Hơn 2 tuần qua, nhiều hộ dân ở 2 xã An Hiệp, An Đức của H.Ba Tri (Bến Tre) tụ tập, chặn các xe chở rác từ hướng TP.Bến Tre về bãi rác An Hiệp, phản đối việc tập kết rác tại đây vì gây ô nhiễm môi trường sống của họ.
Tại Long An, lượng rác tập kết về nhà máy xử lý rác duy nhất của tỉnh ở H.Thạnh Hóa đã đạt ngưỡng công suất, khoảng 300 tấn/ngày. Do đó, lượng rác tồn đọng từ nhiều năm qua khoảng hơn 30.000 tấn tại đây chưa được xử lý, khiến người dân bức xúc.
Tại Vĩnh Long, lượng rác thải toàn tỉnh khoảng 350 tấn/ngày, nhưng bãi rác Hòa Phú (xã Hòa Phú, H.Long Hồ) chỉ xử lý bằng cách chôn lấp. Mùa mưa, nước thải rỉ ra xung quanh, gây mùi hôi thối. Nhiều người bức xúc, gửi kiến nghị đến cơ quan chức năng.
Tại Trà Vinh, bãi rác thuộc xã Long Hiệp, H.Trà Cú có diện tích 1 ha, là nơi tập kết rác cho cả huyện, bốc mùi hôi, nước rỉ rác gây ảnh hưởng cuộc sống người dân.
Trong khi đó, các địa phương đang "đau đầu" với vấn đề xử lý rác thải. Theo ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Sở TN-MT Bến Tre, từ năm 2021 đến nay nhiều bãi rác khác của tỉnh quá tải nên dồn về bãi rác An Hiệp, người dân phản ứng là chính đáng.
Ông Nguyễn Tấn Thuấn, Phó giám đốc Sở TN-MT Long An, cho biết xử lý rác thải từ nhiều năm qua là vấn đề nhức nhối đối với chính quyền địa phương.
Ảnh hưởng cuộc sống, nguy hại sức khỏe
Đọc thông tin người dân ở H.Ba Tri (Bến Tre) chặn xe chở rác thải gây ô nhiễm, nhiều bạn đọc (BĐ) bày tỏ sự thông cảm với bức xúc của người trong cuộc. "Một xe chở rác chạy ngang nhà chỉ trong tích tắc mà còn cảm thấy mùi khó chịu. Huống chi nhà ở gần bãi rác thì còn kinh khủng hơn", BĐ Dân Dân chia sẻ.
Cùng cảm nhận, rằng "thùng rác trong nhà để một ngày là đã nặng mùi, nói gì bãi rác đọng hàng chục ngàn tấn trong nhiều năm", BĐ Suong Nguyen bổ sung: "Chuyện rác thải dồn ứ không riêng gì ở các tỉnh miền Tây mà còn thấy ở nhiều nơi khác. Vấn đề xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường hiện nay là rất khẩn thiết và căng thẳng".
"Lượng rác thải ngày càng tăng ở khắp nơi, vượt quá khả năng xử lý của các nhà máy. Những bãi rác cao như núi đâu chỉ bốc mùi hôi mà còn thải ra kim loại, nhựa, hóa chất. Mà những thứ độc hại hơn mùi hôi thối thì có thể âm thầm đi vào cơ thể con người, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe", BĐ Phan Xuân Hương nêu cảnh báo.
Cần chung sức để giảm ô nhiễm
Theo BĐ, để góp phần khắc phục tình trạng rác thải quá tải, cần sự chung sức của nhiều người, nhiều đơn vị liên quan. BĐ Lương Vũ cho rằng để bớt gánh nặng cho khâu xử lý rác thải, giảm tác động ô nhiễm môi trường, mỗi cá nhân có thể chủ động giảm thải ngay từ đầu: "Rác hữu cơ là nguyên ngân chính gây ra mùi hôi thối, nên các gia đình đừng để thức ăn thừa mứa, nếu dư thì tận dụng làm thức ăn cho heo, gà, đừng đổ bừa ra thùng rác. Bớt thải chút nào hay chút ấy".
Trong khi đó, BĐ Hai Lua nhìn nhận cần giảm thải rác vô cơ: "Hiện nay, chúng ta quá lạm dụng túi ni lông, hộp nhựa... vì chúng rất tiện dụng. Điều đó gây hệ lụy rất nghiêm trọng đến môi trường. Trong khi chờ giải pháp từ cơ quan chức năng, chúng ta hãy giảm sử dụng túi ni lông, chai nhựa hằng ngày, ít nhất mỗi ngày cũng bớt được kha khá vật liệu nhựa".
BĐ cũng kiến nghị các cơ quan chức năng sớm tìm cách tháo gỡ vấn đề nhức nhối này. BĐ Ledat nêu quan điểm: "Các địa phương cần mở bãi chôn lấp rác ở nơi xa khu dân cư, có tường bao không để nước rác rỉ ra xung quanh. Sau đó, phải xây dựng thêm nhà máy xử lý rác vì không thể đem rác đi chôn lấp mãi được".
"Ngoài những nỗ lực của các địa phương, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, thậm chí dùng biện pháp đã thí điểm mà một số nơi làm được: Phân loại rác thải tại nguồn là quan trọng nhất, sử dụng bao bì thân thiện môi trường, không xả rác bừa bãi, rác được thu gom theo quy định. Mặt khác, các doanh nghiệp chuyên ngành cần có sự hỗ trợ từ nhà nước trong việc tiếp tục nghiên cứu, đầu tư, để sản xuất các loại bao bì giấy, bao bì chất liệu dễ tiêu hủy. Các cấp chính quyền phải thực sự quan tâm, vận động, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện những việc trên", BĐ Trịnh Cường đề đạt.
Do không phân loại rác tại nguồn nên xe rác thu gom trộn lẫn, rác hữu cơ mới gây hôi thối do phân hủy. Hãy học người Nhật cách phân loại rác, bọc ni lông bắt buộc phải rửa sạch phơi khô mới được bỏ vào thùng rác. Nếu rác hữu cơ để riêng thì sẽ xử lý được hết.
Trường Mai
Đánh thuế chai nhựa, bao ni lông, hộp xốp… 300% để tiến tới việc các siêu thị không phát túi ni lông miễn phí cho khách hàng. Tiền thuế thu được đó bù qua xây dựng thêm nhà máy xử lý rác.
Quang Nguyen
lNhà nước nên đầu tư nhà máy xử lý rác thải. Đối với người dân, khi bỏ rác nên phân loại rác từ ban đầu
hoang2 Laiquang