Jeremy Schneider nghỉ hưu ở tuổi 36 sau khi thành lập và bán một nền tảng rao bán bất động sản có tên là Rentlinx. 2 năm trước, anh kiếm được 2 triệu USD từ việc bán startup này và quyết định đầu tư để bản thân không tiêu xài hoang phí.
Sau một thời gian đầu tư, Jeremy kết luận rằng đa dạng hoá chính là cách tốt nhất để trở nên giàu có hơn một cách an toàn.
Cụ thể, Jeremy phân bổ tiền vào 9 quỹ chỉ số, bao gồm: quỹ theo dõi chứng khoán, cổ phiếu vốn hoá nhỏ, bất động sản của Mỹ và toàn cầu, thị trường quốc tế, mới nổi, hàng hoá và trái phiếu chính phủ. Sau đó, anh cho rằng đây là bước đi rất đúng đắn để tiếp tục nghỉ hưu trong an nhàn. Nhưng sau 1 năm, Jeremy thấy chán chường.
Anh chia sẻ: “Tôi đã làm những thứ mà tôi nghĩ ai cũng nên làm khi có đủ tiền và không cần phải lao động. Vì thế, tôi đi du lịch, chơi game và tận hưởng cuộc sống. Tuy nhiên, sau khoảng 1 năm, tôi lại thấy trống rỗng và muốn làm một điều gì đó.”
Năm 2019, anh bắt tay vào làm một dự án có tên Câu lạc bộ Tài chính Cá nhân, trang web cung cấp nội dung miễn phí và trả phí về quỹ chỉ số. Trong khoảng thời gian này, Jeremy đã học được những bài học quý giá về những lựa chọn của mình.
Jeremy đã tìm hiểu về target-date fund. Đây là loại hình quỹ mà nhà đầu tư chỉ cần chọn thời điểm trong tương lai muốn rút tiền, quỹ sẽ tự động cân đối mức độ rủi ro giữa các cổ phiếu/trái phiếu.
Jeremy vẫn không biết liệu mình có đưa ra những quyết định đầu tư tốt nhất hay chưa. Bởi vậy, anh quyết định so sánh hiệu suất giữa các quỹ. Jeremy đã “nạp” khoản tiền như lần đầu tiên anh đầu tư vào năm 2015 là 2 triệu USD vào 9 quỹ để theo dõi hiệu suất cụ thể.
Sau đó, anh so sánh kết quả với việc đầu tư 100% số tiền vào một quỹ target-date tên là Fidelity Freedom Index 2050 Investor (FIPFX). Điều gây ngạc nhiên là, khoản lợi nhuận mà các quỹ ban đầu được phân bổ tiền thấp hơn nhiều với mức chênh lệch là 680.000 USD (hơn 16 tỷ đồng).
Jeremy chia sẻ: “Nếu có thể quay ngược thời gian, tôi sẽ rót toàn bộ tiền mình có vào 1 quỹ target-date duy nhất.”
Khoản chênh lệch 680.000 USD có được trong trường hợp Jeremy không rút tiền kể từ năm 2015. Trên thực tế, anh đã rút khoảng 2% mỗi năm từ danh mục đầu tư.
Kể từ đó, Jeremy đã bán Invesco DB Commodity Index Tracking Fund (DBC) vì tin rằng hàng hoá diễn biến theo xu hướng đầu cơ nhiều hơn là các nguyên tắc cơ bản. Anh cũng rút sạch tiền khỏi iShares TIPS Bond ETF (TIP) vì quỹ này có quy định quá “ngặt nghèo” về tuổi nghỉ hưu thực tế của Jeremy. Cuối cùng, anh cũng bán iShares International Developed Real Estate ETF có chi phí quá cao.
Theo tài khoản Fidelity của Jeremy, danh mục của anh hiện trị giá khoảng 2,6 triệu USD.
Tuy nhiên, Jeremy cho biết quỹ target-date có một vài nhược điểm. Một trong số đó là phí giao dịch cao. Ngoài ra, việc nắm giữ một quỹ target-date trong tài khoản môi giới thông thường thay vì tài khoản được ưu đãi thuế có thể không phải lựa chọn tối ưu khi nói đến mức thuế phải đóng. Nhưng nhìn chung, Jeremy vẫn tin rằng ngay cả trong trường hợp đó, đây vẫn là “cái giá xứng đáng để trả” vì quỹ này rõ ràng có hiệu suất cao hơn so với việc “khổ sở” phân bổ tiền ở nhiều quỹ.
Cuối cùng, theo Jeremy, nhiều nhà đầu tư tin rằng quỹ target-date là bước đi quá thận trọng. Dẫu vậy, nếu muốn mạo hiểm hơn, nhà đầu tư có thể kéo dài thời hạn rút tiền, ví dụ thay vì năm 2050 thì hãy chọn năm 2060 để nắm giữ lâu dài hơn.
Tham khảo BI