vĐồng tin tức tài chính 365

Tự do hóa xuất khẩu gạo, được không?

2023-08-04 10:50

Theo kế hoạch, ngày 4-8, tại TP Cần Thơ, Bộ Công Thương sẽ đồng chủ trì hội nghị về triển khai nhiệm vụ điều hành xuất khẩu gạo các tháng cuối năm 2023. Tại đây, dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo cũng được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan đóng góp ý kiến.

Giảm các điều kiện

Sau khi tham vấn doanh nghiệp (DN) và chuyên gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có một số ý kiến ban đầu góp ý về dự thảo.

Theo VCCI, thời gian qua, nhiều DN phản ánh chi phí và thời gian đi lại để nộp hồ sơ, nhận giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo khá lớn, nhất là khi các DN xuất khẩu gạo chủ yếu nằm ở các tỉnh, thành ĐBSCL. Trong khi đó, việc kiểm tra đủ điều kiện về kho và máy xay xát vẫn do các Sở Công Thương thường xuyên thực hiện.

Để cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng giao thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cho UBND cấp tỉnh hoặc Sở Công Thương thay vì Bộ Công Thương như hiện nay. VCCI cũng đề xuất cơ quan soạn thảo bãi bỏ quy định về thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Bởi lẽ hiện nay, sau mỗi 5 năm, DN phải xin cấp giấy chứng nhận mới với thủ tục chứng minh đủ điều kiện kinh doanh tương tự lần đầu.

Tự do hóa xuất khẩu gạo, được không? - Ảnh 1.

Các chuyên gia đề xuất nên xem lúa gạo là nông sản thông thường để quản lý. Ảnh: AN NA

Đáng chú ý, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh xuất khẩu gạo, tiến tới tự do hóa thị trường. Việc bảo đảm dự trữ gạo bắt buộc nên được thực hiện theo hình thức nhà nước đặt hàng DN theo cơ chế thị trường, thay vì biện pháp hành chính như hiện nay. Kiến nghị này xuất phát từ phản ánh của một số DN về việc cần chi phí đầu tư lớn mới có thể đáp ứng được Quy chuẩn kỹ thuật về kho và cơ sở xay xát lúa gạo.

Theo VCCI, những điều kiện này chỉ phù hợp với các DN xuất khẩu gạo số lượng lớn nhưng lại rất khó đáp ứng đối với DN nhỏ vốn đang cố gắng thâm nhập các thị trường mới. Trong khi đó, nhiều DN Việt Nam rất năng động trong việc tìm kiếm thị trường mới như: châu Âu, Canada, Trung Đông… Đây là những thị trường đòi hỏi số lượng gạo ít nhưng chất lượng cao, có giá tốt.

"Hơn nữa, khách hàng tại các thị trường này (siêu thị, chuỗi cửa hàng…) thường có nhu cầu tìm kiếm các DN cung cấp cùng lúc nhiều loại nông sản, chứ không chỉ riêng mặt hàng gạo. Các DN này vẫn không thể đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cao như trên mà buộc phải ủy thác xuất khẩu cho những DN đủ điều kiện. Theo phản ánh của các DN, mức phí ủy thác xuất khẩu khoảng 1-5 USD/tấn. Vô hình trung, các quy định về điều kiện xuất khẩu gạo lại khiến hạt gạo của Việt Nam trở nên đắt hơn và khó xuất khẩu hơn" - VCCI dẫn chứng.

Khó làm thương hiệu

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông L.L - một Việt kiều tham gia xuất khẩu nhiều loại nông sản, trong đó có các loại gạo cao cấp sang Mỹ, Canada... bằng hình thức ủy thác - cho biết 1-5 USD/tấn không phải tốn chi phí lớn mà kèm theo nhiều phiền phức. Chẳng hạn, việc lộ thông tin khách hàng, vì DN không đủ điều kiện xuất khẩu gạo, bên nhận ủy thác mới là "nhà bán" nên DN không có sự chính danh, không yên tâm đầu tư làm thương hiệu.

