Sau 3 tháng đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã bị ngập úng cục bộ vào rạng sáng 29.7 (khai thác ngày 28.4). Việc tuyến cao tốc này bị ngập úng sau một trận mưa, bộc lộ nhiều hạn chế, sai sót trong tư vấn, thiết kế và cả trong quá trình thi công.
Tư vấn thiết kế có vấn đề
Tại cuộc họp chiều 31.7 với đại diện chủ đầu tư tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cùng các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát công trình, ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT Bình Thuận, đặt ra nhiều câu hỏi đối với Ban QLDA giao thông 7 (Ban 7 - chủ đầu tư) và các bên liên quan. Theo ông Thanh, ngoài nguyên nhân "do mưa lớn, nước rút không kịp, tràn ngược vào cao tốc", thì còn có nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là vị trí ngập có đoạn đường trũng xuống (võng như lòng chảo).
Ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban điều hành Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khẳng định tại cuộc họp, nguyên nhân ngập là do "xung đột các dòng chảy từ 3 hướng đổ vào cao tốc, trong đó có cả hồ thủy lợi Sông Phan xả với cao trình 90 m3/s". Tuy nhiên, ông Đặng Hùng Thái cũng thừa nhận: "Về lâu dài, phải khảo sát lại địa hình thủy văn, lên mô hình, đánh giá thực trạng bền vững".
Trong khi đó, theo một cán bộ kỹ thuật thuộc Sở GTVT Bình Thuận thì điều này có nghĩa là khâu tư vấn thiết kế quãng đường ngập này "có vấn đề".
Nâng cao mặt đường cao tốc có phải là giải pháp duy nhất ?
Cũng tại cuộc họp chiều 31.7, một cán bộ đại diện tư vấn thiết kế cho toàn dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nêu giải pháp: "Trước mắt là phải khơi thông dòng chảy kênh rạch phía ngoài dự án. Nhưng nếu vẫn còn ngập thì phải tính đến việc nâng cốt mặt đường cao lên".
"Khi thiết kế, họ chưa tính đến hoặc tính toán sai lưu vực sông Phan, thông số lượng mưa trung bình, đỉnh lũ cao nhất trong cả khu vực rộng lớn mà chỉ dựa vào phạm vi hẹp. Đây có thể là nguyên nhân chính dẫn đến họ thiết kế mặt đường thấp ở vị trí này", một kỹ sư giao thông ở Bình Thuận đưa ra giả thiết.
Theo tính toán của cán bộ này thì ít nhất nền đường chỗ này phải nâng cao lên 1,5 m vì đoạn ngập sâu nhất hôm 29.7 là khoảng 1 m. Và theo kỹ sư này nhận định: "Nâng cao mặt đường là giải pháp căn cơ nhất phải tính đến lúc này".
Cũng theo đại diện tư vấn thiết kế gói thầu dự án (nơi bị ngập), các thông số về lũ lưu vực sông Phan được áp dụng cho đỉnh lũ vào năm 1992. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Hoan, Chủ tịch UBND xã Sông Phan (H.Hàm Tân) cho rằng con số đỉnh lũ năm 1992 chưa phải là cao nhất, mà phải áp dụng đỉnh lũ cao nhất là năm 1999.
Còn theo đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, thời điểm ngập úng, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thì hồ thủy lợi sông Phan chỉ tự chảy cửa tràn với lưu lượng 90 m3/s. Nếu như đạt cao trình thì hồ thủy lợi này sẽ xả lũ với lưu lượng 600 m3/s thì cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ còn ngập sâu hơn nữa.
Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, hôm nay (3.8) lãnh đạo Bộ GTVT sẽ vào Bình Thuận để họp với các đơn vị liên quan và các chuyên gia giao thông đánh giá lại một lần nữa nguyên nhân gây ngập đường cao tốc. Từ đó, các chuyên gia sẽ đưa ra các phương án chống ngập bền vững cho cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Trước đó, ngày 2.8, chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã mời một số chuyên gia đi khảo sát lại vị trí ngập và các lưu vực của sông Phan nhằm tìm ra nguyên nhân cơ bản để tham mưu cho chủ đầu tư báo cáo Bộ GTVT có giải pháp chỉ đạo khắc phục, không để tái diễn tình trạng ngập cao tốc, gây mất an toàn cho phương tiện tham gia giao thông.