Hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ vận hành, kỳ vọng mới
Tại lễ khai trương hệ thống giao dịch, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc đưa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào vận hành thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Bộ Tài chính trong phát triển thị trường tài chính và thị trường chứng khoán. Hệ thống này cũng sẽ giúp cơ quan nhà nước quản lý thị trường tốt hơn, người dân cũng sẽ tham gia giám sát, qua đó nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường.
Sau nhiều vụ vi phạm của một số doanh nghiệp liên quan đến thị trường trái phiếu, cơ quan quản lý nhà nước đã có các chính sách (Nghị định 08, Thông tư 30) và 4 lần hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước để trấn an thị trường, khôi phục niềm tin của nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường trái phiếu hồi phục. Tuy nhiên, mức độ tác động vẫn là chưa đủ để giải quyết tận gốc những nỗi ám ảnh từ lâu với thị trường.
Do đó, trong thời điểm thị trường trái phiếu doanh nghiệp nối dài đà trầm lắng, mất thanh khoản, sự xuất hiện của hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho thấy nỗ lực rất lớn từ phía cơ quan quản lý với kỳ vọng có thể giải quyết được phần nào “cục máu đông” trái phiếu, góp phần khôi phục niềm tin của nhà đầu tư về một thị trường minh bạch, hiệu quả hơn. Cũng có thể coi “chợ” trái phiếu là một bước ngoặt lớn, là giải pháp cần thiết, mang lại hiệu quả nhanh nhất và có tác động về lâu dài.
Tại Talkshow “Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán” do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức trước đó, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng vụ Phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước kỳ vọng, thị trường thứ cấp giao dịch trái phiếu riêng lẻ sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt trên thị trường này.
Khi thị hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vận hành, vai trò của các công ty chứng khoán thành viên rất quan trọng trong việc kiểm soát tốt các nhà đầu tư khi tham gia phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Việc ra đời hệ thống kê khai và giao dịch tập trung tại HNX đối với trái phiếu riêng lẻ, theo các thành viên thị trường, là một bước tiến lớn, góp phần giải quyết một số vấn đề lớn của thị trường hiện nay như cải thiện minh bạch thông tin; vấn đề thanh khoản; bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FiinGroup với Chinhphu.vn, điều này còn góp phần tạo đường cong lãi suất cho từng trái phiếu tùy theo mức xếp hạng tín nhiệm hay đánh giá chất lượng trái phiếu của thị trường và tùy theo kỳ hạn của trái phiếu. Khi đó, giá trái phiếu được hình thành và có thể có mức lợi tức (yield) khác so với mức lãi suất danh nghĩa (coupon) ban đầu; qua đó cũng sẽ giải quyết vấn đề định giá trái phiếu. Điều này là rất cần thiết cho các định chế đầu tư nhằm phục vụ công tác quản trị rủi ro, báo cáo và tuân thủ. Bởi mỗi khoản đầu tư thì cần xác định được lãi lỗ thay vì chỉ dựa trên mệnh giá và lãi danh nghĩa nhận được. Việc hình thành công cụ định giá trái phiếu cũng sẽ góp phần mở rộng cơ sở nhà đầu tư, bao gồm cả các định chế tài chính đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường này.
Khó khăn trước mắt vẫn còn
Thực tế, sau khi Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp được ban hành vào tháng 3 năm nay, đã có 9 đợt hành phát hành giá trị cao, song các đợt phát hành này hầu hết đến từ doanh nghiệp ít có tên tuổi, thông tin hạn chế. Còn bước sang quý II/2023, hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ tiếp tục quay lại diễn biến trầm lắng do các tổ chức phát hành gặp nhiều khó khăn về hoạt động kinh doanh và niềm tin của nhà đầu tư chưa quay trở lại.
Theo tổng hợp của Công ty Chứng khoán VNDirect, trong quý II/2023 có 29 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong nước thành công với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 19.281 tỷ đồng, giảm 34,4% so với quý I/2023 và giảm tới 83,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 28 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 17.281 tỷ đồng, chiếm 89,5% tổng giá trị phát hành. Rõ ràng, niềm tin trên thị trường chưa được cải thiện rõ rệt.
Trong khi đó, quý II cũng có khoảng hơn 70.900 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tăng 127% so với quý I, như vậy có thể thấy rằng áp lực đáo hạn bắt đầu tăng mạnh từ quý II đến hết năm. Nhóm bất động sản là nhóm có tỷ trọng lớn nhất chiếm gần 39,9% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong quý II, đứng thứ 2 là nhóm tài chính - ngân hàng với tỷ lệ chiếm 37,1% tổng giá trị đáo hạn.
Mặt khác, VNDirect ước tính, đến ngày 26/6, có khoảng 59 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp với tổng dư nợ vào khoảng 159.500 tỷ đồng. Khoảng hơn 43.800 tỷ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp trong đó sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,6% tổng số giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.
Trong mùa đại hội cổ đông vừa qua, nhiều doanh nghiệp chia sẻ áp lực về tái cơ cấu nguồn vốn, nhằm trả nợ trái phiếu đến hạn trong 2023. Điển hình như tại Phát Đạt, Chủ tịch Công ty cũng đã có những chia sẻ tâm can về việc trong lúc khó khăn nhất, đã chấp nhận bán tài sản 300 tỷ đồng với giá 200 tỷ đồng để có được dòng tiền hỗ trợ Công ty. Theo đó, phương án phát hành riêng lẻ của Công ty nhằm huy động vốn từ nhà đầu tư chuyên nghiệp để trả nợ trái phiếu (tại thời điểm 31/3/2023, Phát Đạt còn gần 1.400 tỷ đồng nợ trái phiếu). Sau đó, Phát Đạt sẽ tập trung kinh doanh và tương lai sẽ đi vững chắc, bền vững hơn.
Theo ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank (MSVN), điểm tích cực là thống kê từ HNX cho thấy, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 6/2023 đạt 28.240 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với mức phát hành của tháng 4 và tháng 5 trước đó. Giá trị mua lại trái phiếu doanh nghiệp cũng leo lên mức cao nhất kể từ đầu năm, đạt 37.370 tỷ đồng trong tháng 6.
MSVN nhận định, về hoạt động phát hành, các ngân hàng đã bắt đầu phát hành trái phiếu mạnh trở lại sau gần 5 tháng trầm lắng. Sau những lo sợ ban đầu về quy định mục đích sử dụng vốn theo Nghị định 65, điều mà MSVN cho rằng không phù hợp với bản chất kinh doanh tiền của hệ thống ngân hàng, các ngân hàng thương mại đã được bật đèn xanh để huy động vốn trở lại trên thị trường trái phiếu.
Các ngân hàng thương mại trong nước đã phát hành 17.900 tỷ đồng, chiếm 2/3 lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 6/2023. Nếu xu hướng này tiếp tục sẽ giúp các ngân hàng thương mại linh hoạt hơn trong cơ cấu nguồn vốn, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng phát hành được hơn 6.000 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 6 sau khi gần như vắng bóng trong tháng 4 và 5.
Về hoạt động tái cơ cấu trái phiếu, các ngân hàng thương mại đóng góp 3/4 lượng mua lại trái phiếu. Các doanh nghiệp phi ngân hàng mua lại 8.850 tỷ trái phiếu trong tháng 6 (giảm 30% cùng kỳ). Các doanh nghiệp phi ngân hàng đã gia hạn được 12.830 tỷ trái phiếu. Phần lớn thời gian gia hạn là từ 1 năm đến 2 năm.
Ở mặt tiêu cực, lãi hoặc gốc của khoảng 12.470 tỷ đồng trái phiếu đã không thể thanh toán đúng hạn trong tháng 6. Phần lớn số trái phiếu này thuộc về các doanh nghiệp bất động sản và điện.