Hiện có rất ít du khách chọn để di chuyển vào trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm bởi nguy cơ sạt lở đất đá từ núi xuống bất cứ lúc nào.
Sợ sạt lở, vừa đi vừa run
Qua phản ánh của người dân, ngày 3-8, Tuổi Trẻ Online đã đến đoạn đường trên ghi nhận thực tế. Tại đây, có nhiều vị trí đã sạt lở nhẹ và có nguy cơ sạt lở lớn hơn.
Anh Thanh (ở xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) thường đi qua tuyến đường ven biển này, nói: "Mỗi lần đi là vừa đi vừa run vì những khối đất, đất trên cao rất dễ sạt lở rơi xuống đường. Mùa mưa thì tôi và nhiều người không dám đi luôn".
Ông Lê Lúc - phó chủ tịch phụ trách UBND xã Phước Diêm (huyện Thuận Nam) - cho biết những năm gần đây, cứ vào mùa mưa, tuyến đường này thường xảy ra sạt lở đất, đá.
"Địa phương đã nhiều lần có ý kiến với các cấp, các ngành liên quan việc khảo sát và có giải pháp cụ thể để xử lý nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xử lý được nguy cơ sạt lở" - ông Lúc nói.
Cát bay, gia súc thả rông...
Cùng với nỗi lo sạt lở, nhiều người dân còn phản ánh tình trạng cát bay thường xuất hiện và tràn ra giữa đường khiến xe máy, ô tô đi vào dễ bạt tay lái.
Chị Nguyễn Thị Thanh Minh (du khách TP.HCM) nói: "Tôi đến Ninh Thuận chơi đã chọn tuyến đường ven biển Cà Ná để vào trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Khi đến đoạn đường qua Mũi Dinh (xã Phước Dinh, Thuận Nam) do gió lớn nên đã xảy ra tình trạng cát bay khiến tầm nhìn của tài xế bị hạn chế, rất dễ xảy ra tai nạn".
Trên dọc tuyến đường này, còn xuất hiện nhiều đàn gia súc thả rông đi thành đàn giữa đường, phóng uế bừa bãi, ăn phá cây xanh dọc hai bên đường và dải phân cách giữa đường.
Ông Lê Lúc cũng cho biết trước đây cây xanh, hoa cảnh được trồng khá đẹp giữa dải phân cách, tuy nhiên do một thời gian dài do gia súc cắn phá và chưa được chăm sóc nên chết khô. Một nguy cơ mất an toàn nữa là có nhiều trụ điện chân đế bằng sắt đã gỉ sét, dễ ngã đổ gây tai nạn.
Trao đổi về tuyến đường này, ông Nguyễn Văn Vinh - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Thuận - cho biết đường ven biển Cà Ná vào trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đưa vào sử dụng từ năm 2016. Toàn tuyến dài hơn 106km, điểm đầu tuyến giao với quốc lộ 1A tại xã Cà Ná (huyện Thuận Nam), điểm cuối tuyến giao với quốc lộ 1A tại xã Công Hải (huyện Thuận Bắc) tiếp giáp với tỉnh Khánh Hòa.
Dự án được chia làm 8 dự án thành phần. Trong đó, 7 dự án được bố trí bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và 1 dự án được bố trí bằng vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ.
"Khi tuyến đường hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2016, sở đã dùng kinh phí dự phòng của dự án rà soát xử lý mái taluy dễ bị sạt lở với tổng kinh phí khoảng 15 tỉ.
Các năm qua, vào mùa mưa, khi có tình trạng rơi các tảng đá xuống đường, sở đã xử lý nhanh trong ngày để đảm bảo đi lại thông suốt.
Hiện các trụ điện chân đế bằng sắt đã gỉ sét, xuống cấp, dễ ngã đổ đang tiến hành khắc phục. Vấn đề cát bay, cây xanh bị hư hại, gia súc thả rông... mà người dân phản ánh, sở sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan có phương án xử lý" - ông Vinh nói.
Trụ điện từng ngã làm bị thương người đi đường
Chiều 21-10-2020, trên đường ven biển Ninh Thuận, một trụ điện dài khoảng 6m, có chân đế bằng sắt đã gỉ sét, ngã đè trúng xe gắn máy đang đi trên đường.
Chiếc xe này do anh Lâm Thanh Ph. (ở thôn Thương Diêm 1, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam) điều khiển. Trên xe anh Ph. có chở mẹ và con trai nhỏ.
Vụ tai nạn khiến bà Trần Thị N. (mẹ anh Ph.) bị thương nặng, phải chở đi bệnh viện cấp cứu.
Những tấm ảnh chụp từ flycam về đồi sầu riêng nhiều hecta bị sạt lở làm ba cảnh sát giao thông và một người dân thiệt mạng trên đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng, đã đặt ra nhiều câu hỏi.