Tên lửa Zhuque-2 (ZQ-2) hôm 12/7 đã cất cánh từ Trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan ở tỉnh Cam Túc và đi vào quỹ đạo được chỉ định. Tên lửa mang methane - oxy lỏng là một loại tên lửa sử dụng methane (khí metan) làm nhiên liệu và oxy lỏng (oxygen ở dạng lỏng) làm chất oxy hỗ trợ cho quá trình đốt cháy nhiên liệu. Với việc có công ty tư nhân đầu tiên trên thế giới phóng thành công loại tên lửa này, Trung Quốc tạo đột phá đối với dòng tên lửa đẩy dùng chất lỏng chi phí thấp.
LandSpace Technology là một startup hàng không vũ trụ mới 8 tuổi của Trung Quốc. Sau lần đầu thất bại cách đây bảy tháng, đây là lần phóng thứ hai của công ty này.
Zhang Changwu, Chủ tịch kiêm CEO LandSpace đã phải đối mặt với áp lực tài chính và kinh doanh ngày càng lớn trước thành công của ZQ-2. Ông cho biết nếu lần phóng thử thứ ba của ZQ-2 thành công, công ty sẽ có thể cung cấp 3 đến 4 tên lửa ra thị trường từ năm tới và tăng gấp đôi sản lượng 3 năm liền.
Từ trước đến nay, thế giới đã háo hức chờ xem liệu Trung Quốc sẽ có một SpaceX cho riêng mình. Kể từ năm 2015, một nhóm các nhà khoa học hàng không vũ trụ từng làm việc cho các công ty nhà nước đã bắt tay vào các dự án kinh doanh nhằm bắt kịp SpaceX.
Thành lập năm 2002, SpaceX là công ty hàng không vũ trụ tư nhân sáng lập bởi tỷ phú Elon Musk. Đến tháng 7, công ty được định giá 150 tỷ USD, theo CNBC. Đây là công ty tiên phong trong lĩnh vực tái sử dụng tên lửa, và tổ chức chuyến bay lần đầu tiên đưa một phi hành đoàn tư nhân lên trạm vũ trụ quốc tế ISS.
SpaceX còn cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh Starlink. Để mở rộng dịch vụ này, 6 tháng đầu năm nay, SpaceX đã đưa hơn 1.000 vệ tinh lên quỹ đạo. Hãng hiện chiếm hơn 60% số vệ tinh được phóng trên toàn thế giới, theo dữ liệu từ nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell thuộc Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, Mỹ.
Đối với ngành hàng không vũ trụ tư nhân, năm 2023 cũng là một bước ngoặt. Các công ty tư nhân chế tạo và phóng vệ tinh bắt đầu xuất hiện. Định giá của một số đơn vị hàng đầu lên tới 10 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD).
Xiong Weiming, Đại diện quỹ China Growth Capital, cho biết ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc cần các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là trước sự cạnh tranh từ Mỹ. Sự tăng trưởng của ngành này được xem là cơ hội cho các công ty tư nhân.
Địa chính trị là yếu tố then chốt trong sự phát triển công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc. Do các khe quỹ đạo và dải tần hạn chế, cuộc cạnh tranh giành quỹ đạo thấp của Trái đất đang diễn ra giữa các quốc gia khác nhau. Vào tháng 9/2020, Trung Quốc đệ trình kế hoạch "China SatNet (Guowang)", bao gồm 12.992 vệ tinh cho Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Họ lên kế hoạch hoàn thành lần phóng đầu tiên năm nay, mục tiêu hình thành mạng lưới 300 vệ tinh vào 2030.
Để có thể hoàn thành mục tiêu quốc gia, thị trường hàng không vũ trụ tư nhân được sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ. Theo Viện Nghiên cứu Công nghiệp Forward, quy mô của ngành hàng không vũ trụ tư nhân Trung Quốc đã tăng từ 376,4 tỷ nhân dân tệ (52,4 tỷ USD) năm 2015 lên 836,2 tỷ nhân dân tệ (116,5 tỷ USD) năm 2019, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là hơn 22%. Quy mô dự kiến vượt 2.400 tỷ nhân dân tệ (334 tỷ USD) vào 2024.
Năm 2018 đánh dấu sự bùng nổ của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ tư nhân Trung Quốc, với ít nhất 15 công ty tiết lộ ít nhất 17 thỏa thuận tài chính, với tổng số tiền huy động vượt 2 tỷ nhân dân tệ.
Tuy nhiên, đầu tư giảm trong thời kỳ đại dịch và các công ty hàng không vũ trụ mong muốn niêm yết đạt được rất ít tiến bộ. Một nhà đầu tư từ CDH Investments, cho biết toàn bộ ngành phải đối mặt với việc định giá quá cao và những khó khăn tài chính sau đó do không đủ doanh thu và lợi nhuận.
Hiện ngành này đang trải qua giai đoạn hạ nhiệt sau một thời gian sốt đầu tư, giúp các công ty có thời gian phân bổ đầu tư và cải tiến công nghệ, theo Liu Shang, chuyên gia của CDH Investments. Liu Chang, Phó chủ tịch công ty vệ tinh GalaxySpace, cho biết hiện có hơn 7.000 vệ tinh trên quỹ đạo và 700 là của Trung Quốc. Điều này cho thấy số vệ tinh của Trung Quốc còn ít, sẽ là cơ hội lớn, theo Liu. Ngoài ra, việc xây dựng internet vệ tinh của Trung Quốc đang tăng tốc, hứa hẹn một thị trường khổng lồ.
Chính phủ hậu thuẫn
Tháng 10/2015, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đề xuất kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng không gian do nhà nước sở hữu. Kế hoạch này có hỗ trợ và hướng dẫn sự tham gia của nguồn vốn tư nhân. Tám năm qua, một nhóm các công ty tên lửa tư nhân như LandSpace, i-Space và Galactic Energy đã xuất hiện. Trong khi các công ty vệ tinh như Chang Guang Satellite, Spacety, Minospace, GalaxySpace đang dẫn đầu thị trường.
Các công ty lớn đã trải qua nhiều vòng cấp vốn. Theo bảng xếp hạng từ New Fortune năm 2022, Chang Guang Satellite, GalaxySpace, LandSpace và Geespace đều đạt mức định giá hơn 10 tỷ nhân dân tệ. Đến cuối năm 2022, CAS Space, OneSpace và China Long March Rocket đều có định giá 6,7 tỷ nhân dân tệ.
Tuy nhiên, tên lửa tư nhân còn chiếm thị phần nhỏ. Theo dữ liệu từ Huatai Securities, đã có 84 vụ phóng tên lửa thương mại ở Trung Quốc từ năm 2015 đến 2021. Trong đó nhà nước chiếm 77 vụ, tương đương 91,7%. Tại Mỹ, tất cả 95 vụ phóng tên lửa từ năm 2020 đến 2021 đều do doanh nghiệp tư nhân thực hiện.
Theo dữ liệu được công bố tại Hội nghị Phát triển Hàng không Vũ trụ Thương mại Trung Quốc mới đây, năm ngoái, đầu tư vào vệ tinh chiếm 22% và tên lửa chiếm 32% trong ngành hàng không vũ trụ. Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất tên lửa, vốn có chu kỳ nghiên cứu dài hơn, phụ thuộc rất nhiều vào tài chính.
Các công ty tên lửa tư nhân còn phải đối mặt với tình trạng thiếu địa điểm phóng. Hầu hết tên lửa nhiên liệu rắn nhỏ của các công ty tư nhân đều có thể được phóng trên bệ xi măng. Tuy nhiên, các tên lửa nhiên liệu lỏng lớn dựa vào các tháp cố định để phóng. Tháng 6/2022, Trung Quốc quyết định xây dựng một bãi phóng tên lửa mới ở tỉnh Hải Nam dành riêng cho các vụ phóng tên lửa tư nhân.
Dự án dự kiến hoàn thành cuối năm nay, được sử dụng cho các vụ phóng vào quý II/2024. Trung tâm Phóng vệ tinh Jiuquan cũng đang lên kế hoạch dành khu vực riêng cho phóng tên lửa tư nhân. Một số công ty hàng đầu cũng đã được phê duyệt để xây dựng các bãi phóng riêng.
Song song đó, các quy định về phát triển hàng không vũ trụ thương mại đang được tiến hành. Trung Quốc ban hành một số chính sách khuyến khích vốn tư nhân tham gia vào ngành hàng không vũ trụ. Tuy nhiên, vẫn cần có chính sách hỗ trợ chi tiết hơn cho các vấn đề như quản lý tài sản hàng không vũ trụ, quản lý an toàn sản xuất, tài chính và cơ cấu công nghiệp.
Cuộc chiến internet vệ tinh
Internet vệ tinh quỹ đạo trái đất thấp (LEO) là tâm điểm cạnh tranh toàn cầu. Các nhà sản xuất chính của vệ tinh LEO bao gồm Iridium Communications, SpaceX, Globalstar, Telesat và OneWeb Satellites. Hiện năm công ty hàng đầu chiếm 95% thị trường internet vệ tinh toàn cầu. Bắc Mỹ là thị trường lớn nhất với 74%, tiếp theo là châu Âu với 19% và Trung Quốc 3%.
Tháng 4/2020, Trung Quốc đưa Internet vệ tinh vào kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mạng truyền thông mới. Đúng một năm sau, Tập đoàn Mạng Vệ tinh Trung Quốc (SatNet) được thành lập để điều phối và lập kế hoạch phát triển mạng Internet vệ tinh của Trung Quốc. Tháng 2, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin nước này đã đưa thiết bị Internet vệ tinh vào giấy phép truy cập mạng, hỗ trợ sự phát triển của mạng vệ tinh LEO.
Với hướng dẫn chính sách rõ ràng, nhiều doanh nhân trong ngành cho biết họ nghĩ rằng kế hoạch sẽ mang lại cơ hội cho các công ty tên lửa tư nhân. GalaxySpace đã nhận được đơn đặt hàng từ SatNet. Giám đốc điều hành của một công ty tên lửa hàng đầu Trung Quốc cho biết một phần ba thị trường phóng tên lửa hiện tại có thể được phân bổ cho các công ty tư nhân, đủ để hai hoặc ba công ty lớn cùng chia sẻ. Trong tương lai, sự phát triển của SatNet sẽ tiếp tục mở rộng thị trường. CDH Investments còn cho rằng ngành nên mở rộng ra quốc tế sang lĩnh vực vệ tinh cho các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Các công ty tên lửa Trung Quốc phải đối diện với hai con đường công nghệ. Tên lửa nhiên liệu rắn tương đối dễ chế tạo hơn, khiến chúng trở thành lựa chọn hàng đầu của các công ty hàng không vũ trụ tư nhân và startup. Lựa chọn này mang lại con đường an toàn và ổn định. Trong khi, việc chọn tên lửa nhiên liệu lỏng rủi ro cao hơn và cần sức mạnh tài chính lớn.
Tuy nhiên, tên lửa nhiên liệu lỏng có lợi thế về chi phí, mức tiêu thụ nhiên liệu và khả năng tái sử dụng. Hầu hết tên lửa nhiên liệu lỏng đều sử dụng dầu hỏa hoặc khí mê-tan. Các nhà khoa học nói rằng tên lửa methane - oxy lỏng có hàm lượng carbon thấp hơn, hợp với tiêu chí giảm phát thải. Nó còn có tiềm năng sản xuất trong môi trường ngoài trái đất.
Phiên An (theo Caixin)