Cuối tháng 7, đồng euro tăng 17% so với USD từ khi hai đồng tiền này ngang giá vào tháng 9 năm ngoái. Hiện euro đang giao dịch ở mức đỉnh 17 tháng so với đôla Mỹ. Đồng euro đắt thêm cũng khiến tỷ giá EUR/VND tăng gần 3,4% từ đầu năm. Việc này khiến các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị từ châu Âu như Công ty cổ phần Công nghệ Xenlulo (đơn vị chuyên thực hiện các dự án đầu tư trong ngành giấy, xi măng) gặp không ít ảnh hưởng khi phải bỏ ra nhiều tiền đồng hơn để mua euro thanh toán cho đối tác.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Xenlulo cho biết, tùy thời gian thực hiện, quy mô dự án, doanh nghiệp sẽ tính toán mức dự phòng trượt tỷ giá, thường 1-2% tổng vốn dành để nhập máy móc, thiết bị và khối lượng phát sinh phù hợp.
Chẳng hạn, một dự án có tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, trong đó vốn dành nhập khẩu máy móc, thiết bị khoảng 1.000 - 1.500 tỷ đồng. Như vậy, số tiền dự phòng trong thời gian thực hiện dự án khoảng 3 năm, tương đương 10-15 tỷ đồng, không bù được với mức tăng tỷ giá euro trên 3% từ đầu năm. Đồng euro tăng giá khiến hiệu quả dự án giảm đi do tổng mức đầu tư tăng.
Tương tự, ông Phạm Trí Cường, CEO Công ty TNHH Thương mại và kỹ thuật PowerTech – đơn vị chuyên nhập khẩu máy móc, thiết bị trong ngành năng lượng - cho biết nhập khẩu máy móc vốn có biên lợi nhuận thấp, nên tỷ giá euro liên tục được doanh nghiệp cập nhật để có kế hoạch nhập hàng tối ưu. Hiện khoảng một nửa số đơn đặt hàng của doanh nghiệp trước đây thanh toán bằng đồng euro, nay được chuyển sang thanh toán bằng đồng tiền khác để giảm rủi ro.
"Chúng tôi đề nghị đối tác chuyển thanh toán bằng USD thay vì euro. Trường hợp không được doanh nghiệp mua bảo hiểm tỷ giá hoặc chốt tỷ giá thanh toán trước với ngân hàng để giảm ảnh hưởng", ông Cường chia sẻ.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp xuất khẩu, như dệt may, da giày, lại cho biết ít chịu ảnh hưởng do nguyên liệu các ngành này đa phần nhập khẩu từ các nước châu Á, như Trung Quốc. Còn ngành gỗ, doanh nghiệp nói "không bị tác động", do sức mua yếu nên sản lượng nhập khẩu đồ gỗ hoặc nội thất từ EU gần như "giậm chân tại chỗ".
Sự tăng giá của euro có tác động gián tiếp tới các nhà xuất nhập khẩu thanh toán hợp đồng bằng USD khi đồng bạc xanh giảm giá so với euro.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, giá đôla Mỹ đã giảm tương đối trong bối cảnh Fed không tăng mạnh lãi suất. Trong khi, lãi suất tại thị trường EU vẫn được điều chỉnh tăng. Mặt khác, lạm phát Mỹ đã giảm nhanh hơn (ở mức 3%) trong khi ở EU một vài nước, lạm phát vẫn cao (5,5%) vào tháng 6.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Hưng Yên, euro tăng giá, tỷ giá quy đổi ra USD để nhận về tiền đồng của doanh nghiệp Việt sẽ bị thiệt đôi chút. Nhưng ông cho rằng, mức khoảng 1,1 đô la Mỹ đổi một euro là không quá mạnh và đột biến so với những thời điểm trước đây, như 1,22 hay gần 1,3 USD đổi một euro.
với kinh nghiệm làm hàng dệt may xuất sang thị trường EU hơn chục năm, ông Dương cho rằng tình trạng euro tăng giá này chỉ mang tính thời điểm và không phải là xu hướng dài hạn.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang thị trường EU cho hay họ ít chịu ảnh hưởng khi đồng tiền khu vực này đắt lên, do khoảng 15-20% hợp đồng thương mại thanh toán bằng đồng ngoại tệ này.
Là đơn vị sử dụng euro để thanh toán trực tiếp cho các đơn hàng, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 tỏ ra lạc qua khi đồng tiền này neo cao. Ông Hồng cho biết, năm ngoái, đồng euro mất giá, các doanh nghiệp xuất khẩu chịu không ít thiệt hại, nhưng năm nay giá tăng trở lại, vượt 26.000 đồng "ăn" một euro, giúp họ có thêm dòng tiền để bù đắp kích cầu giảm giá trước sức mua toàn cầu lao dốc.
Chủ tịch May Sài Gòn 3 dẫn chứng, nếu doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu được 1 triệu euro sẽ có 26,3 tỷ đồng trong khi trước đó chỉ khoảng 24 tỷ, tăng thêm 2-2,3 tỷ so với trước đó. Với số tiền này, doanh nghiệp có thêm nguồn thu để giữ chân người lao động, và bù đắp giá nguyên liệu đầu vào, giảm áp lực chi phí.
Sức cầu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm suy giảm đã ảnh hưởng đáng kể tới ngành dệt may - mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU. Sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 18,6 tỷ USD, giảm gần 18% so với cùng kỳ 2022.
Euro tăng giá, một số đơn vị dệt may cho hay giúp họ giảm bớt khó khăn về dòng tiền. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho hay, năm nay thị trường EU giảm 80%, nên để tận dụng lợi ích từ đồng euro tăng công ty đang đẩy mạnh kích cầu giảm giá 10-25%. Do đó, sức mua cũng đang dần cải thiện.
Ngoài dệt may, các lĩnh vực khác như gỗ, thủy sản cũng được hưởng lợi nhờ euro đắt đỏ. Nhưng theo đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA), sức tăng giá của đồng euro chỉ hỗ trợ một phần cho các doanh nghiệp, bởi sụt giảm xuất khẩu hai nhóm ngành này khá sâu.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HAWA cho biết hiện nay thị phần đồ gỗ xuất sang EU chỉ chiếm 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. 6 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu và sản phẩm gỗ ước đạt 6 tỷ USD, giảm gần 29% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 4,1 tỷ USD, giảm xấp xỉ 33% cùng kỳ năm ngoái. Do đó, để được hưởng lợi từ việc đồng euro tăng, ông Phương cho rằng, các doanh nghiệp phải có đơn hàng lớn.
TS.Võ Trí Thành cũng nhận định, tỷ giá đồng euro vẫn trong giai đoạn điều chỉnh nên tình trạng lên, xuống cũng dễ hiểu.
Sáu tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm hơn 12% so với cùng kỳ 2022, theo số liệu từ Bộ Công Thương. EU là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất sang thị trường này ước đạt gần 22 tỷ USD, giảm trên 10% so với cùng kỳ 2022.
Thi Hà - Ngọc Hà