Gen Z là sáng lập viên, CEO
Elle De Freitas - 31 tuổi, sáng lập viên kiêm người đứng đầu công ty tiếp thị mạng xã hội Wonderkind, trụ sở tại Texas, Mỹ - có lịch trình làm việc dày đặc điển hình cho một CEO của một doanh nghiệp thành công.
De Freitas thường xuyên họp với nhóm 8 thành viên cấp cao để thảo luận cho việc kinh doanh mới, gọi khách hàng bàn về các chiến dịch truyền thông trên TikTok và Instagram của họ, thuyết trình chào mời các khách hàng tiềm năng, họp cập nhật với 50 nhân viên tại công ty hằng tuần.
De Freitas trẻ hơn so với nhiều CEO khác, đội ngũ lãnh đạo cấp cao tại Wonderkind cũng bao gồm các chuyên gia Gen Z với độ tuổi không quá 26.
Các cá nhân này mang đến một làn sóng cho các quan điểm mới, cách tiếp cận mới và tư duy quản lý khác biệt.
Định kiến: Trẻ thì chưa làm được lãnh đạo?
Vị trí lãnh đạo doanh nghiệp thường gắn liền với tuổi tác và thâm niên làm việc, khi quan niệm truyền thống cho rằng cần nhiều năm để tích lũy kiến thức cũng như chuyên môn để có thể điều hành một tổ chức.
Thách thức quan niệm này, những người trẻ thuộc thế hệ millennial, hay thậm chí là Gen Z đã nỗ lực để đạt tới các chức danh như: nhà sáng lập các công ty hay lãnh đạo điều hành tại các doanh nghiệp.
Theo một báo cáo của McKinsey & Company vào tháng 6-2023, gần 1/3 CEO mới được bổ nhiệm năm 2022 tại 500 công ty đại chúng lớn nhất nước Mỹ (S&P500) có độ tuổi dưới 50.
Tuy vậy, vẫn có các ý kiến cho rằng tuổi trẻ đôi lúc sẽ bất lợi để trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả.
Các thiếu sót của người trẻ, có thể kể đến như: chưa có khả năng định hướng cho tổ chức trong nhiều chu kỳ kinh tế khác nhau, thiếu kiến thức nền tảng điều hành doanh nghiệp, và quan trọng nhất, chưa có đủ trí thông minh cảm xúc hay kỹ năng mềm cho việc quản lý nhân sự.
“Tất cả các lãnh đạo đều có điểm mù. Người trẻ có nhiều hơn do vẫn còn thiếu kinh nghiệm làm việc. Khi ở thời điểm đầu của sự nghiệp, họ vẫn chưa thể nhận ra được các khuôn mẫu, hay nhận thức đủ cho những thiếu sót và thành kiến của mình”, Caroline Webb, cố vấn cấp cao tại McKinsey, cho biết.
Ông Cary Cooper, giáo sư tại Trường Kinh doanh Alliance Manchester, Anh, cho biết sự tự cao có thể tồn tại ở bất kỳ ai với bất kỳ độ tuổi, nhưng người trẻ thường có xu hướng tự tin thái quá.
“Điều tiêu cực ở đây là người trẻ không biết họ có nhiều điều không biết. Họ chưa có cái nhìn thực tế về bản thân, về điểm mạnh và điểm yếu của mình”, ông Cooper nhận xét.
Sự “non và xanh” của Gen Z mang lại nhiều lợi thế riêng
Các chuyên gia về quản lý cho rằng “không có độ tuổi chính xác dành cho lãnh đạo”.
“Ở vị trí lãnh đạo, công việc của bạn là nghĩ ra các giải pháp sáng tạo để giải quyết các vấn đề chưa được giải quyết. Việc này khó khăn khi bạn bị các giải pháp cũ ràng buộc, nhưng người trẻ thì không bị vướng mắc bởi các thành kiến, khiến suy nghĩ của họ tự do và sáng tạo hơn”, bà Webb nói.
Mỗi thế hệ có điểm mạnh khác nhau, nhưng riêng với Gen Z, các chuyên gia cho rằng thế hệ này có sự nhạy cảm và có những tính chất rất đặc biệt phù hợp cho các thách thức và cơ hội của thời đại.
Một số lãnh đạo trẻ nhận thức mình có thể không có các phẩm chất truyền thống của một nhà lãnh đạo, nhưng tự tin vào sức trẻ và "niềm tin" sẽ mang tới thành công trong tương lai.
Năm 2018, Jake Bjorseth bỏ học đại học để khởi sự ý tưởng mở một công tư ty tư vấn. Hiện tại khi mới 24 tuổi, Bjorseth đã điều hành một công ty quảng cáo có trụ sở tại Mỹ với 30 nhân sự, chuyên cung cấp các nội dung tiếp thị cho các nhãn hàng như Denny's, Loreal hay The North Face.
Bjorseth kể ở thời điểm đầu, anh đau đớn khi nhận ra mình thiếu kinh nghiệm, thiếu các mối quan hệ và sự giáo dục bài bản như nhiều đồng nghiệp lớn tuổi hơn. "Nhưng sâu trong thâm tâm, tôi biết rằng nếu bị dồn vào đường cùng, tôi sẽ tìm mọi cách để thoát ra", Bjorseth nói.
Đồng tình với anh Bjorseth, cô De Freitas khẳng định tuổi trẻ là lợi thế của Wonderkind trong hầu hết các tình huống.
"Họ là những nhà tư tưởng sáng tạo. Họ không bị mắc kẹt trong chính mình. Họ không chấp nhận các quy trình và quy tắc được ai đó nghĩ ra 25 năm trước và bảo rằng chỉ có một cách để giải quyết việc gì đó", De Freitas nói.
Nhưng De Freitas thừa nhận rằng đôi lúc có một số vấn đề mà cô không thể tự mình nghĩ ra giải pháp. "Vì vậy, tôi tìm đến những cố vấn (mentor) và những người khác mà tôi tôn trọng", Đài BBC dẫn lời cô De Freitas.
Dữ liệu của Pew Research Center cho thấy Gen Z là thế hệ đa sắc tộc và được giáo dục tốt nhất trong lịch sử Mỹ. Một nghiên cứu khác từ Quỹ Annie E Case cũng cho thấy Gen Z phần đông rất cấp tiến, hòa nhập, và am hiểu công nghệ.
"Thế hệ này được định nghĩa bởi sự đa dạng, cởi mở và khả năng điều hướng trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Đây chính xác là những phẩm chất cần thiết ở các nhà lãnh đạo ngày nay", giáo sư Cooper nói thêm.
Khi AI đang là nguy cơ cho hàng triệu việc làm, công nghệ này lại có thể là 'điểm sáng' cho sự nghiệp của Gen Z.