Nếu như các họa sĩ Lý Trực Sơn, Phan Cẩm Thượng vững chãi trong cả kỹ thuật lẫn tâm thế trong tranh, các họa sĩ trẻ bước qua ranh giới đề tài quen thuộc để kể về cuộc sống đương đại của những cô gái trẻ thành thị nhiều khi cô đơn, hỗn loạn, chông chênh.
Triển lãm do The Muse Artspace đang tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 nguyễn Thái Học, Hà Nội) đến ngày 8-8.
Triển lãm là cuộc hội ngộ của 10 họa sĩ tên tuổi thuộc nhiều thế hệ từ 4X đến 8X như Lý Trực Sơn, Phan Cẩm Thượng, Triệu Khắc Tiến, Nguyễn Quang Trung, Vũ Văn Tịch, Nguyễn Thị Thúy Nguyệt, Phạm Trà My, Nguyễn Xuân Lục, Nguyễn Thị Quế, Đỗ Thị Kim Oanh, đại diện cho các "môn phái" sơn mài miền Bắc khác nhau.
Theo giám tuyển Vân Vi, những nghệ sĩ này đều đang khai phá sơn mài theo những cách riêng của bản thân mình, thậm chí hoàn toàn trái ngược.
Người kế thừa cổ truyền, người lại bác bỏ, người để chất liệu dẫn dắt, người muốn làm chủ chất liệu, người muốn quy chuẩn hóa về mặt kỹ thuật rồi mới khai phá, người chọn khai phá rồi mới tìm tiếp…
Lý Trực Sơn là người thành lập nhóm Sơn ta và được nhiều đồng nghiệp trong giới công nhận là hàng họa sĩ đứng đầu của nghệ thuật sơn mài đương thời. Ông cho biết ông tự đặt ra nhiệm vụ cho mình là tiếp nối thời kỳ Đông Dương theo một cách khác, ít giới hạn hơn, gần với thế giới hơn.
Xem tranh ông người ta thấy ông vẽ rất tự do nhưng ông khẳng định thực ra ông làm việc trong một kỷ luật thép. Mỗi bức ông đều vẽ với sự kính cẩn, thậm chí vẽ đi vẽ lại nhiều lần.
Phan Cẩm Thượng lại làm sơn mài theo lối người ta làm tượng Phật cổ. Ông giải thích lối này có các tiêu chí rõ ràng như khối phải đầy, màu phải no, đạt đến độ "đẹp vàng son, ngon mật mỡ" mới chịu thôi.
Triệu Khắc Tiến - tiến sĩ chuyên ngành về nghệ thuật sơn mài duy nhất tại Việt Nam vào thời điểm hiện tại - lại chọn lối chuẩn hóa các kỹ thuật sơn ta, nhằm tăng độ bền và mở rộng biên độ chất liệu.
Nguyễn Quang Trung thì theo đuổi nghệ thuật trừu tượng trong suốt 20 năm qua, một lối đi không nhiều trong sơn mài.
Với những họa sĩ 8X cũng rất riêng khác. Tác phẩm của Phạm Trà My là những bức tranh phong cảnh thơ mộng, vườn tược rất nữ tính và có phần cổ điển.
Trong khi đó người xem bất ngờ bắt gặp những bức sơn mài vẽ đề tài rất đời thực - những cô gái thành thị hiện đại - của Nguyễn Thị Thúy Nguyệt, thường ít thấy trong thể loại sơn mài.
Thúy Nguyệt vẽ những cô gái trẻ thành thị son phấn, váy vóc trong vũ trường, trên sân khấu và cả những góc riêng tư khi họ tĩnh lại.
TTO - Xưởng vẽ của họa sĩ Lê Văn Thìn chỉ vẻn vẹn chưa đầy 10m2. Thế mà ở cái chỗ cứ phải lách mình xoay trở ấy đã đều đặn sinh ra những bức tranh sơn mài kích thước không nhỏ, những bức tranh chứa đựng không gian "tả xung hữu đột" rộng rãi.