Vì đã tiêm vắc xin ngừa viêm gan B lâu rồi nên con tôi được yêu cầu cần làm xét nghiệm có kháng thể. Tôi rất tự tin nghĩ chỉ đi làm xét nghiệm “cho đủ thủ tục thôi” vì con đã tiêm đủ cả ba mũi theo quy định.
Nhưng kết quả xét nghiệm làm tôi té ngửa vì bất ngờ: con tôi không có kháng thể viêm gan B.
Tôi đưa con đi tiêm lại mà trong lòng đầy lo lắng với những băn khoăn “tại sao con tiêm ngừa đủ mà lại không có kháng thể? Có phải do cơ địa của con có vấn đề gì với vắc xin? Tiêm lại liệu có kháng thể hay không?”…
Và rồi tôi đã có lời giải đáp khi đưa con đến tiêm lại các mũi viêm gan B tại một cơ sở trong hệ thống dịch vụ tiêm chủng uy tín. Tại đây, tôi được các bác sĩ tư vấn giải thích về hiệu quả mang lại từ vắc xin có liên quan chặt chẽ đến quá trình bảo quản, vận chuyển và sử dụng vắc xin.
Nếu không đảm bảo đúng quy trình sẽ ảnh hưởng ngay đến chất lượng vắc xin và hiệu quả phòng bệnh.
Tôi nhớ lại: khi tiêm chủng cho con hồi đó, gia đình tôi đã chọn dịch vụ tiêm chủng tại nhà vì ngại mang con đi tiêm chủng phải đi lại, chờ đợi, xếp hàng này nọ.
Các bác sĩ đã giải thích cho tôi hiểu: Vắc xin chỉ đảm bảo chất lượng khi được bảo quản theo dây chuyền lạnh, trong tủ lạnh chuyên dụng, luôn duy trì nhiệt độ từ 2 - 8°C. Vắc xin dịch vụ được đưa vào thùng đá để mang đến tận nhà.
Như thế, nhiệt độ bảo quản vắc xin có thể bị thay đổi, thấp hơn 2°C khi đá mới cho vào thùng và lớn hơn 8°C khi đá để lâu, đã tan chảy hết hoặc khi thời tiết quá nóng vào mùa hè.
Khi nhiệt độ thay đổi, chất lượng vắc xin sẽ không đảm bảo, ảnh hưởng đến khả năng sinh kháng thể và hiệu quả phòng bệnh, đồng thời tăng nguy cơ tai biến khi tiêm.
Rõ ràng là trong quá trình đi lòng vòng qua các địa chỉ khác trước khi tới nhà tôi, vắc xin đã không còn được bảo quản đúng nhiệt độ cần thiết, vì thế không còn đảm bảo chất lượng. Nguyên nhân đó khiến không chỉ có viêm gan B, có thể cả vài mũi vắc xin khác cũng bị mất tác dụng như vậy…
Chưa kể còn những nguy cơ từ việc con không được kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng trước khi tiêm, rồi nếu không may xảy ra sốc phản vệ sau khi tiêm, chắc chắn sẽ không được xử lý cấp cứu kịp thời.
Những mũi tiêm theo kiểu “khác biệt”, “sang chảnh”, theo cách nghĩ của tôi khi đó, do thiếu hiểu biết về chất lượng vắc xin và tiêm chủng, đã không mang lại tác dụng phòng bệnh cho con như mong muốn.
Rồi cũng có những lần do bận bịu và cố chờ để hẹn được người đến tận nhà tiêm mà tôi lần lữa để quá thời gian quy định.
Tôi cảm thấy vô cùng ân hận vì đã lựa chọn không đúng cách để trong nhiều năm qua con mình không được bảo vệ bởi những mũi vắc xin “có cũng như không”. Ân hận vì con có thể đã phải đối mặt với những rủi ro khi tiêm chủng tại nhà và những căn bệnh nguy hiểm có nguy cơ lây nhiễm do không tạo kháng thể sau khi tiêm…
Giờ đây, mỗi khi chia sẻ với mọi người về tiêm chủng, nhất là các bà mẹ trẻ, tôi luôn nhắc đến kinh nghiệm để đời của bản thân: luôn chọn tiêm chủng “đúng cách”, đúng lịch. Đừng vì ngại chút, bận chút mà bỏ lỡ cơ hội vàng phòng bệnh một cách tốt nhất cho con!
Và nhất là đừng suy nghĩ tiêm chủng ở nhà an toàn, sạch sẽ hơn, tránh lây nhiễm bệnh từ trẻ khác, chúng ta sẽ tự đẩy con mình đối diện với mối nguy hại lớn về sức khỏe.
Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể
Báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống tiêm chủng VNVC đang tổ chức cuộc thi viết "Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể". Đây là cơ hội để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình, truyền cảm hứng và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tiêm chủng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ban tổ chức cho biết cuộc thi mở cho tất cả mọi người từ 6 tuổi trở lên, không giới hạn quốc tịch hay nghề nghiệp. Cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) được phép viết bài để hưởng ứng cuộc thi nhưng không được chấm giải.
Đơn vị đồng hành nhận thấy có nhiều bạn đọc quan tâm đến cuộc thi, đặc biệt là cán bộ nhân viên của VNVC và báo Tuổi Trẻ đã hưởng ứng tham gia tích cực.
Đơn vị đồng hành quyết định trao tặng 2 phần quà nhằm khích lệ tinh thần tham dự của các cán bộ nhân viên tham gia tích cực hưởng ứng cuộc thi viết, trong đó có 1 phần quà dành cho cán bộ nhân viên của VNVC và 1 phần quà dành cho cán bộ nhân viên của báo Tuổi Trẻ.
Về dung lượng, tác phẩm dự thi là bài viết ngắn bằng tiếng Việt, tối đa 800 từ, khuyến khích tác phẩm có hình ảnh, chùm ảnh hoặc video clip minh họa.
Nội dung là một câu chuyện liên quan đến chủ đề "tiêm chủng" và tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc duy trì, nâng cao sức khỏe cộng đồng, như kỷ niệm đẹp về tiêm chủng của bạn hoặc người thân;
Kỷ niệm về việc bạn đã cân nhắc lý do và đưa ra quyết định tiêm chủng; Cảm nhận và trải nghiệm cá nhân trong, sau khi tiêm chủng hoặc những ảnh hưởng của tiêm chủng đối với cuộc sống cá nhân và cộng đồng xung quanh.
Người tham gia có hai cách để nộp bài viết dự thi: Gửi email đến địa chỉ tiemngua@tuoitre.com.vn. Trong email, cần cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ: tên, tuổi, quốc gia, địa chỉ email, số tài khoản và số điện thoại liên lạc; Hoặc vào chuyên trang của cuộc thi ở địa chỉ tuoitre.vn, sau đó điền thông tin và tải file chứa bài dự thi theo yêu cầu.
Những tác phẩm dự thi tốt sẽ được ban tổ chức chọn lựa, đăng tải trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (bài được chọn đăng không đồng nghĩa là bài sẽ đoạt giải). Thời gian nhận bài viết: Ngày 10-6 đến 30-7-2023, bất kỳ tác phẩm nào gửi sau thời hạn này 30-7-2023 sẽ không được xem xét.
Các tác phẩm dự thi sẽ được đánh giá bởi ban giám khảo gồm các chuyên gia y tế, nhà báo, nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội.
Giải thưởng gồm 2 giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng/giải; 10 giải nhất trị giá 10 triệu đồng/giải; 15 giải nhì (5 triệu đồng/giải); 20 giải ba và 100 giải khuyến khích.
"Con nhỏ xíu mà tối ngày xách nhỏ đi chích ngừa, không biết xót con hay sao, gì mà ác vậy?", "Làm như giàu lắm, tiêm ở trạm y tế mấy mũi là được rồi, còn đi tiêm dịch vụ"...