Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT Bình Thuận nhận định nền đường đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Km 25+419) rất thấp. "Chỗ này có cây cầu bắc qua Thiền viện Trúc Lâm, có 4 trụ điện cao thế 500 kV, những yếu tố này có ảnh hưởng gì khi thiết kế không? Vì sao vị trí trên đoạn cao tốc này này lại võng xuống? Thiết kế có dựa trên các dữ liệu mực nước dâng sông Phan và các con suối tại khu vực này hay chưa?", ông Thanh đặt câu hỏi.
Với hàng loạt các câu hỏi mà ông Thanh đặt ra, đại diện đơn vị thiết kế tư vấn gói thầu đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị ngập cho rằng "do mưa quá lớn vào đêm 28.7, nước tràn ngược từ các con suối bên ngoài vào đường khiến cho cao tốc bị ngập".
Về dữ liệu mưa lũ, đại diện đơn vị thiết kế cho biết lấy số liệu đỉnh mưa lũ cao nhất là năm 1992. Về câu hỏi vì sao đoạn đường chỗ này bị võng xuống (như lòng chảo) có phải do hạ cốt đường để tránh độ tĩnh không của đường dây điện 500 kV hay không, đơn vị thiết kế khẳng định đường võng xuống không phải do tránh tĩnh không điện cao thế, mà do thiết kế như vậy.
Theo đơn vị tư vấn thiết kế, có một nguyên nhân khác góp phần gây ngập đường cao tốc tại vị trí này là do con suối nằm ngoài dự án bị bồi lấp, ngăn cản dòng chảy.
Áp dụng thông số 'đỉnh lũ năm 1992' là chưa chính xác!
Có mặt tại cuộc họp, Chủ tịch UBND xã Sông Phan Nguyễn Đình Hoan (đoạn cao tốc bị ngập đi qua xã này) cho rằng nhận định "mưa lũ đêm 28.7 quá lớn" là thông tin chưa chính xác. Theo ông Hoan, đỉnh lũ cao nhất tại sông Phan là năm 1999, chứ không phải năm 1992 như đơn vị tư vấn thiết kế báo cáo tại cuộc họp.
Ông Hoan cũng bác bỏ 'nghi vấn' của đơn vị tư vấn thiết kế cho rằng "do người dân trồng cây lấn vào dòng chảy kênh, mương thoát nước nằm ngoài cao tốc nên mới gây ngập".
Đại diện Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Bình Thuận có mặt tại cuộc họp khẳng định, ngay cả khi thiết kế theo số liệu đỉnh lũ sông Phan vào năm 1992 thì cũng khó có thể ngập cao tốc sâu đến như vậy.
Đại diện Sở NN-PTNT Bình Thuận còn khuyến cáo đơn vị tư vấn thiết kế cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cần lấy các thông số mực nước dâng của hồ thủy lợi Sông Phan làm thiết kế cơ sở mới có thể đưa ra kết quả chính xác.
Ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban điều hành Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khẳng định tại cuộc họp, nguyên nhân ngập là do "xung đột các dòng chảy từ 3 hướng, trong đó có cả hồ thủy lợi Sông Phan xả với cao trình 90m3/giây. "Do mưa to đột biến, cộng với nguồn nước từ hồ tôm và trại chăn nuôi đổ về gây ngập cao tốc", ông Thái nói.
Theo ông Thái, biện pháp trước mắt hiện nay là phải khơi thông dòng chảy ở các con suối, kênh rạch phía ngoài dự án để nước có thể thoát nhanh khi trời mưa. "Về lâu dài, phải khảo sát lại địa hình thủy văn, lên mô hình, đánh giá thực trạng bền vững", ông Thái nhấn mạnh.
Về câu hỏi mà Phó giám đốc Sở GTVT Bình Thuận Huỳnh Ngọc Thanh đặt ra vì sao lại thiết kế đoạn đường ở vị trí bị ngập võng xuống rất thấp, ông Thái cho biết các đơn vị thiết kế tư vấn đến nay vẫn đang đo đạc lại và xin báo cáo sau bằng văn bản.
"Đây là vấn đề không ai mong muốn cả. Sau cuộc họp này chúng tôi còn một cuộc họp với Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an và Công ty dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) để tìm giải pháp chống ngập cho đoạn cao tốc này", ông Thái nói.
Một đại diện của đơn vị tư vấn thiết kế dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có mặt tại cuộc họp cho rằng nếu đã nạo vét sông suối thông thoáng mà vẫn còn ngập thì đơn vị sẽ báo cáo Bộ GTVT nâng cốt đường đoạn này cao lên.
Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT Bình Thuận cho biết hiện nay kênh thoát nước hai bên đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nhiều đoạn đã bị bồi lấp sau mưa. Nếu các đơn vị thi công không khơi thông kênh thoát nước thì khả năng những trận mưa sau nước sẽ tràn ra đường, gây ngập những đoạn khác.
Mặt khác, hiện các đơn vị thi công đang khoan vách đá thi công, thiết bị máy móc đặt ven đường gây nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.