Bộ Y tế đề xuất sẽ nâng cấp 5 bệnh viện hạng đặc biệt (Hà Nội có 3, TP.HCM 1 và Huế 1) thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế. Đề xuất này nằm trong quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Vì sao TP.HCM chỉ được đầu tư 1 bệnh viện hạng đặc biệt?
Đề xuất nêu rõ 5 bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Trung ương Huế.
Theo tài liệu Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 do Bộ Y tế thực hiện dự kiến sẽ nâng cấp một số bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt (đa khoa, chuyên khoa) ở TP.HCM, Hà Nội, Huế để đảm nhận vai trò của bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực.
Trong đó đầu tư, nâng cấp 5 bệnh viện cấp quốc gia hạng đặc biệt đạt được chứng nhận chất lượng tốt cấp quốc tế. Việc nâng cấp 5 bệnh viện này là để trở thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt, để giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài điều trị, đồng thời thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam.
Sau khi Tuổi Trẻ Online đăng bản tin trên, theo nhiều bạn đọc, việc nâng hạng các bệnh viện này chênh lệch, khi khu vực phía Nam rộng lớn và là kinh tế trọng điểm, thu hút nhiều khách quốc tế đến TP.HCM du lịch và làm việc chỉ được nâng cấp 1 bệnh viện là không đủ, không xứng tầm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện toàn khu vực phía Nam chỉ có Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt. Còn tại khu vực phía Bắc có 3 bệnh viện hạng đặc biệt tại Hà Nội, Huế có 1 bệnh viện. Do đó số lượng bệnh viện nâng cấp ngang tầm khu vực và quốc tế phụ thuộc vào số lượng bệnh viện đặc biệt hiện tại của mỗi khu vực.
Cũng theo quy hoạch này, TP.HCM là một trong những địa phương có số giường bệnh cao và tập trung nhiều bệnh viện tuyến trung ương đóng tại địa bàn nên số bác sĩ trên 10.000 dân cao hơn các khu vực khác.
"Việc quy hoạch các cơ sở y tế cần phải gắn với thực trạng số lượng và nhu cầu nhân lực y tế của từng vùng để đề xuất các lộ trình đầu tư mở rộng hoặc đầu tư mới cơ sở y tế một cách phù hợp", quy hoạch nêu rõ.
Ngoài nâng cấp 5 bệnh viện hạng đặc biệt, quy hoạch cũng dự kiến xây dựng mới một số bệnh viện cấp quốc gia. Trong đó đầu tư 1 bệnh viện đa khoa tuyến cuối của vùng Tây Nguyên, xây mới Bệnh viện Đa khoa trung ương Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Lắk, Bệnh viện Nội tiết trung ương TP.HCM và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình trung ương Cần Thơ.
Như vậy, theo quy hoạch này cả nước sẽ có thêm 3 bệnh viện cấp quốc gia.
Đầu tư 4,4 tỉ đồng/ giường bệnh tuyến trung ương
Bộ Y tế dự báo giường bệnh cho thấy nhu cầu giường bệnh sẽ tiếp tục tăng dần qua các năm. Trong giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung thêm 92.500 giường bệnh, trong đó số giường bệnh của bệnh viện cấp quốc gia cần bổ sung thêm khoảng 8.700 giường bệnh.
Theo quy hoạch việc đầu tư mở rộng quy mô giường bệnh, đơn vị soạn thảo dự kiến với sự thay đổi về quy mô dân số và sự gia tăng của tỉ lệ dân số già, ước tính số lượng giường bệnh của các bệnh viện tuyến trung ương đến năm 2030 cần phải đầu tư bổ sung tổng số là 5.000 giường bệnh và đến năm 2050 sẽ phải đầu tư thêm 10.000 giường bệnh.
Trong đó suất vốn đầu tư cho bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương dự tính trung bình là hơn 4,4 tỉ đồng/giường bệnh, bao gồm gần 2,2 tỉ đồng chi phí xây dựng và hơn 2 tỉ đồng chi phí thiết bị.
Mỗi suất vốn đầu tư bao gồm chi phí xây dựng các công trình khám, điều trị bệnh nhân (ngoại trú, nội trú, phòng mổ, xét nghiệm, khoa dược…) và các công trình phục vụ (bếp, kho, nhà để xe, khu hậu cần…) và chi phí trang thiết bị y tế hiện đại và đồng bộ phục vụ khám, chữa bệnh, phục vụ sinh hoạt, nghỉ ngơi của nhân viên, bệnh nhân.
Riêng đối với bệnh viện trọng điểm tuyến trung ương cần đảm bảo trang bị trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ phù hợp với vị trí là bệnh viện tuyến cuối. Ngoài việc phục vụ chữa trị các bệnh nặng với các chuyên khoa sâu còn đảm bảo vai trò trung tâm chuyển giao công nghệ cho các bệnh viện tuyến dưới.
Theo dự kiến, nguồn đầu tư sẽ từ các nguồn như nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm cả ngân sách trung ương và địa phương), nguồn ODA, nguồn đóng góp của các nhà tài trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác…
Làm sao để đạt 15 bác sĩ/10.000 dân?
Theo quy hoạch, đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 35 giường bệnh, 15 bác sĩ, 3,4 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng trên 10.000 dân. Đến năm 2030 là 35 giường bệnh, 19 bác sĩ, 4 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng. Năm 2050 là 45 giường bệnh, 35 bác sĩ, 4,5 dược sĩ đại học, 90 điều dưỡng.
Trong khi đó, trong đánh giá thực hiện kế hoạch năm 2023, 6 tháng đầu năm có 12 bác sĩ; 3,1 dược sĩ đại học và 14,5 điều dưỡng/10.000 dân. So với kế hoạch đề ra đến năm 2025 thì đây là con số chênh lệch rất lớn.
Về vấn đề này, đơn vị thực hiện quy hoạch cũng nêu rõ về nguồn lực, cần tăng quy mô đào tạo của các trường đại học y dược để đảm bảo nhu cầu về số lượng nguồn nhân lực là bác sĩ và điều dưỡng còn thiếu hụt ở giai đoạn đến năm 2030 và đặc biệt là đến năm 2050 khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập cao.
Gánh nặng bệnh không lây nhiễm
Bộ Y tế dự báo giai đoạn 2020-2040, gánh nặng bệnh tật hàng đầu của các bệnh không lây nhiễm sẽ chiếm hơn 80% gánh nặng tử vong toàn quốc và có xu hướng tăng dần qua các năm (81,3% năm 2020 và tiếp tục tăng đến 83,9% năm 2040).
Tiếp đến là nhóm chấn thương và tai nạn thương tích, chiếm khoảng 10% tổng gánh nặng tử vong, có xu hướng giảm dần. Nhóm bệnh truyền nhiễm và bệnh liên quan đến bà mẹ, trẻ sơ sinh, dinh dưỡng có gánh nặng bệnh tật thấp nhất, chiếm khoảng 8% và có xu hướng giảm nhanh hơn nhóm chấn thương.
Việc nâng cấp 5 bệnh viện hạng đặc biệt là để giảm số người Việt phải ra nước ngoài điều trị và thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam.