Nhiều người quảng cáo, rao bán thuốc mê, thuốc ngủ có công dụng dễ ngủ, an thần, điều trị thần kinh... mặc dù đây là thuốc bán theo đơn, nhưng vì mục đích lợi nhuận, khi có khách hỏi mua là bán.
Muốn mua bao nhiêu cũng có
Không khó để tìm kiếm các website hoặc tài khoản xã hội công khai quảng cáo, rao bán các loại thuốc mê dưới nhiều dạng khác nhau như dạng xịt, viên nén, dạng uống, với giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Nhiều tài khoản cá nhân trên mạng xã hội táo tợn quảng cáo rằng loại thuốc mê, thuốc ngủ của mình là thế hệ mới khi uống sẽ "bất tỉnh nhân sự", không nhớ bất kỳ điều gì.
Tài khoản Q.C. đăng bài viết trong nhóm "Thuốc thôi miên, thuốc mê" với gần 2.000 thành viên, rao bán một loại thuốc mê dạng xịt S.P. với giá 600.000 đồng/lọ. C. cam kết sau khi xịt sẽ "mê man, bất tỉnh nhân sự không biết gì hết trong vòng từ 2-3 giờ, muốn làm gì tùy thích. Có thể xịt lên khăn, khẩu trang, phòng kín, quần áo, gối".
Trên các website, những loại thuốc mê còn được quảng cáo có thể dùng cho các trường hợp bị mất ngủ lâu ngày, người bị rối loạn thần kinh, ung thư cần giảm đau... Chỉ cần gọi điện thoại hoặc nhắn tin mua hàng, nếu đồng ý sẽ được chuyển đến người mua nhanh chóng.
Liên hệ với một người đăng quảng cáo bán thuốc mê, chúng tôi ngỏ ý mua một chai thuốc dạng xịt có thể gây mê nhanh. Người này tư vấn: "Vậy thì chị tìm đúng chỗ rồi, loại này là hàng nhập đảm bảo chất lượng. 650.000 đồng/chai".
Khi được hỏi về cách dùng, liều dùng hay khi nào không nên dùng thì người này chỉ tư vấn qua loa: "Khi nào chị thấy không ngủ được thì xịt". Thế là việc mua bán diễn ra thoải mái, trong khi sử dụng thuốc mê như thế này không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, mà có thể là nguồn cơn của nhiều vụ việc phức tạp.
Có thể gây nguy hiểm đến tính mạng
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, theo phương thức đưa thuốc mê vào cơ thể sẽ được chia thành 2 loại: thuốc mê đường tĩnh mạch và thuốc mê đường hô hấp. Thuốc mê đường hô hấp cũng có 2 loại là thể khí và thể bay hơi như Isofluran, halothan, sevoran...
"Các loại thuốc gây mê thường được bác sĩ chỉ định cho những trường hợp cụ thể như dùng để khởi mê và duy trì mê cho bệnh nhân trong các ca phẫu thuật; người đang điều trị ung thư, hóa trị, xạ trị, bệnh nhân sau khi mổ bị mất ngủ do vết thương đau; người bị mất ngủ trầm trọng, không thể ngủ sâu giấc mỗi đêm do căng thẳng thần kinh, lo âu quá mức hoặc dùng trong hỗ trợ điều trị cai nghiện tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn", bác sĩ Hoàng nêu rõ.
Bác sĩ Hoàng cũng lưu ý các loại thuốc gây mê dạng xịt được quảng cáo hiện nay cần được sử dụng thận trọng dưới sự giám sát hoặc chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Sử dụng thuốc mê có thể gây ra các tác dụng phụ như trong quá trình gây mê có thể gây ra tình trạng giảm huyết áp. Đặc biệt gây rối loạn chức năng nhận thức, thậm chí khả năng ghi nhớ cũng bị giảm đi. Thuốc cũng chống chỉ định với người mắc bệnh lý gan, thận, tim.
Bác sĩ Võ Văn Tân - trưởng khoa nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) - cho biết hiện nay các thuốc gây mê chỉ được dùng trong bệnh viện, có chỉ định của bác sĩ trong phẫu thuật và được tính liều lượng rất cẩn thận, nếu dùng quá liều có thể gây ra suy hô hấp nguy hiểm đến tính mạng.
Không loại trừ khả năng những loại thuốc gây mê được quảng cáo hiện nay chỉ là thuốc ngủ được thổi phồng công dụng. Tuy nhiên, cho dù đó là thuốc ngủ cũng không được lạm dụng vì có thể gây ra nhiều biến chứng, như bị lệ thuộc hoặc thậm chí nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Bác sĩ Tân cũng cho biết thêm điều trị mất ngủ gồm hai nhóm, một nhóm dùng thuốc và nhóm không dùng thuốc (vệ sinh giấc ngủ). Đối với nhóm dùng thuốc, bệnh nhân phải được khám và tái khám bởi bác sĩ chuyên khoa, tránh sử dụng những loại thuốc bên ngoài không có thông tin và thành phần rõ ràng chưa được kiểm chứng.
Bác sĩ Hoàng cũng thông tin việc dùng các loại thuốc này lâu dài sẽ gây phụ thuộc vào thuốc, không có thuốc sẽ gây khó chịu. "Ngay cả khi bác sĩ chỉ định dùng cũng phải rất thận trọng. Việc sử dụng thuốc cần có lộ trình giảm liều. Nếu không được bác sĩ chỉ định có thể để lại hậu quả lâu dài đối với sức khỏe như có thể dẫn đến dị ứng (sốc phản vệ); suy hô hấp; làm nặng tác dụng các thuốc an thần khác và phụ thuộc vào thuốc", bác sĩ Hoàng thông tin.
Hiện nay theo quy định của Bộ Y tế, thuốc mê, thuốc ngủ là thuốc phải kê đơn và có chỉ định của bác sĩ. Nếu bán những loại thuốc này không kê đơn là vi phạm quy định.
Nhiều vụ việc sử dụng thuốc mê gây án
Thời gian gần đây không ít các vụ trộm, cướp, hiếp dâm... có sử dụng thuốc mê để gây án. Việc các loại thuốc mê dễ dàng được mua đã thêm "công cụ" cho các đối tượng xấu thực hiện hành vi cướp tài sản. Tháng 3-2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 1, TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam một đối tượng sử dụng thủ đoạn gây mê, xâm hại tình dục và chiếm đoạt tài sản.
Để thực hiện ý định xâm hại rồi chiếm đoạt tài sản của nạn nhân, nam thanh niên lên mạng vờ làm quen các cô gái trẻ, nhẹ dạ cả tin. Đến khi đã thân thiết, đối tượng bỏ thuốc mê vào nước uống nhằm khiến nạn nhân bất tỉnh.
Theo cơ quan điều tra, người gây án là Liêu Gia Đạt, sau khi hẹn được chị D. (32 tuổi) đã ghé một tiệm bán nước giải khát mua 3 ly nước ép táo. Đạt lấy thuốc ngủ bỏ vào một ly, khi nạn nhân ngấm thuốc ngủ, đối tượng chở tới khách sạn rồi thuê phòng, xâm hại và chiếm đoạt toàn bộ tài sản của nạn nhân.
Sau khi chuốc thuốc mê người phụ nữ bán vé số, kẻ gian đã trộm tiền rồi bỏ trốn từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi. Nhưng sau đó người này đã ra công an đầu thú, khai 'hối hận'.