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành công văn gửi các đơn vị liên quan về xử lý các bến xe cóc, xe dù trên địa bàn.
Theo đó, UBND TP Hà Nội nhận được công văn của Bộ Giao thông vận tải về việc kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc và xe trá hình tuyến cố định”.
Về việc này, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Giao thông vận tải, Công an TP tiếp tục thực hiện chỉ đạo của TP về tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý hiện tượng “xe dù, bến cóc, xe trá hình tuyến cố định”, xe dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định trên địa bàn.
Đồng thời, giao Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức rà soát trên các trang thông tin điện tử nắm bắt các trang web của các đơn vị vận tải dùng để đặt chỗ, đặt vé (booking online), phối hợp với cấp có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, xử lý theo thẩm quyền đối với các đơn vị vận tải, nhà xe đăng quảng cáo, đón khách tại các điểm trái quy định.
“UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo ban chỉ đạo 197 các quận, huyện, thị xã rà soát các vị trí bãi đất trống, dự án chưa triển khai... xung quanh khu vực các bến xe, địa điểm công cộng là những địa điểm dễ phát sinh hiện tượng “bến cóc”; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự đô thị, đặc biệt vi phạm của các nhà xe dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định” - công văn nêu rõ.
PHẠM TUẤN
TTO - Ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, các cửa ngõ, cao tốc tại Hà Nội thông thoáng. Trong khi tuyến đường vành đai 3, đường trước các bến xe ùn ứ kéo dài.
Xem thêm: mth.42860148113802202-euq-ev-uahn-ur-nad-iougn-od-iad-oek-u-nu-ion-ah-gnoud-neyut-ueihn/nv.ertiout