Ở World Cup nam, số đội bóng dự giải được tăng từ 32 lên 48 (bắt đầu từ World Cup 2026), còn World Cup nữ cũng tăng từ 24 lên 32. Quy mô càng lớn, cơ hội dành cho những nền bóng đá nhỏ bé càng cao. Nhưng mặt khác điều đó cũng làm dấy lên lo ngại rằng các kỳ World Cup sẽ trở nên "loãng" hơn khi có quá nhiều đội bóng yếu.
Có cơ sở để lo lắng
Chưa rõ bóng đá nam thế nào, nhưng lượt trận đầu tiên của World Cup nữ đã cho thấy lo lắng đó là có cơ sở. Có đến 8 đội bóng lần đầu góp mặt World Cup ở giải năm nay.
Trong đó hai tân binh Bồ Đào Nha cùng Ireland cho thấy họ không yếu so với các cựu binh của World Cup nữ. Điều này do cả hai là các nền bóng đá có thực lực nhưng xưa nay khó lòng giành vé dự World Cup nữ vì sự chật chội ở châu Âu.
Nhưng 6 đại diện còn lại đến từ châu Phi, châu Á và Bắc Trung Mỹ - Caribê thì khác. Tuyển nữ Zambia thua đậm, Morocco thua đậm, Panama thua đậm, Việt Nam thua đậm, còn Haiti và Philippines cũng bại trận. Trừ hai đội tuyển nữ của châu Âu, các đội tuyển tân binh đều không thể hiện được gì nhiều trong lượt trận đầu tiên.
Nhưng ở những lượt trận tiếp theo, lần lượt Morocco, Zambia và Philippines đều đã để lại dấu ấn. Khó có thể gọi chiến thắng của tuyển nữ Morocco trước Hàn Quốc, của Philippines trước New Zealand, hay của Zambia trước Costa Rica là địa chấn. Và sau cùng gần như chắc chắn không đội bóng nào trong nhóm 8 tân binh giành vé vượt qua vòng đấu bảng.
FIFA chưa bao giờ được đánh giá cao bằng LĐBĐ châu Âu (UEFA) trong khả năng sáng tạo và tổ chức. Khi UEFA mở rộng vòng chung kết Euro lên 24 đội vào năm 2016, giải đấu đón chào 5 lính mới. Kết quả, cả 5 đều ghi dấu ấn ở kỳ Euro năm đó. Trong đó Xứ Wales, Iceland, Bắc Ireland và Slovakia đều vượt qua vòng bảng. UEFA chỉ mở rộng giải đấu khi họ xác định điều đó phù hợp với chuyên môn của giải.
FIFA muốn hướng đến ngày hội
Nhưng ở ý nghĩa của một ngày hội bóng đá hành tinh, chuyên môn đôi lúc không phải là tất cả.
Khi Haiti giành vé đến World Cup, báo chí thế giới đã nhắc rất nhiều về câu chuyện vượt qua nghịch cảnh của họ. Thế hệ các trụ cột bóng đá Haiti hiện tại ở cả nam lẫn nữ đều trải qua tuổi thơ đầy ám ảnh với thảm họa động đất năm 2010.
Và cho đến ngày nay, Haiti vẫn bị xem là đất nước nghèo nhất Tây bán cầu. Bằng một nỗ lực phi thường, bóng đá Haiti vẫn sống. Việc họ đến được World Cup nữ 2023 mang một ý nghĩa vượt ngoài chuyên môn của trò chơi 11 người.
Ngoài Haiti, Morocco cũng là một đội bóng mang đến những câu chuyện đáng ngưỡng mộ. Họ là quốc gia đầu tiên của thế giới Ả Rập góp mặt tại một kỳ World Cup nữ, điều có ý nghĩa rất lớn với những nơi mà quyền tự do của phụ nữ còn bị hạn chế.
Và Benzina, trụ cột tuyển Morocco, cũng mang theo chiếc khăn trùm đầu hijab ra sân. Nhiều năm trước FIFA từng ra lệnh cấm loại khăn này trong sân cỏ vì lý do an toàn sức khỏe, trước khi hủy quy định cấm trước làn sóng phản đối. Sự hiện diện của Morocco tại World Cup nữ 2023 thể hiện ý chí phấn đấu vượt qua những lằn ranh trói buộc.
Giai đoạn vòng bảng của World Cup 2023 có thể không quá giàu tính chuyên môn, nhưng đó vẫn là một ngày hội mà FIFA thực sự muốn hướng đến. Một ngày hội của những nét văn hóa, những câu chuyện giàu cảm xúc.
TTCT - Bóng đá nữ chưa bao giờ được xem trọng như bóng đá nam. Nhưng những năm gần đây, sân chơi 11 người dành cho các cô gái đã khác xưa…