Năm 2022, chính phủ Anh tuyên bố kế hoạch giảm thuế và ngay lập tức khiến đồng Bảng mất giá, đồng thời là một trong những nhân tố khiến Thủ tướng Liz Truss khi đó chỉ tại vị được đúng 44 ngày. Bước sang năm 2023, tổng nợ theo GDP của nước này đã vượt qua ngưỡng 100%, điều lần đầu tiên xảy ra kể từ đầu thập niên 1960.
Tình hình ở Anh khó khăn là vậy nhưng theo tờ Nikkei Asia Review, một nước phát triển khác là Nhật Bản lại cho thấy nợ cao chưa chắc đã xấu khi nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này vẫn vận hành tốt suốt nhiều năm.
Số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy nợ công của Nhật Bản đã vượt ngưỡng 260% GDP, cao nhất trong số các quốc gia phát triển và cũng phá kỷ lục 204% GDP của năm 1944 hậu Thế chiến II. Thậm chí dự đoán của Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) cho thấy con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Bất chấp những số liệu trên, nền kinh tế Nhật Bản lại vẫn khá lạc quan trong mắt nhiều chuyên gia. Các báo cáo của chính quyền Tokyo cho thấy nước này vẫn rất lạc quan vào tốc độ tăng trưởng cũng như cam kết sẽ cân bằng lại nợ công trong năm tài khóa 2026.
Những tuyên bố này khiến nhiều chuyên gia bất ngờ khi hàng loạt nền kinh tế trên thế giới nâng lãi suất khiến chi phí tín dụng tăng cao, gây nguy hiểm cho các nước có tỷ lệ nợ công cao.
Đặc biệt hơn, dù nợ rất nhiều trong bối cảnh lãi suất đi lên nhưng Nhật Bản vẫn chi mạnh tay đầu tư công hỗ trợ nền kinh tế cùng nhiều khoản khác. Mới đây, Thủ tướng Fumio Kishida đã thông qua gói ngân sách tương đương 2% GDP vào năm 2027 nhằm phát triển quốc phòng, đồng thời tăng gấp đôi hỗ trợ chăm sóc trẻ em lên 2,5 nghìn tỷ Yên mỗi năm, tương đương 25 tỷ USD. Ngoài ra Nhật Bản còn định phát hành 20 nghìn tỷ Yên trái phiếu xanh (GX) nữa trong 10 năm tới.
Trong khi trái phiếu xanh có thể thu hồi được thông qua thuế môi trường và khí thải nhà kính thì hiện vẫn chưa rõ Nhật Bản sẽ lấy kinh phí nào bù đắp cho ngân sách quốc phòng và chăm sóc trẻ em tăng lên.
Tệ hơn, dân số già hóa nhanh khiến chính phủ Nhật Bản cũng phải thừa nhận rằng đến năm tài khóa 2040, quốc gia này sẽ phải chi gần 1/4 GDP cho an sinh xã hội, lương hưu, bảo hiểm y tế và chăm sóc người cao tuổi.
Thần kỳ
Tờ Nikkei cho hay dù nợ công cao nhưng nền kinh tế Nhật Bản lại không tồi tệ như nhiều quốc gia có mức tín dụng cao khác. Quả bom nợ công lớn là vậy nhưng các công ty Nhật Bản lại chẳng vay nợ nhiều, thay vào đó họ ngồi trên lượng tiền mặt rất lớn.
Thậm chí chính phủ Nhật Bản đã phải cố gắng kêu gọi các tập đoàn này tăng cường đầu tư, nâng lương cho nhân viên để tiêu bớt số tiền này, vốn có được là nhờ rất nhiều từ các chính sách hỗ trợ kinh tế của chính phủ.
Trong khi đó, phần lớn các trái phiếu của Nhật Bản có thời gian đáo hạn khá dài, đủ để nền kinh tế Nhật Bản đầu tư sinh lời và hoàn trả. Đồng thời hầu hết các khoản vay này là ở trong nước chứ không phải trái phiếu phát hành ngoài quốc tế, qua đó giúp chính phủ dễ dàng kiểm soát được tình hình hoặc đảo nợ hơn.
Tài khoản vãng lai của Nhật Bản hiện khá tốt và lạm phát của nền kinh tế này cũng ở mức thấp nhiều năm, dù có dấu hiệu tăng nhẹ thời gian gần đây.
“Rất khó để tưởng tượng rằng Nhật Bản sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ. Việc Nhật Bản được xếp hạng tín nhiệm ở mức A cho thấy thị trường này không rủi ro quá mức dựa trên tỷ lệ nợ công. Nếu tăng trưởng vẫn ở mức thấp thì nền kinh tế này sẽ còn tiếp tục vay nợ thêm để thúc đẩy kinh tế”, giám đốc Krisjanis Krustins của Fitch Ratings chi nhánh Châu Á Thái Bình Dương nhận định.
Đồng quan điểm, chuyên gia trưởng nghiên cứu vĩ mô Tohru Sasaki của JPMorgan Chase Bank cho rằng một trong những yếu tố thúc đẩy tình trạng vay nợ khổng lồ của Nhật Bản là hiện tượng “nghiện” các chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ).
Dưới thời Cựu thống đốc Haruhiko Kuroda và người đương nhiệm hiện nay là Kazuo Ueda, BOJ đã liên tục giữ chính sách lãi suất âm cùng nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy kinh tế. Cũng chính cơ quan này nắm giữ đến một nửa lượng trái phiếu chính phủ phát hành của Nhật Bản.
Theo nhiều ước tính, Nhật Bản đang phải chi 22,1% ngân sách tài khóa thường niên để thanh toán lãi vay và nợ đáo hạn.
Bất chấp điều đó, chuyên gia phân tích Christian de Guzman của Moody’s Investors Service nhận định nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Thặng dư tài khoản vãng lãi cùng văn hóa tự tôn của người Nhật đã khiến đồng Yên và thị trường này vẫn là nơi trú ẩn khá an toàn cho nhiều nhà đầu tư.
Nguy cơ
Tất nhiên tờ Nikkei cũng cho rằng tỷ lệ nợ công quá cao của Nhật Bản tiềm tàng khá nhiều rủi ro. Dân số lão hóa nhanh, tỷ lệ sinh đẻ thấp khiến lực lượng lao động suy giảm, gây khó khăn cho việc thúc đẩy năng suất cũng như tăng trưởng để có thể hạ tỷ lệ nợ công xuống. Nếu nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục giảm tốc tăng trưởng thì BOJ vẫn sẽ phải nới lỏng chính sách tiền tệ và vay nợ thêm để kích thích, qua đó làm phồng to quả bom tín dụng.
Ngoài ra, lạm phát của Nhật Bản cũng đang có dấu hiệu đi lên trong bối cảnh mức tăng lương của lao động không kịp đi theo đà tăng giá. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Nhật Bản đã vượt ngưỡng mục tiêu 2% của BOJ tháng thứ 15 liên tiếp.
Như vậy theo Nikkei, lạm phát tại Nhật Bản đã tăng nhanh hơn cả Mỹ, nơi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã phải nâng lãi suất lần thứ 11 trong 12 lần họp gần đây để chống đà tăng giá.
Bên cạnh đó, câu chuyện lấy tiền đâu trả nợ cũng là điều khiến chính quyền Tokyo phải đau đầu. Việc buộc phải tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công để đảo ngược chính sách nhằm giảm nợ công là bài toán đầy thách thức khi tỷ lệ nợ quá cao.
“Nếu không xử lý khoản nợ công này khéo léo thì Nhật Bản có thể gây khủng hoảng trên thị trường trái phiếu”, chuyên gia kinh tế Shigeto Nagai của tổ chức Oxford Economics cảnh báo.
*Nguồn: Nikkei Asian Review
Xem thêm: nhc.864945401208032881-eohk-gnos-nav-et-hnik-nen-gnuhn-on-iun-nert-iogn-nab-tahn-yk-naht/nv.fefac