Lãnh đạo CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) cho biết CTCP Đầu tư xây dựng Ricons đã kiện, đòi mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp này.
Coteccons khẳng định vụ kiện tụng không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty. Đồng thời nói có thể lập tức thanh toán 1/3 các khoản nợ ngắn hạn bằng nguồn tiền mặt và tiền gửi sẵn có.
Trước khi gặp nhau ở tòa, Coteccons và Ricons đều công bố báo cáo tài chính hợp nhất với một số điểm chú ý về dòng tiền.
Chỉ tiêu tài chính (tỉ đồng) | Coteccons | Ricons |
---|---|---|
Doanh thu thuần | 6.748 | 3.821 |
Lợi nhuận sau thuế | 52 | 67 |
Vốn chủ sở hữu | 8.271 | 2.451 |
Tổng nợ | 13.103 | 4.811 |
Tiền mặt và gửi ngân hàng | 3.743 | 922 |
Khoản phải thu khách hàng | 11.590 | 3.598 |
Quy mô lao động (người) | 1.985 | 867 |
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm và một số chỉ tiêu tài chính tính đến cuối tháng 6-2023 - Nguồn: BCTC
Coteccons nợ Ricons bao nhiêu tiền, hai bên có mối quan hệ thế nào?
Các tài liệu liên quan đến vụ kiện giữa hai công ty sẽ được trình bày, giải quyết tại tòa án. Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý 2 tự lập của Ricons thể hiện một khoản phải thu ngắn hạn hơn 322 tỉ đồng từ Coteccons.
Tại báo cáo tài chính quý 1-2023, CTD vẫn kê rõ số tiền phải trả Ricons 322,5 tỉ đồng. Song sang quý 2, Coteccons không thuyết minh chi tiết khoản phải trả với các bên.
Khoản phải thu của Ricons | Khoản phải trả của Coteccons |
---|---|
Gamuda Land: 647 tỉ đồng | |
Coteccons: 322,5 tỉ đồng | |
Còn lại bên khác | |
Tổng: 3.598 tỉ đồng | Tổng: 5.114 tỉ đồng |
Khoản phải thu từ CTD chiếm 9% trong tổng khoản thu của Ricons và lớn thứ hai sau Gamuda Land. Bên kia báo cáo của CTD, công ty không có thuyết minh cụ thể
Nguyên nhân khoản công nợ được cho biết bắt đầu phát sinh từ giai đoạn trước năm 2019, khi Coteccons và Ricons chịu sự điều hành và xác định như thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 7 công ty có sự liên kết với nhau. Lúc đó, cựu chủ tịch CTD Nguyễn Bá Dương điều hành tổng thể.
Tại thời điểm cuối tháng 6-2023, mục đầu tư vào đơn vị khác của CTD vẫn còn ghi nhận khoản góp 301,6 tỉ đồng vào Ricons - tương đương tỉ lệ sở hữu 14,3%. Trong quá khứ, hai doanh nghiệp này từng có mối quan hệ "phức tạp".
Ricons được thành lập năm 2004. Giai đoạn 2010 - 2014, nhiều nhân lực chủ chốt từ Coteccons tham gia đội ngũ quản lý của Ricons, trong đó có ông Nguyễn Bá Dương.
Năm 2019, CTD gây chú ý khi muốn sáp nhập với Ricons song cổ đông lớn Kusto không ủng hộ. Sau 1 năm, mâu thuẫn nội bộ chính thức nổ ra khi Kusto gây áp lực lãnh đạo Coteccons (bao gồm cả ông Nguyễn Bá Dương) từ chức.
Đa số lãnh đạo chủ chốt của Ricons hiện là người cũ của Coteccons. Ông Nguyễn Sỹ Công (cựu tổng giám đốc CTD) hiện làm chủ tịch HĐQT.
Cũng phải nói thêm lục đục của Coteccons và Ricons diễn ra đúng đợt chấm điểm các nhà thầu thi công gói thầu 35.000 tỉ đồng dự án sân bay Long Thành. Cotecccons đứng đầu liên danh Hoa Lư, còn Ricons là một thành viên trong liên danh Vietur có ông Nguyễn Bá Dương.
Coteccons và Ricons kinh doanh ra sao sau nhiều ồn ào?
Nhìn vào quãng thời gian kinh doanh hơn 10 năm, có thể thấy doanh thu và lợi nhuận của Ricons và Coteccons nhiều biến động và có những mốc lên xuống khá tương đồng.
Với Ricons, từ lãi sau thuế khoảng 37 tỉ đồng năm 2010, họ trải qua thời đỉnh cao ở giai đoạn 2017-2020 với lợi nhuận kỷ lục lên tới 431 tỉ đồng (năm 2018). Song từ năm 2020 đến nay về quanh mức lãi mấy chục tỉ.
Coteccons cũng có lãi sau thuế rất lớn giai đoạn 2017 và 2018, lần lượt đạt hơn 1.500 - 1.650 tỉ đồng. Từ đỉnh cao, lợi nhuận CTD sụt chỉ còn 24 tỉ đồng năm 2021.
Nửa đầu năm nay bắt đầu nhích trở lại, lãi hơn 52 tỉ đồng - gấp gần 10 lần cùng kỳ.
Với đặc thù ngành, khó khăn chung của thị trường (giá cả vật liệu tăng cao, nợ đọng...) cũng như tác động khác, biên lợi nhuận gộp của CTD vẫn khá mỏng, chỉ hơn 2% trong nửa đầu năm.
Về phía Ricons, trong 6 tháng đầu năm nay, lãi sau thuế tiếp tục "vượt mặt" CTD với 67 tỉ đồng. 2 năm liền trước, lãi bỏ túi của công ty này cũng cao hơn CTD dù quy mô nhỏ hơn.
Biên lợi nhuận của nhà thầu này cũng không có gì vượt trội, thậm chí chưa đến 2% trong nửa đầu năm nay.
Với việc "xây trước trả sau", khoản phải thu thể hiện trên báo cáo doanh nghiệp xây dựng luôn được quan tâm. Khoản này quá lớn, kéo dài khiến doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền.
Tính đến cuối tháng 6, các khoản phải thu của khách hàng của Coteccons là 11.590 tỉ đồng, còn Ricons là 3.598 tỉ đồng (bao gồm khoản phải thu của Coteccons).
Lãnh đạo Coteccons đã trả lời riêng Tuổi Trẻ Online về việc Ricons kiện, đòi mở thủ tục phá sản với Coteccons, cho rằng đây là hành động đơn phương.