Nằm ở hạ lưu sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, TPHCM có đường bờ biển dài 23km cùng mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc, với mật độ lên tới 3,38km/km2. Trong đó, sông Sài Gòn là sông lớn nhất, có 80km chảy qua địa bàn TPHCM, là nơi có thể tiếp nhận các tàu biển, tàu du lịch lớn; có tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái, đường thủy nội đô, đường sông kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và sang Campuchia.
Trải nghiệm ấn tượng, mua sắm thỏa thích
Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ nhất năm 2023 tại TPHCM do UBND TPHCM chỉ đạo tổ chức, Sở Du lịch chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao cùng các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện. Lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 04 đến 06/8) tại các địa điểm: Cảng Sài Gòn - Cảng Hành khách tàu biển, công viên bến Bạch Đằng, khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bến Bình Đông, Khu Du lịch - Văn hóa Suối Tiên, các khu du lịch, điểm đến khác tại TP.Thủ Đức và các quận, huyện của TPHCM. Lễ hội sông nước TPHCM là chuỗi hoạt động văn hóa - giải trí - nghệ thuật đặc sắc diễn ra bên dòng sông Sài Gòn, kết hợp với nhiều hoạt động trải nghiệm, những chương trình khuyến mãi mua sắm, kích cầu giảm giá vé các chương trình biểu diễn nghệ thuật...
Ban tổ chức cho biết, Lễ hội sông nước TPHCM sẽ khai mạc vào ngày 04/8 tại di tích Cột cờ Thủ Ngữ (Q1). Điểm nhấn của sự kiện là chương trình nghệ thuật Lễ hội sông nước TPHCM với chủ đề "Sài Gòn - Dòng sông kể chuyện" vào lúc 20 giờ ngày 06/8 tại Cảng Sài Gòn - Cảng Hành khách tàu biển. Đây không chỉ là chương trình thực cảnh đầu tiên của TPHCM mà còn là chương trình thực cảnh tái hiện sự hình thành của tự nhiên, con người qua các thời kỳ phát triển của vùng đất Gia Định - Sài Gòn - TPHCM, trong đó dòng sông là một "nhân chứng" hào hùng. Câu chuyện sẽ được kể bằng sự kết hợp các loại hình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại, âm nhạc, vũ kịch, ánh sáng, điện ảnh, đậm sắc màu văn hóa - nghệ thuật, diễn ra trên một dòng sông thật, một thương cảng thật, những con thuyền thật, con người thật, bối cảnh thật và những câu chuyện thật cùng cảm xúc chân thật nhất được nâng tầm thành nghệ thuật.
Tái diễn dòng chảy lịch sử ngàn năm
Sự kiện này được tổ chức hoành tráng với đội ngũ tham gia hùng hậu, câu chuyện lịch sử của vùng đất Gia Định - Sài Gòn - TPHCM trải dài theo chiều không gian và thời gian, với dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm được kể trong 5 chương nghệ thuật, gồm: Khẩn hoang - Mở cõi - Trên bến dưới thuyền - Hòn ngọc Viễn Đông - Rực rỡ Thành phố bên sông; với sự tham gia của 700 diễn viên và nghệ nhân dân gian cùng ê-kíp các đạo diễn, chuyên gia, cố vấn, nghệ sĩ hàng đầu trong ngành nghệ thuật.
Lấy văn hóa - lịch sử làm điểm khởi đầu, biến giá trị nhân văn trở thành sợi dây xuyên suốt, Lễ hội sông nước TPHCM cùng chương trình nghệ thuật "Thực cảnh sông nước" lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam sẽ tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo chưa từng có, xứng tầm, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản và bản sắc văn hóa, lịch sử riêng biệt của vùng đất Gia Định - Sài Gòn - TPHCM. Qua đó, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch TPHCM trên bản đồ điểm đến của du khách quốc tế.
Dự kiến đêm nghệ thuật thực cảnh sẽ sử dụng công nghệ 3D, mapping lên toàn bộ phần sàn của bối cảnh trên bờ; hệ thống nhạc nước lập trình theo âm nhạc; hệ thống ánh sáng được tính toán công phu, chi tiết theo từng tiết mục. Để tạo ra những hình ảnh chân thật nhất, trong màn khẩn hoang, ê-kíp đạo diễn phải lục tìm lại những chiếc ghe bầu cổ, phục dựng lại những cánh buồm xưa. Tới màn chợ nổi, ê-kíp huy động hơn 40 chiếc xuồng ba lá và tam bản để tái hiện khung cảnh chợ hoa bến Bình Đông ngày Tết. Màn diễu hành với hơn 30 tàu thuyền du lịch các loại (canô, thuyền buồm, tàu nhà hàng, tàu du lịch, buýt đường sông...) là hình ảnh ẩn dụ cho sự phát triển phồn thịnh mà ngành du lịch sẽ mang lại cho dòng sông Sài Gòn.
Chương cuối sẽ là một bữa tiệc toàn bích của các công nghệ trình diễn hiện đại bậc nhất, với hệ thống đèn laser công suất lớn, màn trình diễn "flyboard" (môn thể thao bay trên mặt nước) đặc sắc, kết hợp phần trình diễn "drone show" (màn trình diễn ánh sáng bằng những thiết bị bay không người lái) và pháo hoa trên trời cùng ánh sáng từ hàng chục tàu thuyền lớn trên sông.
Không gian "Trên bến dưới thuyền" được tổ chức tại Q1 (kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ cầu Điện Biên Phủ đến cầu Thị Nghè) và Q8 (khu vực dọc bờ kè tuyến bến Bình Đông, P13, Q8) từ ngày 04 đến ngày 06/8.Hai khu vực này sẽ trưng bày, giới thiệu nông sản, đặc sản, trái cây các vùng miền để người dân và du khách tham quan, mua sắm; góp phần hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức hoạt động nghệ thuật dân gian (vào ban ngày) và các chương trình nghệ thuật đờn ca tài tử (buổi tối 04 và 05/8)...
Người dân và du khách sẽ có sự trải nghiệm thú vị
Các hoạt động thể thao dưới nước được tổ chức từ ngày 05 đến ngày 06/8 tại bến Bạch Đằng (số 2 Tôn Đức Thắng, P.Bến Nghé, Q1), được Ban tổ chức khẳng định là hứa hẹn mang đến cho người dân và du khách sự trải nghiệm thú vị. Đó là hoạt động diễu hành trên sông (từ 19 giờ đến 19 giờ 40 ngày 04 và 05/8, từ 21 giờ đến 21 giờ 40 ngày 06/8). Từ cảng Sài Gòn đến tòa nhà Landmark 81 sẽ có 30 - 40 tàu thuyền của các đơn vị đang khai thác du lịch trên sông Sài Gòn trang trí rực rỡ, diễu hành dọc bờ sông để quảng bá về lễ hội và hoạt động du lịch trên sông của TPHCM. Không gian văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian được tổ chức tại Công viên bến Bạch Đằng (từ ngày 04 đến 06/8), Công viên Lam Sơn sẽ tổ chức trình diễn các loại hình nghệ thuật di sản văn hóa dân tộc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và tổ chức các trò chơi dân gian.
Ban tổ chức cho biết, sẽ trang trí ánh sáng nghệ thuật các bến tàu, cầu cảng tại khu vực Công viên bến Bạch Đằng và dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Cạnh đó là Chương trình công bố sản phẩm du lịch đường thủy và tour kích cầu du lịch TPHCM. Trang trí các mô hình, cụm tiểu cảnh mang biểu tượng TPHCM tại khu vực trung tâm, gồm: Công viên Lam Sơn, Công viên 30/4, Cảng Sài Gòn - Cảng Hành khách tàu biển, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và các địa điểm tổ chức lễ hội, thu hút đông đảo người dân TPHCM và du khách đến tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh lưu niệm.
Ngoài ra, còn nhiều hoạt động hấp dẫn khác như: chương trình khuyến mãi mua sắm cho du khách và người dân trong thời gian diễn ra lễ hội trên địa bàn TPHCM, kích cầu giảm giá vé các chương trình biểu diễn nghệ thuật, Lễ hội trái cây Nam Bộ, triển lãm phim tài liệu chào mừng 160 năm hình thành, phát triển Cảng Sài Gòn, hoạt động hưởng ứng lễ hội của các quận, huyện.
Có thể nói, Lễ hội sông nước TPHCM là dịp khơi dậy tình yêu quê hương và niềm tự hào của người dân TPHCM về lịch sử ngàn đời của cha ông trên vùng đất này; mang lại nguồn cảm hứng, khám phám trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách về bản sắc văn hóa của TPHCM qua các thời kỳ. Lễ hội hứa hẹn góp phần phát huy tiềm năng vốn có và khai thác tối đa giá trị kinh tế, văn hóa, du lịch của dòng sông Sài Gòn; thúc đẩy truyền thông, quảng bá về các làng nghề truyền thống, các biểu tượng du lịch và điểm đến văn hóa, giải trí đặc trưng nhất của TPHCM, giúp định vị thương hiệu đô thị sông nước giàu bản sắc của thành phố mang tên Bác.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM:
Lễ hội sông nước TPHCM không chỉ góp phần quảng bá lịch sử, đặc trưng văn hóa của TPHCM mà còn khai thác giá trị từ tài nguyên sông, biển của thành phố, góp phần định vị thương hiệu của TPHCM - một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa. Qua đó, lan tỏa niềm tự hào, tình yêu dành cho TPHCM cũng như truyền cảm hứng du lịch, khám phá điểm đến TPHCM tới du khách trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố này.
(Còn tiếp...)
Xem thêm: lmth.075051_gnan-meit-cuht-hnad-1-iab/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc