vĐồng tin tức tài chính 365

Room ngoại, thách thức chính thu hút vốn đầu tư nước ngoài

2023-08-05 13:22

Theo ông, các yếu tố vĩ mô nào có khả năng tác động đến thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2023 và năm 2024?

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 3,72% so với cùng kỳ năm trước do sản xuất và xuất khẩu suy giảm, cùng với thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn.

Room ngoại, thách thức chính thu hút vốn đầu tư nước ngoài ảnh 1

Ông Andy Ho, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital

Nhu cầu đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” suy giảm vào năm 2023 do lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp bán lẻ ở Mỹ đã tăng cao từ năm ngoái. Cụ thể, họ đã đặt khối lượng lớn hàng hoá trong năm 2022 để bù đắp cho sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra. Việc này khiến khối lượng hàng tồn kho tăng vọt. Kết quả là các doanh nghiệp bán lẻ đang giảm số lượng đơn đặt hàng. Đến nay, khối lượng tồn kho của hàng điện tử tiêu dùng đang ở mức thấp, trong khi hàng may mặc và giày dép vẫn ở mức cao. Chúng tôi kỳ vọng đơn hàng cho sản phẩm công nghệ cao sản xuất tại Việt Nam sẽ phục hồi trong 6 tháng cuối năm 2023, còn đơn hàng may mặc và giày dép có thể phải đến đầu năm 2024 mới phục hồi.

Một lĩnh vực quan trọng khác nhưng đang rất khó khăn là thị trường bất động sản, vốn đóng góp khoảng 10% GDP. Thị trường bất động sản bị ảnh hưởng bởi các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang phải đối mặt với vấn đề huy động vốn và phê duyệt dự án. Mặc dù gần đây đã có một số biện pháp hỗ trợ, nhưng vẫn cần nới lỏng hơn nữa để thị trường này để có thể phục hồi.

Một cách hỗ trợ để thúc đẩy nhu cầu cho thị trường bất động sản là giảm lãi suất cho người mua nhà. Lãi suất ở Việt Nam đã giảm ở mức không đáng kể do thanh khoản trong hệ thống ngân hàng bị thắt chặt trong ba năm qua khi tăng trưởng tín dụng vượt xa tăng trưởng huy động. Do đó, lãi suất tiền gửi đã tăng khoảng 2,5%/năm trong năm ngoái và chỉ giảm khoảng 1,5%/năm trong năm nay. Lãi suất cần giảm thêm 1%/năm để khuyến khích người dân đầu tư vào bất động sản, thay vì gửi tiền vào ngân hàng.

Chúng tôi cho rằng, các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam có thể tiếp tục hạ lãi suất để thu hút dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản và giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Giá trị VND tương đối ổn định trong năm nay do thặng dư thương mại được cải thiện và dòng vốn FDI giải ngân ổn định. Thị trường đang kỳ vọng thêm 2 đợt tăng lãi suất nữa từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay và điều này có thể tạo sức ép khiến giá trị VND mất giá 1 - 2% và cũng giúp ích cho thị trường bất động sản ở một khía cạnh nào đó.

Chính phủ có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Điều này đã được thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam và tăng đầu tư cơ sở hạ tầng thêm 25% trong tháng 5 so với tháng 4, thêm 25% trong tháng 6 so với tháng 5. Nếu tốc độ tăng trưởng hàng tháng này được duy trì, Chính phủ có thể đạt mục tiêu giải ngân 30 tỷ USD đầu tư công trong năm nay.

Cuối cùng, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hàng đầu của dòng vốn FDI, đặc biệt là đối với các công ty đa quốc gia muốn sản xuất để xuất khẩu và tìm kiếm nơi đặt cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc trong tương lai gần. Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vì tiền lương cho lao động ở mức thấp, gần với chuỗi cung ứng châu Á, được hưởng lợi từ hiện tượng “Friendshoring” và có ít rủi ro trong việc chịu mức thuế cao đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ. Những yếu tố này đã thu hút các công ty đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam và xuất khẩu tăng mạnh, đặc biệt là xuất khẩu của sản phẩm công nghệ cao.

Room ngoại, thách thức chính thu hút vốn đầu tư nước ngoài ảnh 2

VinaCapital thường xuyên tổ chức các sự kiện nhằm kích hoạt dòng vốn ngoại

Vậy, đây có phải thời điểm tốt để đầu tư chứng khoán Việt Nam, dù giá đã phục hồi đáng kể so với đầu năm?

VN-Index năm ngoái đã giảm 32% và định giá của thị trường chứng khoán hiện đang rẻ hơn so với 10 năm qua (không bao gồm đợt điều chỉnh do Covid vào tháng 3/2020). Theo ước tính chung, tăng trưởng EPS năm 2023 có thể đạt mức 9% và định giá P/E VN-Index ở khoảng 11 lần.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường tốt nhất ở Đông Nam Á với mức tăng 11,2% của VN-Index tính theo tiền đồng (tương đương 11,5% tính theo USD). Theo nhận định chung của các công ty chứng khoán, triển vọng thị trường 6 tháng cuối năm 2023 rất khả quan, với mục tiêu VN-Index sẽ quay lại mốc 1.100 - 1.250 điểm trong năm 2023 và dự kiến có thể tăng lên mốc 1.300 - 1.500 điểm vào năm 2024.

Dự báo này dựa trên sự phục hồi của các doanh nghiệp từ 6 tháng cuối năm 2023 kéo dài đến năm 2024 và Fed sẽ dừng việc tăng lãi suất hoặc bắt đầu giảm lãi suất trong giai đoạn này. Việc thị trường chứng khoán đang được định giá thấp, kết hợp với mặt bằng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn của ngân hàng có xu hướng giảm thời gian gần đây đang giúp thị trường chứng khoán Việt Nam càng trở nên hấp dẫn hơn.

Chúng tôi khuyến khích các nhà đầu tư mua quỹ mở để tiếp cận nhà đầu tư chuyên nghiệp và cổ phiếu tốt nhất. Các quỹ mở cung cấp sự đa dạng và cho phép các nhà đầu tư tập trung vào công việc cá nhân, mà không cần cố gắng tính thời điểm thị trường và trở thành chuyên gia về thời điểm mua/bán các cổ phiếu riêng lẻ. Quỹ mở VESAF và VEOF của VinaCapital đều vượt VN-Index trong 3 năm qua. Tính đến 30/6/2023, trung bình 3 năm gần nhất, hiệu suất Quỹ VESAF đã tăng 28,9%/năm và Quỹ VEOF đã tăng 22,1%/năm, so với hiệu suất của VN-Index là 10,7%/năm.

Room ngoại, thách thức chính thu hút vốn đầu tư nước ngoài ảnh 3

Cần giảm lãi suất cho vay mua nhà, từ đó kích hoạt dòng tiền vào bất động sản và lan tỏa ra nền kinh tế

Theo quan điểm của ông, nhóm ngành nào hấp dẫn để đầu tư lúc này và lý do vì sao?

Chúng tôi cho rằng, các lĩnh vực như ngân hàng, tiêu dùng và bất động sản rất hấp dẫn để đầu tư. Ba lĩnh vực này được coi là trụ cột của nền kinh tế, hiện đang trong giai đoạn phục hồi và đều có sức hấp dẫn, vì đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ phát triển, thể hiện ở tỷ lệ thâm nhập tương đối thấp của các sản phẩm và dịch vụ. Ví dụ, tỷ lệ thâm nhập của các sản phẩm ngân hàng bán lẻ vẫn còn khá thấp, người tiêu dùng được hưởng lợi từ thu nhập tăng và nhu cầu sở hữu nhà luôn hiện hữu. Những yếu tố này cho thấy những ngành này sẽ tiếp tục duy trì triển vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Đặc biệt, chúng tôi dự đoán rằng, các doanh nghiệp hàng đầu trong các ngành này, chẳng hạn như ACB, PNJ và KDH có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số trong vài năm tới.

Định giá ngành ngân hàng hiện đang ở mức rẻ hơn so với bình quân 3 năm trong quá khứ. Hệ số giá trên giá trị sổ sách bình quân (P/B) năm 2024 ước tính của ngành (không tính Vietcombank) là 1,1 lần, với mức ROE ngành dự báo ở mức 18%, thấp hơn so với mức P/B trung bình 3 năm gần nhất là 1,4 lần. Chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước thông qua nhiều đợt cắt giảm lãi suất và các biện pháp hỗ trợ đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản giúp củng cố triển vọng ngắn hạn của ngành ngân hàng, từ đó có thể hỗ trợ cho định giá ngành này được cải thiện.

VinaCapital cho rằng, các ngân hàng có bảng cân đối kế toán vững mạnh và chất lượng tài sản tốt sẽ có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao hơn, ví dụ như ACB, so với các ngân hàng có nhiều rủi ro hơn do tỷ lệ cho vay bất động sản hoặc trái phiếu doanh nghiệp cao.

Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thu hút vốn đầu tư nước ngoài tốt hơn vào thị trường chứng khoán?

Giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) là thách thức chính đối với Việt Nam để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán. Chính phủ đã quy định đặt mức FOL tối đa trong một số ngành như ngân hàng, bất động sản, dầu khí, vật liệu xây dựng. Các giới hạn này sẽ hạn chế việc thu hút đầu tư lớn hơn từ các tổ chức quốc tế, vì các công ty tốt thường có “room” ngoại lấp đầy, trong khi các giao dịch thỏa thuận ngoài thị trường có thể tốn kém. Hơn nữa, rất ít công ty trong các ngành không bị hạn chế chọn nâng trần FOL vì họ cho rằng không nhận thấy được lợi ích, các cổ đông hiện hữu muốn giữ quyền kiểm soát công ty và những bất lợi thương mại tiềm ẩn khi tỷ lệ vốn ngoại vượt quá 50%. Giải quyết vấn đề về FOL sẽ tạo tiền đề cho Việt Nam tham gia vào chỉ số MSCI-EM Index, từ đó có thể thúc đẩy giá cổ phiếu tăng đến 3% và thu hút thêm dòng vốn với giá trị lên đến vài tỷ USD vào Việt Nam.

Xem thêm: lmth.570723tsop-iaogn-coun-ut-uad-nov-tuh-uht-hnihc-cuht-hcaht-iaogn-moor/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Room ngoại, thách thức chính thu hút vốn đầu tư nước ngoài”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools