Dữ liệu được công bố hôm thứ Ba (1/8) cho thấy phần lớn hoạt động sản xuất tại các nhà sản xuất lớn của châu Á đều đã thu hẹp trong tháng 7, cho thấy đà suy yếu của nền kinh tế toàn cầu đang kéo dài.
Ngoài Trung Quốc, các nền kinh tế châu Á khác bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam cũng báo hiệu sự thu hẹp trong hoạt động sản xuất. Chỉ có Ấn Độ, Indonesia và Philippines có sự mở rộng trong tháng 7.
Shivaan Tandon, nhà kinh tế châu Á mới nổi của Capital Economics cho biết: “Chỉ số sản xuất PMI vẫn nằm trong vùng thu hẹp trên hầu hết các nền kinh tế mới nổi châu Á vào tháng trước và dữ liệu cơ bản cho thấy sự suy yếu hơn nữa sắp tới. Số lượng đơn đặt hàng mới giảm, triển vọng việc làm ảm đạm và mức tồn kho cao cho thấy hoạt động của các nhà máy sẽ giảm trong những tháng tới. Dữ liệu tái khẳng định quan điểm của chúng tôi rằng, nhu cầu bên ngoài sẽ tạo thành một cơn gió ngược đối với tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023”.
Nhu cầu yếu cũng góp phần làm giảm chi phí sản xuất, điều này có thể làm giảm áp lực lạm phát và cuối cùng dẫn đến chính sách tiền tệ nới lỏng hơn ở một số nền kinh tế mới nổi châu Á.
Đơn đặt hàng mới thấp
Theo S&P, chỉ số sản xuất của Đài Loan (Trung Quốc) đặc biệt giảm mạnh, với mức giảm xuống 44,1 trong tháng 7 từ 44,8 trong tháng 6, đây là tốc độ suy giảm được ghi nhận là mạnh nhất kể từ tháng 11/2022.
Hoạt động kinh doanh xuất khẩu tại Đài Loan (Trung Quốc) trong tháng 7 đã thu hẹp với tốc độ mạnh nhất trong 6 tháng, điều này được lý giải là do nhu cầu giảm trên nhiều thị trường, bao gồm châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ.
Tại Đài Loan, “sự sụt giảm về sản lượng, đơn đặt hàng mới và doanh số xuất khẩu đều tăng nhanh, trong đó các công ty đổ lỗi cho điều kiện kinh tế toàn cầu yếu hơn và mức tồn kho cao của khách hàng”, Annabel Fiddes, phó giám đốc kinh tế của S&P Global Market Intelligence cho biết.
Số lượng đơn đặt hàng mới cũng giảm tương tự ở các nền kinh tế Đông Á khác.
Tại Trung Quốc, chỉ số PMI của Caixin/S&P đã giảm xuống 49,2 trong tháng 7 so với 50,5 của tháng trước. Đây là lần giảm đầu tiên trong ba tháng và thấp hơn mức dự báo trung bình là 50,3 trong một cuộc khảo sát của Reuters.
Áp lực giảm lạm phát
Tuy nhiên, nhu cầu yếu đối với sản lượng nhà máy của châu Á đã giúp giảm chi phí sản xuất.
Tại Nhật Bản, các nhà sản xuất báo hiệu rằng lạm phát giá đầu vào tiếp tục giảm vào đầu quý 3, với mức tăng chi phí hoạt động gần đây nhất là chậm nhất trong gần hai năm rưỡi và nhìn chung phù hợp với xu hướng trung bình dài hạn.
Giá đầu vào của Hàn Quốc trong tháng 7 giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7/2017, trong khi giá đầu vào ở Đài Loan (Trung Quốc) giảm mạnh kể từ tháng 5/2020.
“Các chỉ số phụ cho cả giá đầu vào và giá đầu ra đều ở gần mức thấp nhất trong nhiều năm và cho thấy lạm phát sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới”, Shivaan Tandon, nhà kinh tế của Capital Economics cho biết khi đề cập đến các nền kinh tế Đông Á mới nổi.
Như hiện tại, dữ liệu chính thức mới nhất của chính phủ cho thấy lạm phát ở Hàn Quốc đã giảm xuống 2,7% trong tháng 6 từ mức cao nhất 6,3% khoảng một năm trước, trong khi lạm phát ở Đài Loan (Trung Quốc) đang ở mức gần 1,8% trong tháng 6, thấp hơn nhiều so với mức cao nhất khoảng một năm trước.
“Dữ liệu mới nhất ủng hộ quan điểm của chúng tôi rằng áp lực giá cả có thể giảm dần trong thời gian tới, với tốc độ tăng trưởng khó khăn và vẫn ở dưới xu hướng, các ngân hàng trung ương trong khu vực có thể sẽ sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất”, nhà kinh tế Shivaan Tandon cho biết.