Đó là chia sẻ của PGS.TS.BS Trịnh Thị Ngọc, phó chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, về điều trị viêm gan B bằng thuốc lá không rõ nguồn gốc.
Uống thuốc 3 tháng, khỏi viêm gan B?
Theo bác sĩ Ngọc, hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội có thể dễ dàng bắt gặp cảnh livestream bán hàng, quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, trong số đó có những quảng cáo sai sự thật, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh.
"Tôi đọc và nghe trên mạng có rất nhiều trường hợp trên mạng nói "viêm gan B điều trị 3 tháng khỏi vi rút". Đây là những thông tin sai sự thật khiến nhiều bệnh nhân tin theo, bỏ điều trị, đã để lại hậu quả nghiêm trọng.
Thực tế tại Việt Nam và trên thế giới, điều trị viêm gan B rất khó. Không có chuyện sử dụng thuốc lá 3 tháng là khỏi bệnh được", bác sĩ Ngọc khẳng định.
Theo bác sĩ Ngọc, đối với viêm gan C điều trị sẽ dễ dàng hơn, nếu bệnh nhân chưa có tổn thương gan (xơ gan) chỉ cần điều trị sau 3 tháng sẽ hết vi rút. Còn việc điều trị viêm gan B thường kéo dài.
Có những bệnh nhân cần điều trị 10-20 năm. Một số bệnh nhân mất kháng nguyên bề mặt có thể dừng điều trị, tuy nhiên vẫn cần phải theo dõi kiểm tra 6 tháng/lần.
Trên thực tế, đã có bệnh nhân điều trị có kết quả âm tính nhưng sau đó nghe theo quảng cáo, chuyển sang thuốc nam. Bệnh nhân không theo dõi bệnh, tới khi đi khám đã xơ gan.
Phòng tránh tổn thương gan như thế nào?
Gan là tạng lớn nhất của cơ thể giữ chức năng đảm nhận các phản ứng sinh hóa, lọc chất độc. Để có một lá gan khỏe mạnh, bác sĩ Ngọc khuyến cáo việc ăn uống đúng cách có ý nghĩa rất lớn.
Ngày nay, với lối sống hiện đại, năng động, cách ăn của giới trẻ cũng có nhiều sự thay đổi. Người trẻ thích ăn thức ăn đường phố nhiều hơn. Các loại thức ăn đường phố thường là những món ăn giàu năng lượng, chất béo được chế biến bằng phương pháp chiên, rán, nướng.
Bên cạnh đó, các món ăn đường phố thường khó kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe, trong đó có cả sức khỏe của lá gan.
"Cách bảo vệ lá gan tốt nhất là hạn chế ăn thức ăn đường phố. Thay vào đó nên ăn các bữa ăn lành mạnh tại nhà, chế biến bằng phương pháp luộc, hấp, chú trọng bổ sung thêm rau xanh.
Bên cạnh đó, hiện nay người trẻ đang ăn quá nhiều thịt. Ăn thịt gây ra gánh nặng cho đường tiêu hóa, gan và thận. Việc ăn thịt, đặc biệt là các loại thịt chiên, rán sẽ làm gia tăng nguy cơ tăng mỡ máu, gan nhiễm mỡ", bác sĩ Ngọc nói.
Ngoài ra, theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, ăn nhiều thịt cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính không lây như: đái tháo đường, tim mạch, huyết áp…
Một trong những thói quen ăn uống không tốt nữa đó là ăn các loại gỏi cá, tôm, rau sống. Tuy nhiên, theo bác sĩ Ngọc, thói quen ăn gỏi các loại cá nước ngọt, rau sống trồng dưới nước có thể làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng (sán lá gan). Sán lá gan khi vào cơ thể ký sinh tại mô gan (sán lá gan lớn) hoặc đường mật (sán lá gan nhỏ) gây ra những tổn thương cho gan.
Trong quá trình khám bệnh, bác sĩ Ngọc cũng đã gặp không ít trường hợp bị nhiễm sán lá gan do ăn rau sống.
Chuyên gia khuyến cáo nên hạn chế việc ăn các món ăn sống, chế biến từ cá nước ngọt, rau sống để giảm nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Tuyệt đối không ăn ngũ cốc mốc chứa nấm gây độc cho gan.
Tuyệt đối không bỏ thuốc khi mắc bệnh
Bác sĩ Ngọc cho hay những người được chẩn đoán mắc viêm gan vi rút, cần tuân thủ điều trị thuốc kháng vi rút theo chỉ định của bác sĩ.
Chuyên gia cảnh báo tuyệt đối không bỏ thuốc để tránh trường hợp vi rút phát triển gây hôn mê gan (tình trạng mất chức năng của não xảy ra do bệnh gan tiến triển nặng), suy gan, ung thư gan, khi đó điều trị rất khó khăn.
Ngoài ra, trong ăn uống cần lưu ý cân đối các dưỡng chất, hạn chế ăn nhiều chất béo, thịt. Bỏ các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu bia. Tăng cường luyện tập thể dục thế thao để tăng cường miễn dịch.
Lưu ý khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nghi ngờ mắc bệnh lý về gan cần phải đi khám chuyên khoa sớm, tránh gây ra những tổn thương không đáng có cho lá gan.
Ung thư gan là “sát thủ” hàng đầu về sức khỏe ở nhiều nước trên thế giới và Việt Nam. Người nhiễm vi rút viêm gan B, viêm gan C, xơ gan... có nguy cơ diễn biến thành ung thư gan.