Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 3/8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã thông tin về kết quả triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.
Theo đó, thời gian qua Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp” và triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc triển khai thực hiện Đề án này. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có nhiều văn bản hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng và triển khai thực hiện Chương trình.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Xây dựng tại Hội nghị cho thấy, tiến độ triển khai Chương trình còn chậm, số dự án tiếp cận được tín dụng ưu đãi còn thấp.
Cụ thể, Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay, theo tổng hợp, báo cáo của các địa phương, đến nay, đã có 11 UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương công bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với tổng vốn đầu tư là 31.673,1 tỷ đồng.
"Nhu cầu vay vốn là 12.442,78 tỷ đồng, đạt khoảng 10,4% số vốn giải ngân trong gói 120.000 tỷ", Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói về kết quả triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng |
Cụ thể, Trà Vinh có 2 dự án, tổng mức đầu tư là 1.492 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 420 tỷ đồng; Tây Ninh có 1 dự án, tổng vốn đầu tư là 1.776,6 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 500 tỷ đồng; Hà Tĩnh có 1 dự án, tổng vốn đầu tư là 357 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 35,25 tỷ đồng; Bình Dương có 4 dự án, tổng vốn đầu tư là 2.326 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 1.181 tỷ đồng; Bà Rịa – Vũng Tàu có 1 dự án, tổng mức đầu tư là 200,5 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 150 tỷ đồng;
Đà Nẵng có 3 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 2.046 tỷ, nhu cầu vay vốn khoảng 545.6 tỷ đồng; An Giang có 2 dự án, tổng vốn đầu tư là 3.351 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 2.551 tỷ đồng; Bắc Giang có 1 dự án, tổng mức đầu tư là 2.299 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 1.838,6 tỷ đồng; Kiên Giang có 2 dự án, tổng vốn đầu tư là 2.991 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 1.699 tỷ đồng; Bắc Ninh có 6 dự án, tổng mức đầu tư là 14.533 tỷ, nhu cầu vay vốn là 3.381,33 tỷ đồng; Hậu Giang có 1 dự án, tổng vốn đầu tư là 301 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 141 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, qua nắm bắt tình hình triển khai tại các địa phương, hiện có khoảng 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng (thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ đồng).
Hiện nay Sở Xây dựng trên địa bàn cả nước đang rà soát hồ sơ, lập danh mục các dự án đủ điều kiện trình UBND cấp tỉnh xem xét công bố danh mục, theo Thứ trưởng.
Nói về tín dụng bất động sản nói chung, tín dụng dành cho gói 120.000 tỷ đồng nói riêng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho hay, triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động, kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai đồng bộ, tối ưu các công cụ và giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú |
Về điều hành lãi suất, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành của NHNN trong 6 tháng đầu năm với mức giảm 0,5-2,0%/năm cho các loại trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục tăng cao và neo ở mức cao; điều đó tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.
NHNN đã cùng với các ngân hàng thương mại cũng đã trao đổi cũng như tìm nhiều giải pháp để giảm chi phí và các ngân hàng thương mại cũng đã giảm lãi suất, đến nay, mức lãi suất trung bình giảm của ngân hàng thương mại giảm từ 1,5 – 2% tùy theo từng loại. Nhiều ngân hàng có những khoản vay ưu tiên, ưu đãi.
Về triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng, đến nay, có 9 UBND tỉnh gửi văn bản công bố danh mục dự án tham gia Chương trình tới NHNN với 23 dự án và 01 UBND tỉnh công bố trên Cổng thông tin điện tử (Phú Thọ) với 03 dự án; tổng nhu cầu vay vốn của 26 dự án này là khoảng 12,8 nghìn tỷ đồng.
Ngày 16/6/2023, BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 1 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ tham gia chương trình với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỷ đồng và đã giải ngân 20,5 tỷ đồng.
Agribank cũng đã cấp tín dụng đối với 01 dự án với số tiền cam kết cấp tín dụng là 950 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong quý III. Đồng thời hiện nay, các ngân hàng thương mại đang chủ động tiếp cận với khoảng 16 dự án thuộc danh mục được công bố.
Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản chiều 3/8. |
"Quan điểm của NHNN là bám sát các chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ, hướng đến việc hỗ trợ cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững theo hướng phục vụ đa số người dân, đặc biệt là người có nhu cầu nhà ở thực, hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá, trục lợi", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Đồng thời ông kiến nghị, đề xuất UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư, trong đó, các dự án được công bố phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1551/BXD-QLN cả về nội dung và hình thức công bố tránh tình trạng như thời gian qua công bố dự án rất nhiều nhưng tỉ lệ giải ngân lại chưa được nhiều.
Trên cơ sở đó, NHNN đề nghị Bộ Xây dựng tổng hợp, thông báo danh mục những dự án đủ điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại tra cứu, xem xét cho vay theo đúng quy định (trên cơ sở danh mục do UBND tỉnh công bố).
Đề nghị các bộ, ngành rà soát, sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến vướng mắc hiện nay trong vấn đề pháp lý; có giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển, thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư vào thị trường bất động sản để giảm bớt áp lực đối với tín dụng ngắn hạn của ngân hàng cho thị trường bất động sản.
"Cuối cùng, chúng tôi kiến nghị chính các doanh nghiệp, các tập đoàn bất động sản cũng phải khẩn trương cơ cấu lại sản phẩm của mình, khẩn trương cơ cấu lại nguồn hàng, cơ cấu các nguồn lực, vấn đề vốn, vấn đề thị trường, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay và cũng phải chia sẻ với những khó khăn của các lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Không chỉ riêng bất động sản khó khăn mà các lĩnh vực khác cũng rất khó khăn", ông Tú nói.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng 01 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng; Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư...
Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Kế hoạch Đầu tư, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục phối hợp để triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cũng như tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.