"Tôi cho rằng nên miễn trừ giấy phép xuất khẩu cho các DN xuất khẩu gạo cao cấp, đóng túi mang thương hiệu riêng, sản lượng 10 container/tháng vì không ảnh hưởng đến an ninh lương thực" - ông L.L nhận xét.

Chủ một DN kinh doanh gạo có thương hiệu trong nước cho biết đang trầy trật xin giấy phép để được xuất trực tiếp. "Lúc đầu, tôi đăng ký kho với HTX đang liên kết nhưng không được vì liên quan nguồn gốc đất nên phải chuyển kho về đất của DN. Chúng tôi phải sắm thêm nhiều máy móc, thiết bị khá tốn kém. Được cấp phép hay không thì chưa biết nhưng phần lớn thiết bị đầu tư đều vượt công suất đơn hàng" - chủ DN này băn khoăn.

Theo chủ DN nêu trên, nếu không cần có giấy phép xuất khẩu gạo, DN có thể thuê gia công bên ngoài, tập trung vào những mảng mà họ có lợi thế để có giá thành hiệu quả hơn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ - DN xuất khẩu gạo lớn, lại có cái nhìn khác. Ông đưa ra con số Việt Nam có hơn 200 DN đang có giấy phép xuất khẩu gạo nhưng chỉ vài chục DN xuất khẩu thường xuyên, có DN thậm chí chưa từng xuất khẩu gạo. "Giảm điều kiện hoặc bỏ điều kiện để có thêm nhiều DN tham gia thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến cạnh tranh trong ngành" - ông Hòa nhận xét.

TS Đào Minh Sô, Trưởng Bộ môn Chọn tạo giống cây trồng - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, cho rằng nên coi lúa gạo là loại nông sản bình thường để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thay vì quản lý quá chặt. Việc quản lý quá chặt khiến ngành lúa gạo rất khó phát triển.

"Nhìn lại trong các ngành nông sản, đời sống người dân trồng lúa khó khăn nhất. Nên tạo điều kiện cho DN tìm kiếm những thị trường ngách, giá cả tốt thì họ ắt phải quay lại xây dựng vùng nguyên liệu theo đơn hàng. Nông dân vùng đó sẽ có lợi khi bán được giá lúa gạo cao. Sự cạnh tranh sẽ giúp ngành gạo phát triển" - TS Sô phân tích thêm.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, thực tế thời gian qua cho thấy chỉ 30% DN tuân thủ quy định báo cáo về tình hình xuất khẩu gạo và tồn kho khiến cơ quan quản lý bị động thông tin, số liệu dẫn đến khó khăn trong điều hành. Do đó, dự thảo sửa đổi cần đưa ra chế tài đủ mạnh đối với hành vi này.

Ngoài ra, còn 3 vấn đề cần tập trung giải quyết trong lần dự thảo này, gồm: triển khai xúc tiến thương mại gạo theo cơ chế đặc thù; công tác phối hợp giữa bộ, ngành, địa phương trong điều hành xuất khẩu gạo và ủy thác xuất khẩu gạo. 

Thời cơ vàng

Liên quan việc một số nước cấm xuất khẩu gạo đã đẩy giá gạo toàn cầu tăng chóng mặt, GS-TS Võ Tòng Xuân nhận định: Đây là thời cơ vàng cho hạt gạo Việt Nam vươn xa, đồng thời vươn lên giá trị cao hơn. Đây là thời điểm thuận lợi để Việt Nam tăng lượng xuất khẩu gạo với giá cao, giúp cả người dân và DN cùng hưởng lợi.

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, Việt Nam đã bố trí quy hoạch vùng trồng lúa rất an toàn, hợp lý để đón đầu biến đổi khí hậu. Ngoài ra, chúng ta cũng đang chọn các giống lúa ngắn ngày có thể canh tác 3 vụ/năm. Vì vậy, hoàn toàn có thể yên tâm nguồn cung lúa gạo cho xuất khẩu cũng như bảo đảm an ninh lương thực trong nước.

T.Nhân

Xem thêm: mth.60802321230803202-gnohk-coud-oag-uahk-taux-aoh-od-ut/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tự do hóa xuất khẩu gạo, được không?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools