Hợp tác với Hàn Quốc để phát triển công nghiệp giải trí là một ý rất hay và cần được thực thi sớm.
Hiện nay Hàn Quốc là nước có nền công nghiệp giải trí thuộc vào hạng đứng đầu thế giới. Làn sóng Hallyu đang bùng nổ không chỉ ở châu Á mà còn trên thế giới.
Chỉ riêng các nhóm nhạc K-pop (BlackPink là một trong những nhóm như vậy) hằng năm đã tạo ra trung bình khoảng 10 tỉ USD (236.000 tỉ đồng) cho đất nước, đó là chưa kể công nghiệp điện ảnh phát triển vượt bậc với doanh thu vô cùng lớn.
Ngoài ra công nghiệp giải trí còn góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước Hàn Quốc, thúc đẩy phát triển du lịch, tiếp thị vô số các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm và dịch vụ khác. Hiệu ứng lan tỏa của công nghiệp giải trí là rất rộng lớn.
Rõ ràng giải trí là một ngành công nghiệp rất quan trọng và có thể thúc đẩy nền kinh tế của đất nước ta phát triển.
Hợp tác với Hàn Quốc, chúng ta có thể đề nghị nước bạn chia sẻ kinh nghiệm, giúp đào tạo nhân lực, cùng liên doanh, cùng hợp tác - đầu tư và tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ. Chừng ấy việc là rất nhiều và rất quan trọng.
Tuy nhiên quan trọng không kém là chúng ta cần tiếp tục cải thiện môi trường thể chế của mình. Ở Hàn Quốc, công nghiệp giải trí chủ yếu là do tư nhân đảm nhiệm.
Ở ta mặc dù các công ty giải trí tư nhân đang xuất hiện ngày một nhiều hơn, nhưng những doanh nghiệp giải trí lớn thì vẫn thuộc về Nhà nước. Ngành công nghiệp giải trí bị điều chỉnh bởi hệ thống luật công sẽ rất khó sáng tạo và phát triển.
Mới đây bằng nghị quyết 98, Quốc hội đã cho phép TP.HCM thúc đẩy hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa và thể thao.
Đây có lẽ là một bước đột phá giúp các ngành văn hóa và thể thao, trong đó có ngành công nghiệp giải trí, sớm trở thành những ngành công nghiệp mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách, cũng như mang lại sự giàu có cho các nghệ sĩ, các vận động viên thể thao.
Hy vọng tình trạng chỉ có chi mà không có thu hoặc thu không bù nổi chi trong hai lĩnh vực này ở TP.HCM sẽ sớm được giảm thiểu và được khắc phục.
Vấn đề là sau khi "cởi trói" cho TP.HCM, có lẽ Quốc hội cũng cần nghiên cứu để "cởi trói" cho nhiều địa phương khác liên quan đến thể chế, cắt giảm bớt thủ tục cấp phép, thủ tục phê duyệt...
Ngoài môi trường thể chế, những phản ứng chính sách sau đây cũng rất quan trọng để phát triển công nghiệp giải trí:
1. Hỗ trợ về tài chính. Nhà nước cần có các chương trình hỗ trợ tài chính, hạn chế thuế và các ưu đãi để khuyến khích đầu tư vào công nghiệp giải trí, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất phim, trò chơi điện tử, nội dung số.
2. Đào tạo nguồn nhân lực. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp giải trí, bao gồm diễn viên, đạo diễn, nhà thiết kế, kỹ thuật viên. Đây là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ giải trí.
3. Khuyến khích sáng tạo và nghiên cứu, phát triển. Tạo những điều kiện cần thiết để các công ty và các cá nhân trong ngành công nghiệp giải trí có thể nghiên cứu và sáng tạo ra các sản phẩm mới thu hút đối tượng khán giả đông đảo và đa dạng.
4. Hợp tác quốc tế. Mở rộng hợp tác quốc tế với các nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp giải trí để học hỏi và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
5. Quảng bá và tiếp thị. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá và tiếp thị để giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ giải trí của Việt Nam đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Trên đây có vẻ là quá nhiều phản ứng chính sách cho việc phát triển một ngành công nghiệp được sinh ra chỉ để giải trí.
Tuy nhiên ngành công nghiệp giải trí này đã thật sự trở thành "con gà đẻ trứng vàng" không chỉ cho những người làm nghề giải trí, mà còn cho cả nền kinh tế của Hàn Quốc.
Nó cũng hoàn toàn có thể trở thành một "con gà đẻ trứng vàng" như vậy cho những người làm nghề giải trí và nền kinh tế của Việt Nam khi chúng ta không nghĩ đó là chuyện chỉ để giải trí.
Concert BlackPink chính là công nghiệp giải trí ở hình thức dễ hiểu nhất: khiến khán giả tiêu tiền trong hạnh phúc để mua trải nghiệm đã mắt, đã tai, mua cả cảm giác sành điệu, trẻ trung, hợp thời.