Dù ít được đề cập nhưng vai trò của các con kênh đào rất quan trọng với hệ thống hàng hải của mỗi quốc gia cũng như của quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang có nhiều biến động thì các kênh đào chính là mạch máu kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị quân sự trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, mới đây, kênh đào nối sông Đáy – sông Ninh Cơ ở Nam Định có giá trị 2.300 tỷ đồng đã chính thức được mở luồng vào ngày 25/7. Sự góp mặt của cụm công trình này sẽ phát huy hiệu quả cao nhất của cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2016). Đồng thời, kênh đào này còn giúp cho tàu 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Bình, Ninh Phúc, từ đó giảm chi phí vận tải, giảm gánh nặng cho đường bộ, giảm ô nhiễm môi trường…
Tính đến thời điểm hiện tại, thế giới có tới hàng trăm kênh đào. Dưới đây là 5 kênh đào nổi tiếng trên thế giới tương tự với "Panama" của Việt Nam.
1. Kênh đào có lịch sử lâu đời nhất – Đại Vận Hà
Đại Vận Hà là một trong những kênh đào vận chuyển dài nhất và lâu đời nhất trên thế giới, còn được biết đến với cái tên Kinh Hàng Đại Vận Hà. Đại Vận Hà đi qua các thành phố và tỉnh như Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Đông, Giang Tô và Chiết Giang… Kênh đào này đã đóng một vai trò rất lớn trong sự phát triển và giao lưu kinh tế văn hóa giữa các khu vực phía Bắc và phía Nam của Trung Quốc. Ước tính có khoảng 100 ngàn tàu thuyền đi qua dòng kênh này mỗi năm. Năm 2014, kênh đào Đại Vận Hà được liệt kê là một trong những Di sản thế giới của UNESCO.
2. Kênh đào được nhiều quốc gia sử dụng nhất – Suez
Kênh đào Suez được xây dựng năm 1869. Đây là một trong những tuyến đường biển được sử dụng thường xuyên nhất trên thế giới. Có chiều dài 193,5km, Suez là một trong những kênh đào giao thông quan trọng cho thương mại hàng hải. Sau khi xây dựng, kênh đào này đã thay đổi vĩnh viễn lịch sử vận tải đường biển quốc tế, giúp tàu thuyền không phải đi qua mũi Hảo Vọng phía Nam châu Phi, rút ngắn khoảng cách 6.000 km.
3. Kênh đào khó thực hiện kỹ thuật xây dựng nhất – Panama
Kênh đào Panama là một tuyến đường thủy nhân tạo dài 82 km ở Panama nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương và phân chia Bắc và Nam Mỹ. Kênh đào Panama đã được xây dựng trong 3 thập kỷ bằng mồ hôi công sức của rất nhiều người. Năm 1994, kênh đào được Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ công nhận là 1 trong 7 thành tựu kỹ thuật xây dựng lớn nhất của thế giới hiện đại. Công trình đóng góp rất lớn về mặt kinh tế, góp phần giảm thiểu chi phí trong vận tải thủy giữa hai đại dương. Trong quá khứ, để vận chuyển hàng hóa từ New York đến San Francisco, thay vì phải vượt qua hơn 22.500km qua eo biển Drake và mũi Sừng (Cape Horn) ở điểm cực Nam của Nam Mỹ, hiện nay, nhờ vào kênh đào Panama, việc đi lại chỉ tốn còn 9.500 km.
4. Kênh đào dài thứ 2 thế giới - Erie
Kênh đào Erie là một kênh đào ở New York, Hoa Kỳ, là một phần của phía đông sông West, tuyến đường xuyên bang của Hệ thống kênh đào bang New York (trước đây gọi là Kênh Barge State New York). Khi hoàn thành vào năm 1825, đây là kênh đào dài thứ hai trên thế giới (sau kênh đào Đại Vận Hà ở Trung Quốc) và giúp tăng cường đáng kể sự phát triển và kinh tế của thành phố New York và Hoa Kỳ. Kênh Erie không chỉ tăng tốc độ vận chuyển mà còn giảm hầu hết chi phí vận chuyển ở khu vực ven biển và đất liền.
5. Kênh đào nhân tạo nhộn nhịp nhất châu Âu – Kiel
Khai trương vào năm 1895, kênh đào Kiel dài 98km đi qua bang Schleswig-Holstein của Đức. Kênh đào nhân tạo này giúp các tàu thuyền đến Đan Mạch gần hơn. Kênh đào Kiel nối Biển Bắc với Biển Baltic, không chỉ rút ngắn hành trình (460 km) mà còn giúp tàu bè tránh được khó khăn, rủi ro khi vận tải hàng hóa. Đây được coi là tuyến đường thủy nhân tạo nhộn nhịp nhất châu Âu, trung bình 250 tàu thuyền di chuyển qua kênh mỗi ngày. Phải mất 8 năm và hơn 9 ngàn công nhân để hoàn thành việc xây dựng dòng kênh Kiel.
Xem thêm: nhc.581744451208032881-man-teiv-amanap-ut-gnout-ioig-eht-nert-gneit-ion-ion-tek-oad-hnek-5/nv.fefac