Đã có doanh nghiệp chấp nhận hầu tòa để lên tiếng không đồng tình với công thức mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam VCPMC tự xây dựng. Sáu công ty khác gửi đơn kiến nghị tập thể nhờ can thiệp vào biểu mức tác quyền âm nhạc mà họ cho là vô lý.
Nhưng một quy định mới trong nghị định 17 vừa ban hành mang lại hy vọng cho các doanh nghiệp về một công thức tính nhuận bút hợp lý hơn.
Từ hầu tòa tới kiến nghị tập thể
Ngày 3-8, TAND cấp cao tại Hà Nội đã xử phúc thẩm vụ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam VCPMC kiện Công ty Vietart vì không nộp tiền tác quyền chương trình Đêm Việt Nam 7: Chuyện của mùa đông diễn ngày 17-1-2019.
Trước đó, trong phiên sơ thẩm ngày 23-8-2022, HĐXX ra quyết định buộc Vietart bồi thường thiệt hại quyền tác giả do VCPMC hơn 210 triệu đồng và đăng lời xin lỗi trên báo trung ương. Vietart kháng cáo.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Như - phó tổng giám đốc Vietart - cho biết ủng hộ việc trả phí tác quyền âm nhạc nhưng cách tính phí phải hợp lý, đầy đủ căn cứ thực tiễn và cơ sở pháp lý.
Đêm nhạc nói trên Vietart không chấp thuận mức tác quyền Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam VCPMC đưa ra lên tới hơn 200 triệu đồng, tính ra khoảng hơn 10 triệu đồng/bài hát, trong khi thực chất họ chỉ bán được hơn 200 vé do bị đổi lịch diễn vào giữa tuần.
Biểu mức tính phí nhuận bút mà VCPMC đưa ra theo quyết định 14 ngày 19-6-2018 tính cho các live show ca nhạc không thường xuyên chia làm hai loại.
Với show tổ chức trong rạp, nhà hát, trung tâm hội nghị thì công thức tính là 5% x 70% sức chứa nơi biểu diễn x bình quân giá vé/lượt biểu diễn.
Với tụ điểm ca nhạc, sân khấu ngoài trời, công thức tính là 5% x 60% sức chứa nơi biểu diễn x bình quân giá vé/lượt biểu diễn.
Cho rằng biểu mức trên do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam VCPMC tự ban hành không hề lấy ý kiến của những người chịu tác động, công thức tính tiền nhuận bút không hợp lý, thiếu căn cứ thực tế nên sáu công ty tổ chức biểu diễn gồm Vietnamshow, Vàng son một thuở, MAX, IB Việt Nam... đã gửi đơn kiến nghị tập thể lên Bộ Nội vụ, Bộ VH-TT&DL.
Mới đây, IME Việt Nam cũng bất đồng với VCPMC trong việc tính tác quyền show của BlackPink khiến hai bên chỉ đạt được thỏa thuận một ngày trước đêm diễn, số tiền được chốt "thấp hơn nhiều".
Công thức tính tác quyền của VCPMC không hợp lý?
Tại phiên tòa phúc thẩm vụ VCPMC kiện Vietart hôm 3-8, chủ tọa quyết định hoãn, yêu cầu bổ sung thêm chứng cứ, đồng thời khuyến khích hòa giải. Tuy nhiên, hai bên đều khẳng định không hòa giải.
Phía Vietart nêu lý do, không chỉ không đồng tình với bản án sơ thẩm mà muốn đấu tranh cho mức phí tác quyền hợp lý.
Vietart đưa ra ví dụ sau show Chuyện của mùa đông, công ty này thỏa thuận trực tiếp tiền tác quyền với nhạc sĩ Bảo Chấn trong một show khác thì phí tác quyền chỉ là 3 triệu đồng/bài.
Tòa hỏi về quy trình xây dựng, ban hành biểu mức tính nhuận bút trên, đại diện VCPMC thừa nhận không tổ chức được hội nghị lấy ý kiến của hơn 5.000 nhạc sĩ trên cả nước mà trung tâm này được ủy quyền đại diện.
Về căn cứ đưa công thức tính, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam VCPMC chỉ trả lời chung chung là tham khảo công thức của các nước và qua thực tế thu phí tác quyền lâu nay của trung tâm này.
Ngoài chuyện mức tiền tác quyền quá cao, các doanh nghiệp cũng thấy bất hợp lý ở việc VCPMC cào bằng các nhạc sĩ chung một mức "giá". Cái khó của các doanh nghiệp hiện nay là trên thị trường thu phí tác quyền thì hầu như VCPMC "độc quyền".
Tuy nhiên, sau khi nghị định 17 vừa có hiệu lực từ ngày 26-4 thì VCPMC sẽ phải xây dựng biểu mức mới. Tại phiên tòa ngày 3-8, đại diện VCPMC cho biết đang xây dựng biểu mức mới này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Thanh Liêm - chánh Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cho biết biểu mức này sẽ sớm phải thay thế vì nghị định 17 vừa có hiệu lực nên VCPMC bắt buộc phải sửa biểu mức. Vì các tác giả ủy quyền cho VCPMC nên họ được thay mặt xây dựng biểu mức, bộ không thể can thiệp, tuy nhiên phải trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt.
Ông Liêm cũng khẳng định biểu mức này không có tính pháp lý chung. Nếu nhà tổ chức biểu diễn không đồng ý thì hai bên phải tiếp tục thỏa thuận bởi lẽ việc thu tiền tác quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc được xây dựng trên nguyên tắc tự nguyện.
Về công thức tính tác quyền mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam VCPMC đưa ra, bà Nguyễn Lan Phương - chuyên gia luật của Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) - cho biết nghị định 17 có quy định về biểu phí, tuy nhiên lại không có biểu phí cho loại chương trình ca nhạc, live show tổ chức trong nhà hát.
Nếu áp dụng tương tự như biểu phí cho trung tâm thương mại, hội nghị, hội thảo thì có hợp lý không vẫn còn phải đặt dấu hỏi.
Ngay cả nếu VCPMC áp dụng tương tự như nghị định này thì công thức tính cũng phải khác. Vì công thức tính của nghị định 17 còn dựa trên mức lương cơ sở, rồi nhân hệ số trên mét vuông kinh doanh.
TTO - Câu chuyện 'Dùng tivi bị… thu tiền tác quyền' nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc, với hơn 400 ý kiến tranh luận về vấn đề này.