Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 1/8 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào và hiện đứng ở mức 66,75 – 67,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 6,1 USD lên 1.965,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hạ nhiệt và về 1.955 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,18 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 1/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.757 đồng/USD, giảm nhẹ 1 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.520 – 23.860 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 29.300 USD, thì sang phiên hôm nay đã có nhịp giảm khá mạnh và về dưới 29.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,52 USD (-0,64%), xuống 81,28 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,40 USD (-0,47%), xuống 85,03 USD/thùng.
VN-Index đảo chiều giảm
Sau phiên sáng tăng mạnh hơn 10 điểm, thị trường hạ nhiệt ngay khi giao dịch trở lại trong phiên chiều về gần 1.225 điểm, nhưng với sức mạnh từ các bluechip vẫn giúp VN-Index đứng vững và bật trở lại vùng trên 1.230 điểm.
Tuy nhiên, áp lực bán chốt lời đột ngột tăng mạnh khiến bảng điện tử đổi sắc với hơn 300 mã giảm, trong đó, nhiều cổ phiếu bất động sản, xây dựng vừa và nhỏ lao dốc, trong khi các bluechip cũng theo nhịp giảm này đi xuống và VN-Index lao nhanh về dưới tham chiếu.
Dù vậy, cũng chỉ mới chớm đỏ, lực cầu đã tích cực trở lại và nhà đầu tư tạm dừng việc bán giá thấp đã thúc đẩy VN-Index thêm một lần trồi lên tham chiếu, trước khi đảo chiều giảm trong phiên ATC do một số mã lớn nới đà giảm.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 10,74 triệu đơn vị, giá trị bán ròng hơn 1.656 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 1/8: VN-Index giảm 5,34 điểm (-0,44%), xuống 1.217,56 điểm; HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,09%), xuống 239,35 điểm; UpCoM-Index tăng 0,86 điểm (+0,96%), lên 90,21 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Hai (31/7), kết thúc tháng 7 mạnh mẽ nhờ mùa báo cáo kết quả kinh doanh lạc quan và hy vọng về một cuộc hạ cánh mềm cho một nền kinh tế Mỹ.
Lợi nhuận quý II của các công ty thuộc S&P 500 ước tính đã giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu của Refinitiv cho thấy. Mặc dù vẫn tiêu cực, nhưng dự báo này là một sự cải thiện so với mức giảm 7,9% ước tính một tuần trước đó.
Citigroup đã nâng mục tiêu S&P 500 vào cuối năm 2023 và giữa năm 2024 lên lần lượt là 4.600 điểm và 5.000 điểm để phản ánh khả năng hạ cánh mềm cao hơn của nền kinh tế Mỹ.
Kết thúc phiên 31/7: Chỉ số Dow Jones tăng 100,24 điểm (+0,28%), lên 35.559,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,73 điểm (+0,15%), lên 4.588,96 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 29,37 điểm (+0,21%), lên 14.346,02 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng, khi đồng yên yếu hơn đã thúc đẩy tâm lý thị trường, với các cổ phiếu chip dẫn đầu đà tăng.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,92% lên 33.476,58 điểm. Chỉ số Topix tiến 0,64% lên 2.337,36 điểm.
"Chứng khoán Nhật Bản theo dõi đà tăng của Phố Wall phiên đêm qua, cũng như được hưởng lợi từ sự suy yếu của đồng yên, có xu hướng thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp trong nước", Shigetoshi Kamada, tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Tachibana Securities, cho biết.
Đồng yên và cổ phiếu thường di chuyển theo hướng ngược lại, vì đồng tiền mạnh hơn làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu.
Phiên này, cổ phiếu Toyota Motor tăng 2,49%, dẫn đầu mức tăng trên Topix sau khi nhà sản xuất ô tô công bố mức tăng gần gấp đôi lợi nhuận hoạt động trong quý vừa qua.
Cổ phiếu nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron tăng 2,82%, đóng góp tích cực nhất cho Nikkei 225. Cổ phiếu nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest tăng 4,02%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ sau khi phục hồi mạnh trong những phiên gần đây, với một số nhà đầu tư chốt lời khi họ vẫn hoài nghi về các biện pháp chính sách của nước này để hỗ trợ sự phục hồi nền kinh tế.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm nhẹ xuống 3.290,95 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,41% xuống 3.998,00 điểm.
Quốc vụ viện Trung Quốc hôm thứ Hai đã công bố các biện pháp khôi phục và mở rộng tiêu dùng trong lĩnh vực ô tô, bất động sản và dịch vụ, nhằm phát huy đầy đủ "vai trò cơ bản" của tiêu dùng trong phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, các nhà chức trách chưa công bố nhiều chi tiết về kế hoạch của họ, khiến các nhà đầu tư phải chờ đợi.
"Hầu hết các nhà đầu tư mà tôi đã nói chuyện vẫn hoài nghi về các biện pháp tiềm năng mà chính phủ sẽ triển khai", các nhà phân tích của UBS cho biết trong một lưu ý.
Một số nhà đầu tư nước ngoài nói rằng lời nói của các nhà hoạch định chính sách sẽ phải được kết hợp với hành động thực chất để làm sạch lĩnh vực bất động sản ốm yếu trước khi niềm tin phục hồi.
Chứng khoán Hồng Kông đảo chiều giảm, do lo ngại đà tăng giá gần đây của các cổ phiếu lớn về công nghệ là quá mức và không được hỗ trợ bởi các nguyên tắc cơ bản.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,34% xuống 20.011,12 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,65% xuống 6.854,52 điểm.
Chỉ số công nghệ mất 0,3% với các cổ phiếu lớn như JD.com giảm 1%, Tencent mất 0,1% và Meituan giảm 0,5. Nhà sản xuất xe điện Xpeng giảm 4,7%, trong khi BYD mất 0,3%.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng lên mức cao nhất trong gần 14 tháng, dẫn đầu bởi cổ phiếu các nhà khai thác nền tảng trực tuyến và sản xuất dược phẩm sinh học.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 34,49 điểm, tương đương 1,31%, lên 2.667,07 điểm, đánh dấu mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 3/6/2022.
Cổ phiếu Naver tăng 2,64%, trong khi tin nhắn Kakao tăng 7,02%, với công ty con, liên kết đều nhảy vọt như Kakaobank và Kakaopay tăng lần lượt 14,04% và 7,97%.
Các cổ phiếu sinh học cũng tăng mạnh với Samsung Biologics tăng 4,7% và Celltrion tăng 3%, trong khi SK Bioscience tăng 5,59%.
Kết thúc phiên 1/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 304,36 điểm (+0,92%), lên 33.476,58 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,09 điểm (-0,00%), xuống 3.290,95 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 67,82 điểm (-0,34%), xuống 20.011,12 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 34,49 điểm (+1,31%), lên 2.667,07 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Gánh nợ xấu thêm nặng
Báo cáo tài chính của một số ngân hàng cho thấy, nợ xấu tăng chậm lại trong quý II/2023, nhưng diễn biến đáng lưu ý là sự dịch chuyển nợ xấu từ nhóm 2 sang các nhóm cao hơn..>> Chi tiết
- Trái phiếu Nam Land: Từ hứa đến thất hứa
Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình đáo hạn, việc trả nợ, đàm phán, gia hạn thời gian trả nợ của từng doanh nghiệp phát hành trái phiếu, có giải pháp kịp thời, phù hợp. Trên thực tế, hành trình lấy lại đồng tiền “mồ hôi nước mắt” của các nhà đầu tư vẫn rất gian nan..>> Chi tiết
- Thị trường chứng khoán Việt Nam thêm bước tiến tới thị trường mới nổi
Thông tin được Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trao đổi với báo chí tuần qua khiến thị trường chứng khoán Việt Nam thêm kỳ vọng tiến gần hơn đến thị trường chứng khoán mới nổi, trước hết là đáp ứng theo các tiêu chí của FTSE..>> Chi tiết
- Cổ phiếu thép trở lại
Ngành thép vẫn còn nhiều khó khăn khi giá bán giảm, nhưng nhu cầu tiêu thụ có tín hiệu tích cực trở lại, giúp cổ phiếu nhóm ngành này tăng giá mạnh so với thị trường chung..>> Chi tiết
- Tồn kho dầu giảm có thể khiến giá dầu cao hơn trong nửa cuối năm nay
Tồn kho dầu đang bắt đầu giảm ở một số khu vực do nhu cầu vượt quá nguồn cung, điều này có thể hỗ trợ cho giá dầu trong những tháng tới..>> Chi tiết