Nhân vụ Công ty Vietart kiện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội về việc gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp, các cá nhân, nghệ sĩ, doanh nghiệp và chuyên gia chính sách đều coi đây như một điểm sáng khi doanh nghiệp đã chọn ra tòa để giải quyết các vấn đề tranh chấp với cơ quan công quyền.
Vụ kiện hiếm hoi
Chiều 2-8, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án vụ án hành chính Công ty Vietart kiện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp, chậm cấp phép chương trình biểu diễn nghệ thuật chương trình Ngôi sao phương Nam số 10 - vở cải lương Tiếng trống Mê Linh - của Vietart khiến doanh nghiệp này thiệt hại hàng tỉ đồng.
Theo trình bày của đương sự tại phiên tòa, Vietart đã nộp hồ sơ thông báo biểu diễn nghệ thuật (cách gọi mới của thủ tục xin cấp phép biểu diễn) chương trình Ngôi sao phương Nam số 10 - vở cải lương Tiếng trống Mê Linh - trước thời điểm biểu diễn hơn 3 tháng. Tuy nhiên, công ty này chỉ nhận được thông báo chấp thuận cho biểu diễn của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội trước ngày biểu diễn 12 ngày.
Trong 3 tháng đó, công ty này phải cung cấp giấy tờ chứng minh đã nộp tiền tác quyền vốn không có trong quy định về hồ sơ thông báo biểu diễn theo nghị định 144, phải sửa kịch bản vở Tiếng trống Mê Linh vốn là một vở nổi tiếng đã công diễn từ năm 1977 tới nay trên khắp cả nước.
Vietart cũng phải nộp đi nộp lại hồ sơ tới ba lần mới được chấp thuận biểu diễn ở thời điểm quá muộn khiến công ty không kịp quảng cáo bán vé. Hậu quả là đơn vị này chỉ bán được 200 vé trong tổng số 1.100 vé của hai đêm diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội.
Dù kết quả tòa bác toàn bộ đơn yêu cầu khởi kiện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội của Vietart, phiên tòa gây chú ý khi là trường hợp hiếm hoi một doanh nghiệp kiện cơ quan nhà nước vì hành vi gây phiền hà, khó khăn. Đây vốn là câu chuyện nhức nhối nhiều năm qua nhưng hầu hết cá nhân, doanh nghiệp đều chọn nín nhịn hoặc tự giải quyết tranh chấp chứ không khởi kiện. Thêm vào đó, bị đơn lại là một sở văn hóa nên càng gây chú ý.
Luật sư Hoàng Văn Hướng (Văn phòng luật sư Hoàng Hưng), người bảo vệ quyền cho Công ty Vietart trong vụ kiện, khẳng định "một doanh nghiệp kiện cơ quan nhà nước là hơi hiếm ở Việt Nam, phải tới bước đường cùng thì doanh nghiệp mới làm điều đó".
Theo luật sư này, hiện nay vấn nạn cửa quyền với doanh nghiệp rất nhức nhối. Nhiều cơ quan hành chính hiện nay làm việc không phải với tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp mà nhũng nhiễu. Nhưng rất hiếm cá nhân, doanh nghiệp kiện một cơ quan nhà nước ra tòa.
Kiện ra tòa là hành xử văn minh
Luật sư Hướng khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp nên mạnh dạn khởi kiện cơ quan nhà nước không chỉ để bảo vệ quyền lợi của mình mà còn giúp cơ quan nhà nước thực thi công vụ đúng pháp luật.
Họa sĩ Trịnh Minh Tiến (Hà Nội) cho biết các nghệ sĩ lâu nay cũng bất bình với nạn nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong thủ tục hành chính xin cấp phép triển lãm nhưng chỉ ấm ức chịu đựng. Dù rất bức xúc, nhiều người vẫn chọn cách thỏa hiệp với cái sai "cho xong việc".
Ngay cả khi các quyết định hành chính gây thiệt hại cho mình, hầu hết cũng lựa chọn "dĩ hòa vi quý" chứ không kiện. Nên khi nhìn vào vụ kiện này, Trịnh Minh Tiến cho biết anh và các đồng nghiệp thấy có động lực để tìm đến cách giải quyết tranh chấp bằng pháp luật.
Ông Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - khuyến khích các vụ án tương tự. Theo ông, vụ kiện là tín hiệu đáng mừng cho xu thế giải quyết các vấn đề tranh chấp giữa cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan chính quyền.
Lâu nay, tuy số vụ án này ít nhưng đã có những lần tòa xử cho cá nhân, doanh nghiệp thắng.
Về vụ Vietart kiện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, đúng sai là do tòa quyết định, nhưng ông Đồng ủng hộ cách tiếp cận văn minh, hợp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của mình của Vietart. Cách giải quyết này còn có ích lợi lớn là gây áp lực cho cơ quan hành chính làm việc nghiêm túc, đúng pháp luật.
Theo ông, pháp luật đã có cơ chế cho phép công dân khởi kiện các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước đối với cá nhân, doanh nghiệp không đúng và gây thiệt hại cho cá nhân, doanh nghiệp.
Vietart kháng cáo
Sau khi tòa sơ thẩm bác toàn bộ đơn yêu cầu khởi kiện của Vietart, công ty này cho biết tiếp tục kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP Hà Nội.
Tòa cần công minh
Ông Nguyễn Quang Đồng nhận định lâu nay các cơ quan nhà nước thường không cử đại diện dự phiên tòa xét xử vụ án hành chính mà mình là bị đơn. Ông khuyến nghị cơ quan nhà nước cũng cần cử nhân sự tham dự phiên tòa để thể hiện sự tôn trọng đối với tòa án, với pháp luật và bảo vệ quyền lợi cho mình.
Nếu bị xử thua kiện, cơ quan hành chính nhà nước cần phải công khai hình thức kỷ luật đối với những công chức làm sai chứ không chỉ lấy tiền nhà nước ra nộp phạt là xong. Nếu im lặng, cơ quan đó thiếu trách nhiệm giải trình trước người dân.
Còn tòa án cần công minh để giúp bảo vệ hình ảnh và uy tín của chính quyền trong mắt người dân và doanh nghiệp.
Chiều nay 2-8, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án vụ án hành chính Công ty Vietart kiện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp. Hội đồng xét xử đã bác toàn bộ đơn khởi kiện của Vietart.