Mới nhất vào ngày 2-8, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận ca biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy mũi. Nạn nhân là nữ, 39 tuổi, bị tắc động mạch trung tâm võng mạc bên phải, viêm màng bồ đào toàn bộ và thiếu máu vùng da mặt, da mũi, da trán.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về ca bệnh này, một bác sĩ tham gia hội chẩn nói: "Chúng tôi vẫn đang hỗ trợ điều trị tối đa, được đến đâu hay đến đó chứ chưa thể đánh giá tình trạng của bệnh nhân có được cải thiện hay không".
100 ca biến chứng mù mắt, đột quỵ do chất làm đầy
Điều đáng nói đây không phải là trường hợp đầu tiên gặp biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy. Có ca không chỉ mù mắt, còn biến chứng đột quỵ.
PGS.TS Nguyễn Huy Thắng - chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM kiêm trưởng khoa bệnh lý mạch máu não (Bệnh viện Nhân dân 115) - cho biết gần đây có khá nhiều biến chứng nguy hiểm (đột quỵ, mù mắt) liên quan đến kỹ thuật này được báo cáo, ước tính đã có gần 100 trường hợp trên toàn cầu.
Ông nói tại Bệnh viện Nhân dân 115 từng ghi nhận ít nhất 3 trường hợp biến chứng tương tự. Trường hợp đầu tiên vào năm 2016, là một bệnh nhân nữ (sinh năm 1994) nhập viện trong tình trạng yếu tay chân phải và mù mắt trái sau khi bị tiêm thẳng chất làm đầy vào vùng cạnh mũi.
Khảo sát MRI não cho thấy hình ảnh một chuỗi rất nhiều cục máu đông gây tắc nhiều mạch máu nhỏ tại vùng ráp ranh bán cầu trái. Sau đó chuyển dạng gây xuất huyết não. Kích thước phân tử của acid hyaluronic (chất làm đầy) khoảng 400µm, do vậy có thể dễ dàng làm tắc nghẽn động mạch võng mạc có đường kính nhỏ hơn (160µm).
"Bệnh nhân này sau một thời gian điều trị, chức năng vận động được cải thiện đáng kể, còn mắt mù vĩnh viễn" - bác sĩ Thắng nói.
"Đường đi" của chất làm đầy ra sao?
Các ca biến chứng này, theo bác sĩ Thắng, có thể chất làm đầy đã bị tiêm thẳng vào các mạch máu. Khi lọt vào lòng mạch máu, chất này có thể gây thuyên tắc động mạch võng mạc (gây mù mắt vĩnh viễn) hoặc thuyên tắc động mạch não (gây nhồi máu não).
Gần đây, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo về các biến chứng này và chỉ chấp thuận cho chỉ định tiêm các chất làm đầy đối với các trường hợp xóa nhăn phần mặt dưới (vùng quanh môi).
Theo bác sĩ Thắng, trong số các loại chất làm đầy, khoảng 80% các trường hợp được sử dụng là acid hyaluronic, là một phân tử đường lớn (polysaccharide) có khả năng giữ một lượng nước khá lớn (gấp 500-1.000 lần so với trọng lượng của nó). "Đó cũng chính là lý do các chị em đặc biệt ưa chuộng, một khi đã lâm vào tình trạng... mất nước" - ông ví von.
Vấn đề là làm sao phân tử của acid hyaluronic có thể vào được hệ thống động mạch khi chỉ được tiêm dưới da?
Theo bác sĩ Thắng, gần đây người ta nhận thấy các phân tử acid hyaluronic có khả năng thẩm thấu qua da và cả mạch máu. Tuy nhiên, khả năng các phân tử cực nhỏ này có thể gây thuyên tắc động mạch võng mạc hoặc động mạch mắt là rất khó xảy ra.
Như vậy, việc tiêm thẳng vào động mạch vùng cạnh mũi là khả năng cao nhất. Cụ thể, sau khi tiêm chất làm đầy vào động mạch mũi bên, các phân tử acid hyaluronic sẽ di chuyển ngược dòng về gây thuyên tắc động mạch võng mạch trung tâm.
Một số các phân tử có kích thước nhỏ hơn sẽ tiếp tục di chuyển về động mạch mắt, qua động mạch cảnh trong bên trái vào gây thuyên tắc tại các động mạch vùng vỏ não tận cùng.
Sau khi gây thuyên tắc, các phân tử acid hyaluronic có thể gây viêm mạch máu tại chỗ và gây xuất huyết não thứ phát sau đó.
Đa phần là phụ nữ trẻ tuổi tiêm chất làm đầy
Theo bác sĩ Thắng, tiêm chất làm đầy làm căng da mặt (Dermal filler injection) là kỹ thuật thường được sử dụng trong thẩm mỹ để xóa các nếp nhăn. Tuy nhiên, gần đây khá nhiều các biến chứng nguy hiểm (đột quỵ, mù mắt) liên quan đến kỹ thuật này được báo cáo.
"Đặc điểm chung các ca làm đầy gặp biến chứng lại là người rất trẻ tuổi và sau khi xảy ra sự cố thường được giải quyết thỏa thuận nhanh chóng nên ít ca được ghi nhận" - bác sĩ Thắng nói.
TTO - Người phụ nữ ở Phú Thọ thực hiện tiêm chất làm đầy (filler) xóa rãnh mũi tại một salon tóc tại Hà Nội. Quá trình làm đẹp xảy ra sự cố gãy kim tiêm, toàn bộ kim tiêm nằm trong má khách hàng.