Trong 10 năm trở lại đây, cả nước đã có trên 630 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn. Sau cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã hoạt động hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách, tạo thêm công ăn việc cho người lao động.
Tuy nhiên cũng từ cổ phần hóa, nhiều khối tài sản khổng lồ của nhà nước là đất đai và tài sản trên đất, sau một hồi vòng vèo đã biến thành của tư nhân với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Câu chuyện về những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất công sau cổ phần hóa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một ví dụ.
Khu đất sản xuất, kinh doanh rộng gần 1.140 m2 thuộc phường 6, phường 9, TP Vũng Tàu, được giao cho Công ty Sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ phát triển nông thôn Decoimex - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Sau cổ phần hóa, doanh nghiệp thay vì đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, đã tự ý thực hiện phân lô, bán cho khách để xây dựng nhà ở dù chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Theo kết luận Thanh tra Chính phủ mới công bố, phần dự án khu nhà ở mở rộng tại kênh Bến Đình, TP Vũng Tàu của Công ty Decoimex với diện tích gần 4 ha, trong đó có 1,9 ha theo quy hoạch để xây dựng 93 biệt thự có nhiều sai phạm.
"Đối với phần diện tích này Sở Tài nguyên và Môi trường chưa thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng, vẫn là đất sản xuất kinh doanh", ông Lê Anh Tú, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết.
Sai phạm trong quản lý, sử dụng đất của Công ty Decoimex không dừng tại đó. Theo kết luận Thanh tra Chính phủ mới công bố, phần dự án khu nhà ở mở rộng tại kênh Bến Đình, TP Vũng Tàu của công ty với diện tích gần 4 ha, trong đó có 1,9 ha theo quy hoạch để xây dựng 93 biệt thự cũng có nhiều sai phạm.
Cụ thể, Decoimex đã ký hợp đồng góp vốn 91 lô đất biệt thự và khách hàng đã góp vào dự án trên 144 tỷ đồng. Tuy nhiên hơn 10 năm qua, công ty vẫn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về nộp tiền sử dụng đất với nhà nước, nhưng đã có hàng chục lô biệt thự đã được khách hàng hoàn thiện để ở.
"Tổng số tiền sử dụng đất mà công ty còn nợ ngân sách nhà nước là trên 236 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã nhiều lần ra các quyết định về cưỡng chế do việc công ty không nộp tiền thuế cho ngân sách nhà nước, trong đó có các biện pháp như cưỡng chế tài khoản ngân hàng, cưỡng chế hóa đơn", ông Trần Hiệp Hưng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay.
Đến nay, dù phương án điều chỉnh quy hoạch, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các phần đất này chưa được phê duyệt, nhưng do sự buông lỏng trách nhiệm quản lý, nên những ngôi nhà xây dựng không phép đã dễ dàng mọc lên ngay giữa thành phố.
Tiền thuế nợ đọng, khó thu hồi và những sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai của doanh nghiệp tại dự án này đã được chỉ ra, tuy nhiên với việc hiện hữu hàng loạt các công trình xây dựng sai phép, một phần nguyên nhân chính được chỉ ra đó là sự buông lỏng công tác quản lý về trật tự xây dựng của ngành xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua. Đây cũng chính là những thách thức lớn cho việc xử lý dứt điểm những sai phạm này trong giai đoạn tới.
Báo cáo kết quả Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy, tại địa phương này, tình trạng doanh nghiệp sau cổ phần hóa sử dụng đất không đúng quy định, để các dự án được giao đất không qua đấu giá diễn ra khá phổ biến.
"Chúng ta phải thực hiện nhanh việc rà soát, kiểm tra các tài sản công và nhất là đất đai. Chúng ta cần quyết liệt hơn trong công tác thu hồi, để tránh việc gây ra phản cảm trong hình ảnh của người dân đối với vấn đề quản lý nhà nước, với tài sản chung của đất nước, tài sản chung của nhân dân", ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Bỏ sót hàng nghìn tỷ đồng khi cổ phần hóa
Gần 2.340 tỷ đồng và 112.000 m2 đất là những con số mà các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương là: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) và Công ty TNHH Thực phẩm và Đầu tư (FOCOCEV)... đã tính thiếu trong quá trình cổ phần hóa, trong giai đoạn 2011 - 2017. Những con số thất thoát chỉ ở 4 tổng công ty cho thấy, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp đã có những lỗ hổng kinh tế, gây thiệt hại cho nhà nước.
Tại Viện Luyện kim đen, thuộc Tập đoàn thép Việt Nam, những thiết bị máy móc từng được coi là máy in tiền trong ngành luyện kim, nhưng sau nhiều năm dãi nắng dầm mưa, hiện giá trị chỉ như sắt vụn.
Sản xuất ngưng trệ, những khu nhà xưởng hàng nghìn m2 để hoang là điều không một ai mong muốn.
Để có được một khu nhà máy luyện kim, trước đây, nhà nước đã phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng, tuy nhiên hiện nay, nó đang bị bỏ hoang. Sự lãng phí này là hậu quả của việc thiếu sót trong quá trình cổ phần hóa tại Tổng công ty Thép Việt Nam.
Diện tích trên 7.800 m2 của Viện Luyện kim đen được Công ty Cổ phần Định giá và Dịch vụ Tài chính Việt Nam (VVFC) xác định thiếu trong quá trình cổ phần hóa. Đồng nghĩa với việc giá trị khu đất thời điểm đó là gần 125 tỷ đồng chưa được tính vào phần vốn nhà nước.
"Bây giờ giá cả thị trường như vậy, đất đai bị bỏ hoang rất là lãng phí", ông Trần Đình Khương, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Viện Luyện kim đen, cho biết.
Còn Tổng công ty Thép Việt Nam đã xác định không đúng tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của 127 máy móc thiết bị tại Công ty Thép miền Nam và Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ, nên xác định thiếu giá trị tài sản của 2 doanh nghiệp này gần 345 tỷ đồng khi cổ phần hóa.
"Chính việc khó xác định giá tài sản này dẫn đến có trường hợp doanh nghiệp có thể lạm dụng để định giá tài sản rẻ đi, dẫn đến những thất thoát nhất định", TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, nhận định.
Tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa chưa đối chiếu đầy đủ các khoản công nợ phải thu, phải trả lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, nên tính riêng số nợ phải thu, tổng công ty hỗ trợ cho 5 đơn vị thành viên vay vốn phải thu về cho phần vốn nhà nước hiện còn hơn 623 tỷ đồng.
Hàng trăm tỷ đồng tính thiếu trong quá trình cổ phần hóa cũng là câu chuyện xẩy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Công ty TNHH Thực phẩm và Đầu tư (FOCOCEV). Đặc biệt nhiều diện tích đất đai của FOCOCEV tại nhiều tỉnh, thành có dấu hiệu vi phạm trong việc sắp xếp, sử dụng sai quy định gây thiệt hại nghiêm trọng đang được cơ quan điều tra Bộ Công an giải quyết.
Hiện vẫn còn nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước nằm trong diện chậm cổ phần hóa theo kế hoạch. Vì vậy cơ chế giám sát quyền lực và chịu trách nhiệm trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp sẽ là vấn đề ưu tiên lúc này. Việc đề ra những giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả là rất cần thiết để ngăn chặn hành vi trục lợi, cũng như tránh thất thoát tài sản nhà nước như đã từng xảy ra.
VTV.vn - Buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm… là những lý do thường được đưa ra đối với sai phạm liên quan đến quản lý đất đai ở các địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.71440110230803202-aoh-nahp-oc-uas-iad-tad-taoht-taht/et-hnik/nv.vtv