Dù có cơ chế hỗ trợ, nợ xấu vẫn tăng
Trong 6 tháng đầu năm 2023, nợ xấu tại LPBank tăng 65%, lên 5.656 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu tăng ở tất cả các nhóm nợ, với nợ nhóm 3 tăng 49%, nợ nhóm 4 tăng 61% và nợ nhóm 5 tăng 80,3%. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,88% đầu năm 2023 lên 4,55% vào cuối tháng 6.
Tương tự, tại Techcombank, tổng nợ xấu tính đến cuối quý II/2023 là 5.000 tỷ đồng, tăng 65% so với đầu năm nay. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 78%, nợ nhóm 4 tăng 50%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,72% lên 1,07%.
Tại TPBank, nợ xấu tính đến hết quý II/2023 ghi nhận ở mức 3.912 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với đầu năm 2023. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 2.146 tỷ đồng (gấp 5,5 lần), nợ nghi ngờ tăng gần 1.130 tỷ đồng (gấp 2,5 lần).
Với ABBank, nợ xấu trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 61%, lên 3.820 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,89% lên 4,55%. Nợ xấu tăng dẫn tới thoái lãi cho vay và tăng trích lập dự phòng rủi ro đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, khiến lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm nay của ABBank chỉ đạt 678 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí dự phòng rủi ro trong quý II/2023 là 698 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ và lũy kế 6 tháng là 814 tỷ đồng, gấp 3,7 lần cùng kỳ.
BacABank ghi nhận nợ xấu tăng hơn 32% trong 6 tháng đầu năm 2023, lên xấp xỉ 679 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 3,2 lần, nợ nghi ngờ tăng 52% và nợ có khả năng mất vốn tăng gần 1,4%.
PGBank ghi nhận nợ xấu tăng 12,7% sau 6 tháng, đưa tỷ lệ nợ xấu lên mức 2,77% vào cuối tháng 6/2023.
Tổng nợ xấu tại SaigonBank tính đến 30/6/2023 là 441 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 4 tăng 46%, tương ứng hơn 142 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,12% lên 2,3%.
Còn tại Vietcombank, Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Tùng cho biết, tính đến hết tháng 6/2023, chất lượng tín dụng được kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,85%, mặc dù thấp nhất hệ thống nhưng cũng đã tăng so với tỷ lệ 0,68% cuối năm 2022.
Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, không trả nợ ngân hàng đúng hạn, dẫn đến nợ xấu gia tăng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có cơ chế cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
“Tỷ lệ nợ xấu của Agribank tính đến 30/6/2023 đã tăng lên đúng bằng thời điểm kết thúc cơ cấu lại giai đoạn 2016 - 2020 và áp lực gia tăng trong thời gian tới là rất lớn”, ông Ấn chia sẻ.
Thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn/giảm lãi/phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023, BIDV đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh, tạo dòng tiền để trả nợ ngân hàng. Tính đến hết tháng 6/2023, tổng dư nợ cơ cấu theo Thông tư 02 tại BIDV là hơn 20.000 tỷ đồng.
Rủi ro tiềm ẩn
Do được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, nên xu hướng nợ nhóm 2 tăng có thể sẽ tiếp diễn trong các quý tới.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định, các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại nợ cho khách hàng theo Thông tư 02 thì trong 12 tháng giãn nợ, tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng, thoái thu lãi, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
“Trong khi đó, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ gặp nhiều vướng mắc, không ít khách hàng bất hợp tác, cá biệt có hiện tượng lập nhóm bùng nợ tràn lan trên mạng xã hội kêu gọi không trả nợ, nhất là nhóm khách hàng vay tiêu dùng. Việc xử lý nợ thông qua thủ tục tố tụng mất rất nhiều thời gian, chi phí và kém hiệu quả”, ông Hùng nói.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 6/2023 đã có trên 18.800 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02; tổng dư nợ (gốc, lãi) được cơ cấu giữ nguyên nhóm là gần 62.500 tỷ đồng. Điều này cho thấy, nợ xấu tiềm ẩn có thể được đẩy về tương lai cao hơn con số thực tế hiện nay.
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhìn nhận: “6 tháng đầu năm 2023, có thể nợ xấu nội bảng chưa cao, nhưng nợ có nguy cơ tiềm ẩn ở một số ngân hàng đang nhen nhóm. Điều này luôn đặt ra vấn đề cho an toàn hệ thống”.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB cho rằng, trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, xuất khẩu suy giảm, thị trường bất động sản gần như đóng băng thì nợ xấu có xu hướng tăng mạnh là điều tất yếu. Tuy nhiên, cần lưu ý về nợ nhóm 2. Theo số liệu báo cáo hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã tăng lên mức 2,9% vào cuối quý I/2023 so với mức 2% cuối năm 2022; nợ nhóm 2 tăng đột biến, hơn 100% so với cùng kỳ.
Thông tư 02 cho phép các tổ chức tín dụng chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khi đáp ứng một số điều kiện cụ thể với thời hạn 1 năm kể từ ngày được cơ cấu lại, nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn về tài chính, đồng thời tiếp cận nguồn vốn vay mới để tiếp tục hoạt động sản xuất - kinh doanh…, việc này được thực hiện đến hết tháng 6/2024.
Theo bà Hiền, đây được xem là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, trong bối cảnh khó tiếp cận được các nguồn vốn (vốn vay, vốn huy động từ trái phiếu/cổ phiếu). Do đó, về lý thuyết, một số khoản nợ đã trở thành nợ xấu, song do được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, nên xu hướng nợ nhóm 2 tăng có thể sẽ tiếp diễn trong các quý tới.
Trong diễn biến có liên quan, kết quả cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng trong tháng 6/2023 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho biết, 6 tháng đầu năm 2023 và dự báo cả năm 2023, mặt bằng rủi ro tín dụng tổng thể của khách hàng được các tổ chức tín dụng nhận định tăng nhanh hơn so với kỳ trước và cùng kỳ năm trước ở hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản và đầu tư kinh doanh chứng khoán vẫn được đánh giá là tiềm ẩn rủi ro tăng cao nhất. Theo đó, các tổ chức tín dụng có xu hướng “không đổi” hoặc “thắt chặt” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng.