Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - HoSE: PLX) công bố ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong quý II/2023, Petrolimex có doanh thu thuần đạt 65.752 tỷ đồng từ bán xăng và dịch vụ đi kèm, giảm 22% so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn giảm mạnh hơn 24% giúp biên lãi gộp cải thiện gấp đôi lên 6%, tương ứng lợi nhuận gộp đạt 3.839 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng nhẹ 4% lên 433 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính giảm 30% xuống 357 tỷ đồng, chiếm 230 tỷ đồng là chi phí lãi vay. Phần lãi từ công ty liên doanh, liên kết tăng 12% lên 199 tỷ đồng, các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng lần lần lượt lên 2.907 tỷ đồng và 217 tỷ đồng.
Khấu trừ đi các chi phí, Petrolimex ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 850 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 140 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả kinh doanh này, phía công ty cho biết hoạt động kinh doanh xăng dầu trong điều kiện bình thường nên đạt lợi nhuận tốt hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, nguồn cung năng lượng và giá dầu thế giới không chịu tác động bất thường như xảy ra xung đột giữa Nga – Ukraine như hồi tháng 2/2022.
Hơn nữa, nguồn cung xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước khá ổn định, các thương nhân thực hiện nhập mua xăng theo đúng kế hoạch và hiệu quả.
Lũy kế 6 tháng, nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước ghi nhận doanh thu thuần giảm 12% xuống 133.184 tỷ đồng. Dù vậy chi phí giá vốn giảm mạnh hơn cùng với doanh thu tài chính tăng gần 30% giúp lợi nhuận sau thuế của Petrolimex đạt 1.517 tỷ đồng, cao gấp 5 lần cùng kỳ năm 2022.
Năm 2023, Petrolimex lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 190.000 tỷ đồng, giảm 38% so với thực hiện năm trước và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 3.228 tỷ đồng, tăng 42%. Như vậy sau nửa đầu năm, Petrolimex đã hoàn thành 70% mục tiêu doanh thu và 58% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của Petrolimex đạt 80.818 tỷ đồng, tăng 6.342 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó tiền, tương đương tiền và tiền gửi khoảng lượng tiền và tương đương tiền tăng hơn 8.400 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó có khoảng 16.242 tỷ đồng và gần 11.000 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Hàng tồn kho chiếm 19% cơ cấu tài sản, hơn 15.446 tỷ đồng, công ty trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 79 tỷ đồng.
Phía bên kia bảng cân đối, tổng nợ phải trả ghi nhận 52.926 tỷ đồng, tăng hơn 6.200 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chiếm tỉ trọng cao nhất là phải trả người bán với giá trị ghi nhận 22.510 tỷ đồng. Petrolimex đi vay nợ ngắn hạn 17.794 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu cuối kỳ của công ty đạt 27.892 tỷ đồng, trong đó hơn 2.753 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế.
Trái ngược với Petrolimex, doanh nghiệp cùng ngành là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil - UPCoM: OIL) lại công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với kết quả kinh doanh sụt giảm so với cùng kỳ.
Cụ thể, PV Oil ghi nhận 22.321 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 27% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp đạt 5%, tương đương so với quý II/2022. Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 79% lên 241 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi tiền gửi tăng. Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng 18% lên 660 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 27% lên 325 tỷ đồng.
Kết quả, PV Oil lãi sau thuế 189,5 tỷ đồng trong quý II/2023, giảm 63% so với quý II/2022. Riêng công ty mẹ mang về 179,3 tỷ đồng. Luỹ kế nửa đầu năm 2023, nhà bán lẻ xăng dầu lớn thứ 2 cả nước ghi nhận doanh thu thuần đạt 42.859 tỷ đồng, giảm 20%; lợi nhuận sau thuế đạt 455,1 tỷ đồng, giảm 43% so với nửa đầu năm 2022.