Những lời bình luận của bố mẹ anh nào là: "Mặc vậy thì mày cởi ra luôn đi", "Đi giật chồng người khác bị thế đáng đời lắm", "Đẹp mặt họ hàng dòng họ nhỉ!?"...
Để ông bà, cha mẹ ở nhà có thể giải trí "hiện đại", nhiều gia đình lập Facebook để người già vui vẻ. Nhưng không ít chuyện dở khóc dở cười khi người già cũng "nghiện" mạng xã hội, thậm chí "sập bẫy" lừa hoặc chuốc vào mình những ưu phiền, rắc rối.
"Còm dạo" trên Facebook, cầm điện thoại cả ngày lẫn đêm
Câu chuyện dở khóc dở cười được anh Trần Tuấn Anh chia sẻ về việc cha mẹ dùng Facebook và bị cuốn vào những trào lưu câu view trên mạng xã hội.
Cách đây hai năm, anh mua tặng cha mẹ chiếc điện thoại có thể vào mạng và lập tài khoản Zalo, Facebook để tiện liên lạc. Thời gian đầu cha mẹ anh còn không chịu dùng vì khó sử dụng. Nhưng con cháu chỉ qua vài lần hai ông bà đã biết lên mạng tìm người quen, kết bạn, rồi gọi điện hỏi thăm.
Dần dà, cha mẹ anh bị "nghiện" và đòi mua thêm điện thoại mới để mỗi người có một cái. "Nhiều lúc có những cuộc điện thoại kéo dài cả giờ đồng hồ, không gọi điện thoại thì xem video, lướt Facebook cả ngày lẫn đêm. Ông thì xem các video các câu chuyện về chủ đề chiến tranh, chính trị hay những tin giả; bà thì xem video giật chồng, phim ảnh...", anh Tuấn Anh kể lại.
Biết rằng mạng xã hội ngoài những trang chính thống còn có rất nhiều kênh câu view, xuyên tạc nội dung dễ khiến người lớn tuổi bị cuốn vào, nhưng anh bất ngờ khi chính cha mẹ mình là nạn nhân.
Anh kể thêm: "Có hôm tôi nhận được tin nhắn của bạn bè và chụp lại hình ảnh bố mẹ mình đang bình luận, tranh cãi về một câu chuyện nào đó. Khi thấy các cô gái trẻ mặc bikini để quảng cáo bán quần áo, ông bà liền bình luận "tại sao lại ăn mặc như vậy rồi đăng lên", "mặc vậy thì mày cởi ra luôn đi"... Hay khi xem những video cảnh đánh ghen, giật chồng..., ông bà lại bức xúc, vào chửi các cô gái là tiểu tam, giáo huấn luật nhân quả.
Các trào lưu, video câu view trên mạng xã hội quá nhiều trong khi ông bà sống ở quê, tư tưởng vẫn còn rất "cũ". Ông bà lại quá nhập tâm khi dùng mạng xã hội, không biết thật - giả".
Cũng "khổ" không khác, chị Nguyễn Thị Quyên (quận Tân Phú, TP.HCM) thấy cha mẹ dùng điện thoại quá nhiều, vợ chồng chị ngồi lại nói chuyện, khuyên ông bà dùng ít lại, thậm chí nhiều lúc phải giấu điện thoại đi để ông bà ngủ sớm.
"Giải thích thế nào ông bà cũng không chịu "cai" Facebook. Không có thì không ngủ được, thấy thiếu thiếu món gì trên tay khi lên giường. Mà có Facebook thì các cụ mắt không rời màn hình, 4h sáng đã dậy xem video. Ba tôi tuyên bố: Không có Facebook như máu không đi qua tim! Vợ chồng tôi đứng hình và chưa biết xử lý sao", chị Quyên giãi bày.
Đây là tình huống nhiều gia đình có cha mẹ, ông bà chơi Facebook, dùng mạng xã hội gặp phải. Ngăn ông bà để giữ sức khỏe cho người già có khi gia đình bất hòa!
Đừng quên vui chơi với con cháu
Mạng xã hội ở phương diện nào đó đã mang đến niềm vui cho người già, bớt cô đơn khi con cái đã lớn, ít giao tiếp. Tuy nhiên, trước vẻ muôn màu muôn sắc trên mạng thì những kỹ năng sàng lọc thông tin xấu độc, hạn chế bộc bạch những cảm xúc, thông tin dữ liệu cá nhân, lừa đảo trên mạng là rất cần thiết cho người lớn tuổi.
Đồng cảm về câu chuyện người lớn dùng mạng xã hội, bà Phạm Trần Kim Chi, nhà thực hành tâm lý học tích cực ứng dụng (sống tại TP.HCM), cho rằng sử dụng mạng xã hội là nhu cầu chung của mọi người.
Bà Kim Chi nhìn nhận: "Lớn tuổi đã về hưu, không còn đi làm nên có thể sẽ thiếu kết nối xã hội. Thiếu bạn bè, không nhiều mối kết nối nên nhiều người dễ rơi vào trạng thái cô đơn. Mạng xã hội giống như một kênh giúp họ giải tỏa khi kết nối được với bạn bè cũ, họ chia sẻ hình ảnh, cập nhật cuộc sống của mình và nhận về những bình luận của bạn bè trên Facebook. Điều này giúp họ có tương tác và cảm thấy hạnh phúc hơn vì điều đó".
Tuy nhiên, bà Chi chỉ ra "điểm yếu" của người lớn khi chơi "phây" là hạn chế về công nghệ, không hình dung được và không có nhiều cơ hội để theo kịp tốc độ phát triển của mạng xã hội, công nghệ ngày nay.
"Ví dụ, khi mở Facebook, nếu ông bà bấm vào xem một nội dung nào đó thì mạng xã hội sẽ lưu nhớ thông tin này và đề xuất những video có nội dung tương tự... Do đó, nếu như bà bấm vào xem những video về cảnh giật chồng, ngoại tình thì những video tương tự sẽ xuất hiện liên tục trong tầm mắt. Điều này dễ khiến người già nghĩ rằng xung quanh mình giờ toàn những chuyện tương tự, dễ bức xúc và để lại những bình luận tiêu cực", nhà tâm lý này phân tích thêm.
Cũng theo nhà tâm lý Kim Chi, để cha mẹ, ông bà sử dụng mạng xã hội theo hướng tích cực thì con cháu nên chia sẻ, hướng dẫn cách sử dụng.
Bà Chi gợi ý những phương pháp: "Mình quan tâm đến nội dung nào thì thuật toán của Facebook sẽ đề xuất nhiều video tương tự, do vậy hãy hướng dẫn hay gửi những video, chương trình tích cực để bố mẹ xem. Chỉ ông bà cách hạn chế những nội dung độc hại, mang tính câu view trên mạng...
Dù vậy, ngoài mạng xã hội thì con cháu nên giúp người lớn tuổi có những mối quan tâm, kết nối ngoài đời thật để ông bà hạn chế sử dụng điện thoại quá nhiều. Cụ thể như tìm kiếm các câu lạc bộ sinh hoạt phù hợp để người lớn tuổi tham gia, tạo ra những công việc đơn giản nhẹ nhàng để họ cùng tham gia vào công việc chung của gia đình, hay tạo ra những cuộc gặp gỡ giao lưu ngoài đời thật...".
Còn theo một chuyên gia tâm lý của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, người lớn tuổi khi tham gia mạng xã hội quan trọng nhất là phải cân bằng quỹ thời gian sử dụng "phây" để không ảnh hưởng đến các hoạt động khác của cá nhân.
"Mỗi ngày ông bà, cha mẹ còn xem tivi giải trí, thể thao, giao tiếp kết nối với bạn bè, họ hàng, con cháu. Để cha mẹ không bị ảnh hưởng bởi những rắc rối từ mạng xã hội, phát huy các mặt kết nối của Facebook thì con cháu cần hỗ trợ và hướng dẫn cha mẹ, ông bà cách sử dụng một cách an toàn, đúng cách, sàng lọc thông tin", chuyên gia này khuyên.
Hạnh phúc khi được kết nối bạn bè
Cũng từng "nghiện" điện thoại thời gian đầu khi dùng Facebook nhưng theo cô Lê Ngọc Nữ (65 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM), mạng xã hội cũng là nơi mang lại niềm vui, "cầu" kết nối bạn bè.
"Lúc đó được con lập trang cá nhân riêng, tôi đã kết nối lại được với nhiều người ở quê đã rất lâu không gặp. Thời gian đầu tôi cũng "nghiện" lắm, thoải mái gọi điện nói chuyện hàng tiếng đồng hồ hoặc "buôn" chuyện cả ngày không chán. Hay thấy các bạn đưa hình ảnh lên mình cũng bình luận, tương tác qua lại, rồi vào phần video xem phim...
Nhưng thỉnh thoảng mọi người lại "offline", rủ nhau đi uống cà phê, gặp gỡ nhau ngoài đời thực. Cùng nhau nói chuyện, chụp ảnh rồi đăng Facebook. Nhiều bạn khác vào bình luận, khen dạo này trẻ khỏe là thấy vui cả ngày. Nhiều khi niềm vui đơn giản chỉ có vậy.
Tuy "nghiện phây" nhưng xem nhiều thấy đau mắt, tôi điều chỉnh lại, giảm thời gian xem điện thoại. Ví dụ gọi nói chuyện bạn bè sẽ nói ngắn hơn, giảm thời gian xem để mắt được nghỉ ngơi và tuyệt đối không xem vào giờ nghỉ trưa, tối thì đi ngủ sớm. Còn lại mình vẫn thường xuyên đăng ảnh đi chơi, ảnh con cháu... thấy bạn bè vào bình luận vẫn vui", cô Nữ nói.
Mỗi lần vào Facebook, nam thanh niên sẽ bị 'ăn' một cái tát vào mặt. Người có công việc này được trả 8 USD/giờ (khoảng 180 nghìn đồng).