Hưu trí là chế độ tuổi già
Theo chị Nguyễn Thị Hiền (Công ty Quảng Việt), công nhân may không thể làm việc đến 60, 65 tuổi nên cần xem xét lại tuổi nghỉ hưu.
Trả lời, ông Nguyễn Duy Cường - vụ phó Vụ Bảo hiểm xã hội - cho rằng không nên đánh đồng tuổi nghề và tuổi hưu. Một số ngành nghề độc hại, nặng nhọc đã có quy định riêng về tuổi nghỉ hưu, được nghỉ hưu sớm hơn.
Nhưng có những ngành nghề có tuổi nghề rất thấp như các công việc liên quan đến biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao. Nếu coi tuổi nghề là tuổi hưu sẽ có nhiều người nghỉ hưu ở tuổi 29 - 30.
Ông Cường nói cần tách bạch giữa tuổi nghề và tuổi hưu. Hưu trí được hiểu là chế độ tuổi già, lo cho người lao động khi về già trong khi nhiều ngành nghề người lao động nghỉ việc ở tuổi 30, 40 hay 50.
"Các nước đều quy định tuổi hưu chung, không thể nào quy định cứ hết tuổi nghề thì trả lương hưu được. Không thể nói rằng tôi không làm nghề này được nữa thì bảo hiểm xã hội phải lo cho tôi", ông Cường lý giải.
Nguyên tắc chia sẻ của bảo hiểm xã hội
Ông Cường nêu hai nguyên tắc cơ bản nhất của bảo hiểm xã hội: nguyên tắc chia sẻ và nguyên tắc đóng - hưởng (mức hưởng dựa trên mức đóng, đóng nhiều hưởng nhiều).
Theo đó, tùy từng chế độ bảo hiểm xã hội mà thiên về nguyên tắc đóng - hưởng hay nguyên tắc chia sẻ. Các chế độ ngắn hạn như trợ cấp thất nghiệp, ốm đau, thai sản... thiên về nguyên tắc chia sẻ nhiều hơn.
Như trợ cấp thai sản mang tính chất chia sẻ giữa nam giới với nữ giới, người sinh một con với người hai, ba con. Trợ cấp thất nghiệp là sự chia sẻ giữa người có công việc ổn định, thu nhập ổn định với người mất việc làm.
Các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất thiên về nguyên tắc đóng - hưởng, với bình quân tất cả tháng đóng bảo hiểm xã hội nhưng vẫn mang nguyên tắc chia sẻ khi có người hưởng lương hưu 10 năm, 15 năm, 20 năm.
Theo ông Cường, các chế độ mang tính chất chia sẻ nhiều, nhiều người đóng cho một số ít người hưởng nên mức đóng thường khá thấp nhưng chế độ hưởng cao. Như bảo hiểm thất nghiệp người lao động đóng 1% trên mức lương nhưng mức hưởng là 60% bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của sáu tháng liền kề.
Một số doanh nghiệp phản ảnh gặp khó khi làm các thủ tục bảo hiểm xã hội cho người lao động là người nước ngoài vì đòi hỏi nhiều loại giấy tờ.
Ông Trần Dũng Hà - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - cho rằng khi giải quyết thủ tục bảo hiểm xã hội cho người nước ngoài, nhiều nơi không hiểu được tính chất của người nước ngoài bị hạn chế bởi các điều kiện về giấy phép lao động, lưu trú.
Ông nói bảo hiểm xã hội quận, huyện cần ưu tiên giải quyết thủ tục cho người nước ngoài, không đòi hỏi các loại giấy tờ phức tạp, không cần thiết. Với các trường hợp phát sinh tình huống ngoài quy định, Bảo hiểm xã hội TP.HCM phải gửi công văn đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chờ hướng dẫn xử lý nên mới phải đợi lâu.
Nhóm 8 hiệp hội, ngành hàng đề xuất giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội cho dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi.