Theo báo Wall Street Journal ngày 2-8, Fitch Ratings - một trong ba tổ chức xếp hạng tín dụng lớn nhất Mỹ - đã hạ bậc tín dụng của nước này từ bậc cao nhất AAA xuống bậc AA+.
Nguyên nhân hạ bậc được Fitch nêu là nhằm phản ánh "sự xói mòn trong khả năng quản trị" của Mỹ liên quan các lĩnh vực kinh tế hàng đầu trong 20 năm qua.
Tổ chức này nêu rõ: "Các bất đồng chính trị liên quan trần nợ công được lặp đi lặp lại, dẫn đến các thỏa thuận vào phút cuối đã làm suy giảm niềm tin vào sự quản trị tài chính".
Tuyên bố trên ám chỉ các vụ lùm xùm chính trị Washington gặp phải trong vài năm qua. Tiêu biểu trong đó là nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống của ông Donald Trump dẫn đến cuộc bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội ngày 6-1-2021.
Bên cạnh đó, hồi tháng 6-2023, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thoát vỡ nợ trong gang tấc, khi quốc hội và chính phủ nước này chỉ đạt thỏa thuận về trần nợ công vài ngày trước hạn, sau nhiều tháng thương thuyết không khả quan.
Tháng 5, Fitch Ratings đã cảnh báo về việc hạ bậc tín dụng nếu các lãnh đạo nước Mỹ để tình trạng này kéo dài.
Bậc AA+ được xếp cho các bên có chất lượng tín dụng cao, rủi ro rất thấp nhưng có thể bị ảnh hưởng từ các rủi ro dài kỳ.
Ngay sau khi bị hạ bậc, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng chỉ trích quyết định trên.
Nhà Trắng quả quyết rằng những vấn đề liên quan đến việc điều hành đất nước nằm ở phía chính quyền ông Trump, đồng thời khẳng định Mỹ chưa phải đối mặt nguy cơ không trả được nợ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố: "Thay đổi được Fitch Ratings công bố hôm nay rất vô căn cứ, dựa trên dữ liệu lỗi thời".
Theo ông Luke Tilley - nhà kinh tế trưởng tại tập đoàn tài chính hàng đầu Wilmington Trust, việc Fitch Ratings hạ bậc tín dụng Mỹ nhiều khả năng sẽ không dẫn đến hậu quả lập tức nào. Các ngân hàng và nhà đầu tư trên thế giới vẫn sẽ xem nước này là địa điểm đầu tư an toàn.
Tuy nhiên các động thái như của Fitch Ratings sẽ dần hạ niềm tin của thị trường tài chính toàn cầu vào mức độ tín dụng của Chính phủ Mỹ.
Ông Tilley phân tích: "Thành Rome không được xây trong một ngày và cũng không suy tàn trong một ngày. Tuy nhiên nếu cả hai đảng ở Washington vẫn khiến các nhà đầu tư nghi ngờ về việc Mỹ có trả nợ hay không, các nhà đầu tư sẽ làm đúng điều đó".
Hai lần Mỹ bị hạ tín dụng đều do nợ công
Trước Fitch Ratings, Mỹ mới bị hạ bậc tín dụng lần duy nhất vào năm 2011, khi bị Standard & Poor’s (S&P) hạ từ bậc AAA xuống AA+.
Nguyên nhân của lần hạ bậc này cũng lại là bất đồng trong việc nâng trần nợ công khiến Mỹ thoát cảnh vỡ nợ vào phút chót. Đến nay, S&P vẫn chưa khôi phục bậc AAA cho Mỹ.
Hiện chỉ còn Moody’s là tổ chức xếp hạng tín dụng lớn duy nhất còn đánh giá Washington ở bậc AAA.
Trong khi nền kinh tế Mỹ đang "treo" trên "sợi dây" nợ công, cuộc chiến nhằm nâng trần nợ gần như là cuộc đối đầu chính trị giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy.