Ôm thùng xốp lênh đênh 5 giờ liền
Tại nơi hợp lưu của nhiều con sông, Trác Châu là một trong những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Hà Bắc, Trung Quốc trong đợt lũ lụt lần này.
Gia đình Châu Văn Kinh có một nhà kho kinh doanh đồ gỗ trong chợ gỗ Tây Quan, thành phố Trác Châu.
Vào ngày 31/7, cô và chồng đến nhà kho làm việc như thường lệ. Đến 13h chiều, một thành viên trong nhóm cộng đồng gửi thông báo có nội dung: "Có xả lũ và cần sơ tán ngay".
Thông tin này dường như không thu hút được sự chú ý. Châu Văn nghĩ "nước sẽ chỉ dâng lên một chút thôi" và họ, giống như hầu hết những người trong chợ gỗ, đã không sơ tán.
Tuy nhiên, đến 20h tối 31/7, cô phát hiện nước trong nhà kho đã dâng lên đến mắt cá chân. Ra đến ngoài cửa, nước ngập đến ngang đùi, đi thêm đoạn nữa, mực nước còn sâu hơn.
"Không ai nhận ra rằng trận lụt sẽ hung dữ như vậy. Khi có thông báo, mọi người đều thờ ơ vì chưa ai từng trải qua nên rất nhiều người bị mắc kẹt", Châu Văn nói với The Papper rằng, nước lũ cuốn gỗ, đồ gia dụng như điều hòa, máy giặt, tủ lạnh trôi nổi trên mặt nước.
Đến đêm nước tiếp tục dâng cao và chảy xiết. Vợ chồng Châu Văn đánh liều mỗi người ôm một thùng xốp và thả nổi trên mặt nước. Để tránh bị trôi theo dòng nước, họ cố gắng nắm chặt cánh cửa nhà kho và lênh đênh trên mặt nước hơn 5 giờ đồng hồ.
"Lúc đó, tôi đã nghĩ đến việc viết di thư và nói với người thân số tài khoản ngân hàng và mật khẩu ".
Đến khoảng 6h sáng hôm sau, khi nhà kho ngập chạm đỉnh, vợ chồng Châu Văn ôm thùng xốp khéo léo trôi theo dòng nước và leo lên được tầng 2 của một ngôi nhà cách đó hơn 10m. "Khi chúng tôi trôi, mực nước chỉ cách với ban công tầng 2 khoảng 10cm", cô ước tính, độ sâu của nước vào thời điểm đó là khoảng 5m.
May mắn, sau đó vợ chồng cô cũng được đội cứu hộ đưa đến nơi an toàn. Theo cô, giải cứu chợ gỗ không hề đơn giản bởi dòng nước chảy xiết, có nhiều vật thể bằng gỗ trôi nổi, đường bị chặn, thuyền cứu hộ sẽ bị thủng.
Cứu hộ cả nước đổ xô về Trác Châu
Theo Tuần báo Nhân vật Phương Nam (Trung Quốc), kể từ năm 1963, Trác Châu chưa từng chứng kiến trận lũ lụt nghiêm trọng nào tương tự khiến người dân không nhận thức được mức độ nghiêm trọng đằng sau các thông điệp cảnh báo sớm khác nhau.
Tính từ 8h sáng 30/7 đến 11h sáng 1/8, Trác Châu lại hứng chịu lượng mưa lớn, với lượng mưa trung bình lên tới 355,1mm.
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết, theo thống kê gần nhất, tính đến 10h sáng 1/8, tổng cộng 133.913 người từ 146 ngôi làng ở Trác Châu đã bị ảnh hưởng bởi mưa lũ; đến 17h cùng ngày, 225,38 km2 diện tích đất nông nghiệp bị chìm trong biển nước.
Những ngày qua, lực lượng cứu hộ từ khắp nơi trên cả Trung Quốc đã tập trung về thành phố này, mang theo vật tư, thiết bị cứu hộ chuyên nghiệp.
CCTV dẫn lời giới chức Trác Châu cho hay, thành phố này cần một số lượng lớn thuyền để di dời cư dân do mất nước và điện cục bộ.
Trước đó, ngay từ 30/7, Trác Châu đã ban hành ứng phó khẩn cấp cấp I và tất cả các ban ngành các cấp của thành phố được yêu cầu triển khai ngay các biện pháp ứng phó khẩn cấp đối với thảm họa mưa bão, đồng thời cố gắng hết sức để ngăn chặn và ứng phó với các thảm họa lớn.
Trác Châu cũng đã tổ chức 28 đội cứu hộ khẩn cấp bao gồm tổng cộng 8.755 thành viên để hợp tác với các đội cứu hộ chuyên nghiệp.
Theo Văn phòng Phòng chống Lũ lụt và Cứu trợ Hạn hán tỉnh Hà Bắc, do ảnh hưởng chung của bão Doksuri và các luồng không khí lạnh ấm, mưa lớn kéo dài gần 144 giờ ở Hà Bắc từ 8h sáng ngày 27/7 đến 8h sáng ngày 2/8, với lượng mưa trung bình trên toàn tỉnh là 146,2 mm. Tổng lượng mưa 27,5 tỷ mét khối, gấp đôi tổng dung tích hồ chứa của tất cả các hồ chứa quy mô lớn và trung bình trên toàn tỉnh.
Tỉnh Hà Bắc hiện đã di dời hơn 1,2 triệu người khỏi các khu vực bị ngập lụt. Hiện nước lũ đã bắt đầu rút sau khi những cơn mưa xối xả chấm dứt.
Ngoài ra, mực nước trong các hồ chứa giữ lũ dự kiến sẽ giảm dần trong vòng một tháng.