vĐồng tin tức tài chính 365

Đồng Tháp đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp để níu chân du khách

2023-08-03 14:49

Sức hút từ du lịch nông nghiệp Đồng Tháp

Mặc dù chỉ mới đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp từ khoảng năm 2016, nhưng những năm gần đây, mô hình du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp đã tạo được sức hút mạnh đối với khách du lịch nội địa và quốc tế.

Kinh tế & Đô thị dẫn số liệu báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, các điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đón và phục vụ 645 ngàn lượt khách, tổng thu đạt 85 tỷ đồng. Tổng số lượt khách đến Đồng Tháp đạt 2,5 triệu lượt khách, doanh thu 1. 100 tỷ đồng.

Tính đến nay, Đồng Tháp đã phát triển được 65 điểm tham quan du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đi vào hoạt động phục vụ khách tham quan trải nghiệm khá hiệu quả. Ngoài ra, còn hơn 40 điểm du lịch cộng đồng đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để có thể hoàn thành, đưa vào khai thác trong thời gian tới. Từ năm 2016-2022 các điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đón tiếp và phục vụ hơn 4,3 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 519 tỷ đồng.

Cụ thể các loại hình du lịch nông nghiệp được phát triển mạnh như: trải nghiệm chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen. Tham quan, thưởng ngoạn vườn cam, quýt. Các mô hình Làng du lịch du lịch sinh thái - ẩm thực; du lịch trải nghiệm - giáo dục và du lịch sinh thái, trải nghiệm - nghỉ dưỡng. Mô hình du lịch cộng đồng là một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế đến tham quan.

Việc phát triển nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng của Đồng Tháp phải kể đến các địa phương như: Tp.Sa Đéc, Tp.Cao Lãnh, các huyện: Tháp Mười, Lai Vung, Cao Lãnh...

Theo Báo Tin Tức, huyện Lai Vung đang phát triển hiệu quả các mô hình du lịch nông nghiệp tham quan vườn cây ăn trái như: trải nghiệm vườn quýt hồng, cam xoàn, thanh long, mận... Từ năm 2016 - 2021, các điểm tham quan nơi đây đã đón tiếp và phục vụ 189.000 lượt khách; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 60 tỷ đồng.

Vùng trồng hoa kiểng Sa Đéc (Tp.Sa Đéc) đã phát triển 18 điểm tham quan, trải nghiệm du lịch nông nghiệp; trong đó có 12 điểm đang khai thác hiệu quả như: Happyland Hùng Thy, Vườn kiểng Ngọc Lan, Khu Du lịch hoa kiểng Sa Đéc, Cánh đồng hoa Hồng Sa Đéc, Vườn hồng Tư Tôn, Vườn hoa và Nghỉ dưỡng Sa Nhiên. Địa phương có 4 điểm du lịch nông nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao như: Homestay Ngôi nhà Hoa và Ếch, Vườn kiểng Ngọc lan, Happyland Hùng Thy, Sa Nhiên Garden... Đây là các điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế đến tham quan và thưởng ngoạn. Đến đây, du khách còn được nghe các nghệ nhân, tình nguyện viên giới thiệu đặc điểm, xuất xứ, ý nghĩa và giá trị tinh thần, kinh tế của từng loại hoa kiểng. Năm 2016 - 2022, các điểm tham quan trên địa bàn Tp.Sa Đéc đã đón và phục vụ hơn 3,6 triệu lượt khách; trong đó có 150.000 khách du lịch quốc tế. Doanh thu trên 115 tỷ đồng.

Ở huyện Lấp Vò, mô hình du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến tại Trang trại nông sản Đồng Tháp AQUA của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông sản Đồng Tháp AQUA rộng 1,3 ha đang phát huy hiệu quả. Tại đây, khu vực nuôi cá đặc sản nước ngọt và trồng các loại rau ăn lá, quả kết hợp với các dịch hấp dẫn du khách.

Kinh tế - Đồng Tháp đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp để níu chân du khách

Các em học sinh tham quan trải nghiệm tại vườn xoài xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh. Ảnh: Báo Đồng Tháp

Chia sẻ với báo Đồng Tháp, nhà vườn Trần Phú Hậu ngụ xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tâm sự: “Gia đình tôi mới chính thức đón khách du lịch đến tham quan vườn xoài từ năm 2022, nhưng tôi nhận thấy phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đang trở thành xu thế. Thời gian gần đây, tâm lý khách du lịch thích trở lại với cuộc sống làng quê yên bình, khám phá trải nghiệm cuộc sống văn hóa bản địa của người dân địa phương. Khi đến tham quan tại Làng du lịch Mỹ Xương, nhiều du khách bày tỏ thích thú với mô hình du lịch nông nghiệp xanh của nhà vườn xã Mỹ Xương chúng tôi. Tại đây, du khách không chỉ được trải nghiệm cuộc sống làm nông dân thật mà còn có thể trực tiếp thưởng thức những loại nông sản, trái cây thơm ngon ngay tại vườn...”.

Theo Báo Tin Tức, mô hình du lịch nông nghiệp ở Đồng Tháp đang góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quảng bá vùng đất, con người Đồng Tháp. Đồng thời, mô hình này tạo điều kiện hỗ trợ các điểm du lịch mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình kinh tế nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp.

Khắc phục hạn chế, nâng tầm sản phẩm du lịch nông nghiệp

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp vẫn còn nhiều hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng của loại hình du lịch nông nghiệp của tỉnh mặc dù khá cao nhưng chủ yếu quy mô nhỏ; Sản phẩm du lịch nông nghiệp còn giản đơn, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách; các doanh nghiệp du lịch còn lúng túng trong khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh, đa dạng sản phẩm du lịch nông nghiệp để hấp dẫn du khách, thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông nghiệp.

Bên cạnh đó, phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp; Tính cộng đồng, đoàn kết của các hộ dân làm du lịch vẫn chưa cao, đôi lúc còn xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh cũng làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn yếu; chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư về du lịch; liên kết giữa các doanh nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; tính chuyên nghiệp của các sản phẩm du lịch còn chưa cao; chưa giữ chân được khách du lịch qua đêm khi đến tham quan tại tỉnh cũng là một trong những điểm đòi hỏi ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp phải đẩy mạnh khắc phục.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, tỉnh đã tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh của địa phương. Phấn đấu đến năm 2025, ngành du lịch đóng góp từ 5,0% – 6,0% trong tổng giá trị GRDP; thu hút 5 triệu lượt khách, tăng bình quân 11,11%/năm; tổng thu du lịch đạt 2.100 tỷ đồng, tăng bình quân 5%/năm. Giải quyết việc làm cho 15.000 lao động. Trong năm 2023, tỉnh ước đón khoảng 3,8 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt khoảng 1.800 tỷ đồng.

Hiện tại, tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện các biện pháp phát triển du lịch như: Hoàn thiện hệ thống tin dữ liệu ngành du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Hoàn thiện cơ chế chính sách, năng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch; Phát triển hạ tầng giao thông và sản phẩm du lịch đặc trưng; Phát triển hạ tầng giao thông và sản phẩm du lịch đặc trưng; Bảo vệ môi trường du lịch, an ninh, an toàn, thân thiện và văn minh; Tăng cường chuyển đổi số…

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian tới, tỉnh tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, tiếp tục tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các ngành, các cấp và người dân xem du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP, kết nối và xây dựng các tour tuyến du lịch nông thôn, phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao như: sản phẩm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề, du lịch văn hóa lịch sử (Đình làng – Nhà cổ) kết hợp Lễ hội, du lịch ẩm thực Sen kết hợp mua sắm, du lịch chăm sóc sức khỏe.

Tham gia chia sẻ với Đồng Tháp tại hội thảo “Nâng tầm vị thế phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp”, chuyên gia du lịch Ngô Quốc Khang - Cố vấn Hiệp hội Phát triển nông trại du lịch Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, triết lý phát triển du lịch nông nghiệp của Đài Loan là trên nền nông nghiệp để làm du lịch. Đây là yếu tố hết sức phù hợp với giá trị và những gì đang có ở Việt Nam. Song, để có thể học hỏi và vận dụng hiệu quả, nông dân Đồng Tháp cần phải thay đổi tâm thế và tư duy trong phát triển ngành du lịch nông nghiệp. Trong đó, người nông dân cần chuyên nghiệp trong lĩnh vực sản xuất của mình, cần tạo ra những sản phẩm an toàn, gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để hướng đến sản xuất, chế biến tinh cho nông sản, tạo ra giá trị gia tăng nhiều cho nông sản. Đặc biệt, ông Khang nhấn mạnh, phát triển du lịch nông nghiệp là một hành trình cần có sự kiên trì. Do đó, người dân cần phải thay đổi và kiên trì mỗi ngày, cải tiến sản phẩm, dịch vụ nhằm vụ phục vụ ngày càng tốt hơn cho khách du lịch...
Theo báo Nhân Dân, cũng tại hội thảo, đại diện Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp.HCM cho rằng, chính quyền Đồng Tháp cần tạo chính sách hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư trang trại du lịch. Đi kèm với đó, chính quyền cần ban hành cơ chế riêng để thúc đẩy du lịch nông nghiệp phát triển.
Ngoài ra, có nhiều ý kiến nhận thấy, việc thu hút nhân lực trẻ quay trở về quê hương phát triển du lịch cũng là vấn đề cần quan tâm. Song song đó, cần phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú; tạo thương hiệu quốc gia cho xoài Đồng Tháp; xác định đối tượng phục vụ của loại hình du lịch nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, phát triển du lịch là một hành trình dài và dày công, do đó cần phải thực hiện bài bản. Người làm du lịch cần loại bỏ suy nghĩ tự hài lòng với chính mình. Phát triển du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho nông dân mà còn là lòng tự hào quảng bá hình ảnh quê hương, xứ sở.
“Thời gian tới, người làm du lịch cần chăm chút vào từng sản phẩm, không ngừng học hỏi và suy nghĩ để tạo sự bền vững trong phát triển du lịch”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn.

Minh Hoa (t/h)

Xem thêm: lmth.799916a-hcahk-ud-nahc-uin-ed-peihgn-gnon-hcil-ud-neirt-tahp-hnam-yad-paht-gnod/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đồng Tháp đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp để níu chân du khách”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools