Vụ đảo chính tại Niger đang trở thành điểm nóng của chính trị quốc tế. Tổng thống Mohamed Bazoum đã bị bắt giữ từ giữa tháng 7. Tướng Abdourahamane Tchiani, từng lãnh đạo lực lượng bảo vệ tổng thống, đã tuyên bố lên nắm quyền.
Bị đảo chính, Niger nhờ Mỹ giúp đỡ
Cuộc chính biến tại Niger đang tạo ra căng thẳng an ninh cho khu vực và cả châu Âu. Quân đội quốc gia Tây Phi này phản đối Pháp và một số nước châu Âu, trong khi cuộc đảo chính trên bị châu Âu và Nhóm Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) lên án.
Trong bài viết cho báo Washington Post (Mỹ) mới đây, Tổng thống Bazoum đã nhắn nhủ Mỹ và cộng đồng quốc tế về những hậu quả khi Niger trở nên hỗn loạn.
Ông cho rằng nếu vụ đảo chính này thành công, "nó sẽ kéo theo những hậu quả tàn khốc cho đất nước chúng tôi, cho khu vực và cho toàn thế giới".
"Tôi viết bài này trong tư thế một con tin. Niger đang chịu sự tấn công của quân đội… và tôi chỉ là một trong số hàng trăm công dân đang bị giam giữ tùy tiện và bất hợp pháp. Vụ đảo chính này phải chấm dứt, và quân đội phải thả tất cả những người mà họ đã bắt giữ phi pháp", ông Bazoum viết.
Đây là thông điệp trọn vẹn đầu tiên của ông Bazoum kể từ ngày 26-7, thời điểm lực lượng bảo vệ tổng thống bắt ông và tiếm quyền.
Đáng chú ý, ông Bazoum đã trực tiếp kêu gọi Mỹ giúp đỡ: "… Chính phủ Mỹ và toàn thể cộng đồng quốc tế hãy giúp chúng tôi tái lập trật tự hiến pháp".
Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định Niger là nơi sau cùng còn "tôn trọng nhân quyền" ở vùng Sahel, "giữa bối cảnh các phong trào độc tài đã nắm quyền ở một số nước láng giềng của chúng tôi".
Ông Bazoum cảnh báo các nước láng giềng đang ngày càng bị các nhóm lính đánh thuê như tổ chức Wagner mời gọi.
Khó can thiệp quân sự vào Niger
Các nước châu Âu đang tiếp tục sơ tán công dân khỏi Niger sau vụ đảo chính. Lo ngại về bùng phát xung đột đã leo thang và chưa có tín hiệu về giải pháp.
ECOWAS đặc biệt lo ngại tình hình này. Tuy nhiên, lãnh đạo các bộ quốc phòng của thành viên ECOWAS thận trọng trước kịch bản phải dùng tới biện pháp quân sự.
Nhóm 15 quốc gia này từng đe dọa dùng vũ lực để ngăn vụ đảo chính Niger. Nigeria, thế lực hàng đầu ECOWAS, còn cảnh báo họ đã sẵn sàng và chỉ đợi lệnh để dùng vũ lực.
Nhưng mới đây, trong thông điệp hôm 3-8 về tình hình trên, họ khẳng định can thiệp quân sự tại Niger chỉ là phương án cuối cùng được tính tới.
Về phần Nga, hôm 3-8, Matxcơva kêu gọi đối thoại khẩn cấp tầm quốc gia ở Niger và khẳng định những lời đe dọa về can thiệp vũ trang không giúp ích được gì. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói: "Điều rất quan trọng hiện nay là ngăn tình hình trở nên tồi tệ hơn tại quốc gia này".
Cuộc đảo chính ở Niger khiến châu Âu lo ngại về tình hình tại quốc gia Tây Phi, vốn được coi là điển hình của sự ổn định những năm qua.