Báo The Economist đưa tin Ukraine đã phải sử dụng bom in 3D do họ tự sản xuất để đáp ứng nhu cầu chiến trường.
Một số nhóm sản xuất vũ khí nghiệp dư đang tham gia vào nhiệm vụ này. Họ sản xuất vỏ bom, sau đó các xưởng vũ khí của quân đội Ukraine sẽ nhồi thuốc nổ C4 vào.
Một nhóm trong số đó cho biết đã sản xuất hơn 30.000 vỏ bom in 3D chỉ có giá 3,85 USD/quả trong 4 tháng qua. Lãnh đạo của nhóm, được gọi là "Swat", khẳng định việc sản xuất đang phát triển tốt.
Một nhóm khác, chuyên sản xuất vỏ bom sát thương nặng 800 gam, cho biết họ đang sản xuất khoảng 1.000 quả/tuần, nhưng người sĩ quan Ukraine có vai trò liên lạc với nhóm đang muốn con số đó tăng lên 1.500 quả/ngày.
Lyosha, một nhà sản xuất vũ khí nghiệp dư có trụ sở tại Kiev, cho biết những quả bom này mang tên "Zaychyk" hoặc "Rabbit". Ông cũng mô tả chúng nhỏ hơn và tỏ ra hiệu quả hơn lựu đạn truyền thống về khả năng sát thương.
Một thành viên của nhóm tình nguyện Wild Bees, người Ba Lan, nói với tờ The Economist rằng việc chế tạo các bộ phận vỏ ngoài cho một quả bom cao 27cm bằng công nghệ in 3D cho giá thành chưa đến 3,85 USD/quả. Trong khi máy in 3D dùng để sản xuất các quả bom giá rẻ này có giá cũng rất rẻ... khoảng 1.200 USD.
Trưởng nhóm ở Latvia, Janis Ozols, cho rằng ít nhất 65.000 vỏ quả bom in 3D đã được vận chuyển từ các khu vực khác của châu Âu vào Ukraine kể từ tháng 11-2022, tuy nhiên hải quan Ukraine đã “nhắm mắt làm ngơ” cho qua. Thay vào đó, họ phân loại các lô hàng trên là đồ chơi trẻ em.
Ông Ozols cho biết thêm quân đội Ukraine đang sử dụng khoảng 200 quả bom in 3D với kích cỡ khác nhau.
Những quả bom in 3D lớn cũng đang được sử dụng ở Ukraine. Một quân nhân ở khu vực Donetsk phía đông Ukraine, nơi giao tranh đặc biệt dữ dội, cho biết những quả bom này nặng 5kg.
Theo báo Business Insider, những quả "bom kẹo" in 3D nặng 0,45kg có thể được sử dụng để chống lại các phương tiện bọc thép. Họ dùng máy bay không người lái (drone) thả chúng xuống xe tăng Nga. Những quả bom này có đồng và nhôm bên trong thuốc nổ, chúng sẽ biến thành những tia plasma nóng xuyên qua lớp áo giáp khi nổ.
Ngoài ra, Ukraine còn sử dụng các loại vũ khí tự chế khác, chẳng hạn như những chiếc xe bán tải đã được hoán cải để sử dụng làm bệ phóng chống tăng nhằm bù đắp sự thiếu hụt vũ khí và đạn dược.
Ukraine đã báo cáo tình trạng thiếu đạn dược quan trọng trong cuộc xung đột với Nga. Mỹ và châu Âu cho biết họ cũng đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu của Kiev.
Tuy nhiên, dự trữ chất nổ thô của Ukraine vẫn còn nhiều, giúp họ bổ sung bom in 3D vào cuộc chiến, theo báo The Economist.
Công nghệ in 3D là phương pháp sản xuất bồi đắp dựa trên thiết kế 3D của sản phẩm. Sản phẩm sẽ được thiết kế tạo hình 3D và dữ liệu của thiết kế này sẽ được đưa vào máy vi tính chuyển thành dữ liệu điều khiển máy in 3D. Máy in 3D sẽ kết nối với các vật liệu như sắt, thép, gỗ, xi măng... để tạo hình sản phẩm như thiết kế mong muốn. Đây là một kỹ thuật gia công tạo mẫu nhanh, nên giá thành rẻ.
Công nghệ in 3D ngày càng trở nên quan trọng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Theo trang Globe News Wire, quy mô thị trường máy in 3D toàn cầu được định giá 15,10 tỉ USD vào năm 2021 và lên 18,33 tỉ USD năm 2022.
Chính quyền Ukraine đã chi 800 triệu USD mua vũ khí nhưng vẫn chưa được giao đủ, dù đã thanh toán trước. Trong khi đó, nhiều vũ khí các nước "tặng" thì quá cũ hoặc bị hỏng hóc.