Đặc biệt, năm nay số ca nhập viện tại Trại rắn Đồng Tâm (tỉnh Tiền Giang) do bị rắn cắn tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Có hơn 600 ca bị rắn cắn phải nhập viện đã được chữa khỏi.
Ra vườn, vô mùng... đụng rắn
Sau một ngày điều trị tích cực, bà Trần Thị Năm đã tươi tỉnh và có thể trò chuyện được với người thân. Bà Năm đến điều trị tại khoa điều trị rắn cắn của Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu thuộc Cục Hậu cần Quân khu 9 (hay còn gọi là Trại rắn Đồng Tâm) vào một ngày cuối tháng 7.
Theo bà Năm, trước đó trong lúc đang ngủ, bà nghe tiếng sột soạt ở nhà dưới nên dậy mở đèn đi xuống xem. Xuống đến bếp thì thấy thùng giấy để trên cao rơi xuống thềm nhà nên thò tay định nhặt lên đặt lại chỗ cũ.
Tay chưa kịp chạm vào thùng thì nghe đau nhói trên mu bàn tay phải. Nhìn kỹ lại thì thấy rắn lục đuôi đỏ đang cuộn mình, nhỏng cao cổ dọa phóng về phía bà.
Biết bị rắn cắn, bà la toáng lên cho con cháu nghe để ứng cứu rồi ngất lịm.
Còn ông Trần Văn Bảy, ngụ huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) thì bị rắn lục đuôi đỏ cắn trong lúc cắt cỏ dê. "Hồi đầu tôi cũng tưởng bị bọ ngựa đá trúng. Nhưng lúc sau thấy tay sưng mới hoảng hồn đi nhập viện", ông Bảy nói.
Mùa mưa, rắn thường trú ngụ nhiều ở những bụi cỏ, hàng rào và những nơi rậm rạp. Chị Phạm Thị Hải Yến trong lúc dọn bờ rào quanh nhà cũng trở thành nạn nhân của rắn lục đuôi đỏ.
Chị Yến cho biết quanh nhà đã dọn rất quang đãng rồi, chỉ còn một bụi rậm leo trên hàng rào chị định dọn sạch thì bất ngờ rắn từ đó lao xuống đất cắn bụp vào chân chị.
Theo trung tá Nguyễn Văn Tuấn - giám đốc Trại rắn Đồng Tâm, thậm chí có những người chui vô mùng ngủ, khi quơ tay thì vô tình đụng trúng rắn, bị rắn cắn. Sau khi nhập viện điều trị về, giũ mùng mền lên vẫn thấy rắn nằm trong giường.
Đề phòng rắn cắn
Theo trung tá Tuấn, để phòng ngừa rắn cắn, người dân cần nâng cao ý thức dọn dẹp sạch sẽ những nơi có khả năng rắn trú ngụ như đống củi, bờ rào, kho chứa đồ.
Đặc biệt, mùa mưa cỏ cây phát triển nhanh nên người dân thường dọn dẹp, phát quang. Đây là công việc thường bị rắn cắn. Trung tá Tuấn khuyến cáo người dân khi đi cắt cỏ, dọn bờ rào cần mang ủng, đeo găng tay để hạn chế bị rắn cắn; đi lại vào ban đêm cần phải có đèn để quan sát dễ dàng hơn.
Nếu chẳng may bị rắn cắn, cần đến ngay cơ sở y tế sơ cứu, chữa trị một cách bài bản để nọc rắn không phát tác. "Đặc biệt không dùng tay nặn, hút nọc rắn vì nếu làm vậy khiến vùng da bị rắn cắn thâm đen, khó xác định được vị trí vết cắn nên bác sĩ cũng khó chữa trị hơn", trung tá Tuấn khuyến cáo.
Các tỉnh miền Tây bước vào cao điểm mùa mưa cũng là lúc người dân bị rắn cắn nhiều hơn. Đặc biệt, năm nay số ca nhập viện tại Trại rắn Đồng Tâm (tỉnh Tiền Giang) do bị rắn cắn tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Có hơn 600 ca bị rắn cắn phải nhập viện đã được chữa khỏi.
650 - 700 người bị rắn cắn
Tại khoa điều trị rắn cắn của Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu (Cục Hậu cần Quân khu 9) mỗi năm tiếp nhận và chữa trị trên 1.000 ca bị rắn cắn, cá biệt có năm số người bị rắn cắn đến chữa trị tại trung tâm lên đến 1.800 ca.
Trong đó có khoảng 70% là rắn độc cắn. Đa số các nạn nhân bị rắn cắn đến từ nhiều tỉnh vùng ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long...
Nhiều nhất là người dân bị rắn lục đuôi đỏ cắn, trung bình mỗi năm chiếm từ 650 - 700 ca.
Ông Hà Văn L., 53 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Phúc, bị rắn cắn gần đây, nhưng thay vì đến cơ sở y tế thì ông lại đắp thuốc nam để chữa trị khiến cánh tay bị hoại tử.