Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nửa đầu năm, bán hàng thép thành phẩm đạt gần 12,5 triệu tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ 2022. Chênh lệch giữa tiêu thụ và sản xuất còn khoảng 149.000 tấn thép.
Tình hình ngành thép hiện tại trái ngược với dự báo của các doanh nghiệp trong ngành. Trước đó, các nhận định đều dự báo ngành thép sẽ có diễn biến khả quan từ quý II/2023 và chậm nhất đến đầu quý III/2023.
Trong phiên họp ĐHĐCĐ thường niên của Hòa Phát vào cuối tháng 3, Chủ tịch Trần Đình Long đã khẳng định những gì khó khăn nhất của ngành thép đã qua. Tuy nhiên, kết quả bán hàng của doanh nghiệp có thị phần lớn nhất cả nước, vẫn đan xen hai mảng sáng - tối. Trong tháng 6, bán hàng thép các loại đạt 540.000 tấn, giảm 4% so với tháng 6/2022. Riêng thép xây dựng giảm 18% so với cùng kỳ nhưng tăng nhẹ so với tháng 5.
Tính chung nửa đầu năm, Hòa Phát sản xuất 2,86 triệu tấn thép thô, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 2,9 triệu tấn, giảm 27%.
Tốc độ suy giảm của sản xuất thép thành phẩm mạnh hơn so với tiêu thụ, điều này dẫn đến lượng tồn kho của các doanh nghiệp thép trong quý II/2023 giảm.
Tồn kho giảm mạnh
Thống kê của Người Đưa Tin, tổng lượng tồn kho (đã bao gồm dự phòng giảm giá) của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán cuối quý II/2023 có giá trị vào khoảng 61.000 tỷ đồng, giảm 7.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý I/2023.
Điển hình là doanh nghiệp đầu ngành Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) tại thời điểm 30/6/2023, hàng tồn kho ghi nhận ở mức 32.261 tỷ đồng (đã trích lập dự phòng giảm giá 259 tỷ đồng) giảm 7% so với thời điểm cuối quý I và thấp hơn 50% so với cùng kỳ. Đây là giá trị tồn kho thấp nhất tại thời điểm cuối quý của doanh nghiệp đầu ngành thép kể từ quý I/2021.
Hiện Hòa Phát vẫn chưa chạy hết công suất của các nhà máy thép. Trong bối cảnh giá nguyên nhiên liệu thiếu ổn định, tập đoàn duy trì số ngày hàng tồn trong kho thấp ở tất cả các kho từ nguyên liệu, nhiên liệu, sản phẩm dở dang và thành phẩm.
Tương tự, Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) tồn kho ở mức 6.248 tỷ đồng, giảm 15,5% so với đầu niên độ. Thép Nam Kim (HoSE: NKG) ghi nhận hàng tồn kho đến cuối quý II ở mức 5.228 tỷ đồng, giảm 25,3% so với đầu kỳ.
Một số doanh nghiệp khác ghi nhận hàng tồn kho giảm sâu so với cùng kỳ như trường hợp của Thép Pomina (HoSE: POM). Tính đến cuối quý II/2023, giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp này ở mức 996 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ và giảm 6% so với cuối quý I.
Trong khi đó, hàng tồn kho của Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) chỉ điều chỉnh nhẹ so với quý I và cùng kỳ năm ngoái lần lượt giảm 5% và 7% ở mức 2.697 tỷ đồng.
Lợi nhuận “bốc hơi”
Xu hướng giảm của giá thép đã khiến bức tranh lợi nhuận ngành thép trong quý II/2023 không mấy sáng sủa, nhiều doanh nghiệp tiếp tục “bốc hơi” lợi nhuận trong kỳ kinh doanh này.
Điển hình như Đầu tư thương mại SMC (HoSE: SMC) ghi nhận lỗ sau thuế 414 tỷ đồng trong quý II/2023, trong khi cùng kỳ lãi 45 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ lớn thứ hai trong lịch sử hoạt động của SMC, chỉ sau khoản lỗ của quý IV/2022. Luỹ kế 6 tháng, SMC lỗ sau thuế 393 tỷ đồng.
Thép Pomina (HoSE: POM) lỗ đậm 350 tỷ đồng trong quý II/2023 và 6 tháng lỗ ròng 537 tỷ đồng. Trong quý II/2023, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) lỗ sau thuế 284 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng, doanh nghiệp ghi nhận lỗ sau thuế 216 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 155 tỷ đồng.
Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) chỉ lãi ròng hơn 14 tỷ đồng trong quý III/2023 niên độ tài chính 2022-2023. Nguyên nhân là do doanh thu bán hàng và doanh thu tài chính đều sụt giảm. Lũy kế 9 tháng, công ty vẫn lỗ ròng 410 tỷ đồng.
Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) và Thép Nam Kim (HoSE: NKG) là 2 doanh nghiệp ngành thép ghi nhận sự phục hồi song mức lãi vẫn rất khiêm tốn so với quy mô và các quý trước thời điểm ngành thép gặp khó (từ quý III/2022). Hoà Phát lãi hơn 1.400 tỷ đồng trong quý II/2023, gấp 3 lần quý đầu năm và cải thiện hơn nhiều hai quý lỗ trước đó. Còn Thép Nam Kim có lãi trở lại sau 3 quý thua lỗ, đạt 125 tỷ đồng.
Đánh giá về triển vọng ngành thép thời gian tới, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng phải đến giai đoạn 2023-2024, nhu cầu tiêu thụ thép mới hồi phục đáng kể và giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành cải thiện. Tuy nhiên, mức hồi phục này sẽ không quá lớn và chưa quay lại mức biên lợi nhuận trung bình.
Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, giá thép vẫn chịu áp lực điều chỉnh. Dự báo về nửa cuối năm, BSC nói diễn biến giá phụ thuộc vào mức độ phục hồi từ nhu cầu thị trường.